Người thầy thắp lửa
(Sóng trẻ) - Chiều cao không quá một mét sáu mươi, thân hình mỏng mảnh và gầy gò, nhìn vóc dáng ấy, người ta dễ nghĩ Nguyễn Chí Thuận, sinh năm 1979 là một học sinh phổ thông hơn là người vốn được trẻ em trong vùng gọi là “thầy”. Vâng, “thầy Thuận” – cứ đến thôn Minh Hòa 3, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội mà hỏi thì chẳng ai là không biết. Sự nổi tiếng của người thầy đặc biệt này gắn liền với một lớp học cũng đặc biệt không kém: lớp học tích cực.
Lớp học “Khiêm tốn – Thành thật – Yêu người”
Vào những ngày cuối tuần, căn nhà cấp 4 nhỏ bé của anh Thuận chẳng mấy khi vắng những tiếng cười đùa của lũ trẻ. Gần 5 năm trước, xuất phát từ mong muốn giúp đỡ các cháu trong gia đình ôn luyện nại ngữ, anh đã cho tu sửa nơi này thành một phòng học gọn gàng và sạch sẽ. Phòng không có bàn ghế khang trang nhưng đã gắn bảng đen và máy chiếu. Những đứa trẻ ở đây hồn nhiên nhận xét: “Lớp còn xịn hơn trên trường”. Nổi bật và gây chú ý trong căn phòng còn là dòng chữ bằng giấy thủ công đỏ dán ngay ngắn trên bức tường đối diện cửa ra vào: Khiêm tốn – Thành thật – Yêu người. Đó là câu khẩu hiệu, là phương châm giáo dục của lớp học nhỏ bé này. Hơn 8 giờ sáng, thấy học sinh đã đông đủ, anh Thuận cầm máy tính và sách vở chậm rãi bước vào. Giờ học tiếng Anh bắt đầu.
Anh Thuận trong giờ dạy tiếng Anh.
Chưa một ngày học nghiệp vụ sư phạm, vậy nên anh Thuận đã chủ động tìm một hướng đi mới cho những giờ học của mình. Anh tìm những chủ đề gần gũi với bọn trẻ để dạy. Và không chỉ dừng lại ở việc dạy nại ngữ, anh còn liên hệ đến các kiến thức trong đời sống để giúp học sinh mở rộng vốn hiểu biết. Như giờ học hôm nay, anh Thuận dạy các từ vựng chủ đề hiện tượng thiên nhiên. Dạy xong cách phát âm, anh kể về sự hình thành của mây, mưa, sấm, sét. Những câu tiếng Anh xa lạ chợt trở nên thân thuộc như cái cây, ngọn cỏ trong vườn nhà. Biết lũ trẻ thích xem những thứ vui nhộn nên máy tính của anh lúc nào cũng lưu sẵn những clip ca nhạc thiếu nhi gắn liền với nội dung bài học để mở ra minh họa trong giờ.
Nói triết lý giáo dục của riêng mình, Thuận bình thản chia sẻ: “Khiêm tốn – thành thật và yêu người là 3 giá trị cốt lõi của của tư duy tích cực. Bình thường mình học trường học, mình được học tri thức, mình cũng được học đạo đức và phát triển kỹ năng sống nhưng nó không được sâu. Ở đây, mình muốn các bạn rèn luyện điều đó”. Đó cũng là lý do để cho ra đời cái tên “lớp học tích cực”.
Tấm gương của tuổi trẻ Minh Khai
Điều đặc biệt của lớp học tích cực không chỉ dừng lại ở câu khẩu hiệu hay phương pháp giảng dạy mà còn ở chính câu chuyện riêng của người sáng lập – anh Thuận. Hơn 20 năm trước, căn bệnh viêm cột sống dính khớp quái ác đã khiến Thuận phải nghỉ học và tưởng chừng không đi lại được. Thế nhưng, bằng tất cả nghị lực và quyết tâm, anh đã tập luyện để có tiếp tục trở lại con đường học tập. Đến nay, Thuận đã có trong tay tấm bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (hệ đào tạo liên kết giữa Trường Đại học Troy - Mỹ với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội). Anh cũng là giám đốc Công ty cổ phần Sililab Việt Nam - nơi chuyên nghiên cứu, sản xuất các phần mềm hỗ trợ quản lý doanh nghiệp.
Và lớp học của Thuận chỉ là một trong rất nhiều hoạt động được tổ chức bởi Hội Thanh niên Tích cực Minh Khai (Positive Young Association – PYA) – tổ chức do chính anh sáng lập. Đây là “mái nhà chung” của nhiều thanh thiếu niên trong xã. Các bạn, các em được anh Thuận tập hợp lại để cùng thực hiện các hoạt động như: sinh hoạt văn nghệ, tập luyện thể thao, xây dựng tủ sách, dọn dẹp đường làng,... Dần dà, không chỉ có các bạn trẻ Minh Khai tích cực tham gia mà những thanh thiếu niên ở các xã xung quanh cũng “bị cuốn vào hoạt động của PYA”. Đó là Chiến – “đồng tác giả” của những bức tranh tường graffiti tuyệt đẹp dọc đường vào thôn, là Nụ - cô giáo của lớp dạy Tiếng Anh miễn phí cho các em học sinh tiểu học...
Khi hỏi bằng cách nào có thể vừa lo công việc riêng, vừa duy trì lớp học và hoạt động của PYA, Thuận từ tốn tâm sự: “Mình coi các việc đều như nhau. Mọi công việc mình đều yêu thích và có giá trị riêng. Nó làm cho mình có năng lượng để làm nên mình cảm thấy rất bình thường”.
Nếu được học một người thầy giỏi, ai mà không tự hào. Nhưng với Thuận, học sinh không chỉ khâm phục mà còn coi anh như một tấm gương để chúng noi theo. Cô bé Hoàng Thị Minh Phương (học sinh lớp 8A, trường THCS Minh Khai) ríu rít khoe về người thầy đặc biệt của mình: “Học ở đây rất vui, thầy rất là tốt. Không bị gò bó như ở trường. Ở đây còn tổ chức các trò chơi rất vui. Hiện giờ trong tay thầy em đang có rất nhiều bằng đại học, có cả bằng nước nài. Em thấy vinh dự khi được học thầy giỏi như vậy”.
Anh Thuận cùng các bạn trẻ trong PYA bên “bức tường hoa” do chính họ vẽ lên.
Cách đây hơn 4 năm, Phí Thị Nụ (sinh viên ĐH Hà Nội) theo học lớp ôn thi đại học. Một thời gian sau, cô gái ấy quay lại nhưng với một vai trò hoàn toàn khác, Nụ kể: “Hồi ôn thi đại học thì mình nhận được sự giúp đỡ của các anh chị ở đây. Đến khi đỗ đại học, có thời gian rảnh thì mình quay lại đây và dạy các bé học. Mình rất khâm phục anh Thuận về nghị lực, tài năng của anh ấy”.
Khâm phục, tự hào và vinh dự - đó là xúc cảm chung của những bạn trẻ Minh Khai mỗi khi nhắc đến cái tên Nguyễn Chí Thuận. Anh xứng với lời ngợi ca đó, bởi hơn cả một tấm gương, Thuận còn là một người thắp lửa.
Nguyễn Hải
Cùng chuyên mục
Bình luận