Người trẻ đang dần “sợ” Tết?
(Sóng trẻ) - Càng gần đến Tết, nhiều người trẻ lại càng quay cuồng với trăm ngàn nỗi lo về lương thưởng, KPI, gia đình … khiến họ dễ rơi vào căng thẳng và trở nên “sợ” Tết.
Những áp lực vô hình
Bạn Nguyễn Thị Thanh Thủy (23 tuổi) đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chia sẻ: “Từ khi tự kiếm được tiền thì mình cảm thấy cuối năm là khoảng thời gian áp lực nhiều nhất, đặc biệt là về vấn đề tiền bạc. Dù bố mẹ không yêu cầu nhưng không phụ giúp thì cũng áy náy. Vì thế, mình cũng cố gắng đưa cho bố mẹ một ít để sắm Tết dù lương không cao”.
Để làm tròn chữ hiếu, những ngày cận Tết như này, chị Thủy liên tục tăng ca tại cơ quan và tìm thêm các công việc bên ngoài để tăng thu nhập: “Mấy ngày này mình toàn về nhà lúc 8-9 giờ tối, có hôm nửa đêm vẫn còn phải làm để giải quyết cho xong công việc không thì cảm giác như ngày mai cả trăm việc dồn vào”, chị Thủy cười trừ.
Còn đối với chị Phan Thị Trang (32 tuổi, Hà Nội) đã lập gia đình, Tết có vẻ chật vật hơn: “Thực sự về quê đón Tết rất tốn kém. Tiền quà cáp cho hai gia đình nội - ngoại, tiền lì xì đầu năm mới,… Bình quân một năm nhà mình chi từ 7-8 triệu cho dịp này. Vì thế, mình chỉ mong công ty phát lương sớm để chi tiêu dư dả một chút chuẩn bị cho Tết”.
Theo khảo sát “Xu hướng người tiêu dùng Việt Nam cho Tết 2023” của Cimigo, ba khoản chi tiêu phổ biến nhất trong dịp Tết Nguyên Đán của người Việt lần lượt là quà tết (57%), quần áo mới (47%) và lì xì (45%). Trong đó, chi phí phát sinh dịp Tết của người Việt là 6.790.000 VNĐ, gần bằng mức phí sinh hoạt hàng tháng là 7.470.000 VND.
Ngoài áp lực về kinh tế, những người trẻ như chị Thủy hay chị Trang còn “ngại” Tết vì những áp lực vô hình đè nặng lên vai người trưởng thành hiện nay như chuyện lập gia đình, con cái, chuyện công việc.
Bạn Đồng Thị Dung (20 tuổi, Hà Nội) tâm sự: “Mình về nhà không sợ dọn nhà hay làm cơm mà sợ nhất là mấy câu hỏi của các bác, các cô về những chuyện cá nhân như 'Thưởng Tết cao không?', 'Có bạn trai chưa?',... Mình còn trẻ và còn muốn trải nghiệm nhiều nên 1-2 lần hỏi đầu cũng cố gắng giải thích. Nhưng các câu hỏi như vậy cứ lặp đi lặp lại trong những buổi tụ họp gia đình khiến mình rất khó chịu và áp lực”. Vì thế, mỗi lần bị hỏi khó, Dung lại thường trả lời qua loa hoặc “lảng” sang chuyện khác để thoải mái hơn.
Chị Trang chia sẻ, vì lấy chồng xa nhà nên cứ đến dịp Tết gia đình lại quay cuồng về nhà hai bên nội - ngoại: “Mỗi khi đến Tết mình phải lên lịch trình rất kỹ cho cả gia đình, hôm nào về ngoại, hôm nào về nội, đi thăm họ hàng như thế nào… Mấy ngày Tết gia đình mình ở nguyên một chỗ cũng khó”, chị Trang tâm sự thêm.
Vẫn mong chờ đến Tết Nguyên Đán
Những câu chuyện trên là những trường hợp mà người trẻ hiện nay dễ gặp phải trong cuộc sống hiện đại mỗi dịp Tết đến Xuân về. Thế nhưng, dù có áp lực, họ vẫn mong mỏi ngày Tết Nguyên Đán để được ở bên gia đình, bạn bè sau một năm làm việc vất vả.
Đối với chị Thủy, dù trước Tết có bề bộn nhưng chỉ cần về nhà là mọi khó khăn, lo lắng tan biến hết: “Bây giờ chăm chỉ làm việc, đến Tết thì thư giãn, thoải mái. Mình coi như là khổ trước sướng sau vậy”. Sau hai năm đại dịch COVID-19, Thủy nhận ra điều tuyệt vời nhất vẫn là có gia đình, bạn bè để cùng quây quần những dịp linh thiêng này.
“Nhìn lại một năm tất bật với học tập và công việc, mình thấy những khoảnh khắc cùng gia đình dọn nhà, gói bánh chưng, xem Táo Quân rất thú vị và yên bình. Vì thế, mình vẫn mong đến Tết”, bạn Dung hào hứng nói.
Còn đối với chị Trang, khi được hỏi Tết đến trăm nỗi lo chị còn hào hứng không, chị cho biết: “Hồi bé mê Tết là vì được chơi nhiều, lớn lên lập gia đình rồi nhưng mình vẫn thích Tết, dù cảm giác hào hứng không còn được như hồi bé. Gia đình mình coi Tết như một dịp để nhìn lại một năm đã đạt được gì, thiếu sót gì để năm sau phấn đấu tiếp”.
“Đặc biệt là hai đứa trẻ. Cả năm bố mẹ đi làm, con cái nhờ ông bà nội trông hộ, chỉ có dịp Tết là được ở cạnh con nhiều. Nên Tết đến gia đình cố gắng cho con được trải nghiệm nhiều nhất vừa giúp con hiểu được văn hóa truyền thống vừa giúp bố mẹ hiểu con hơn”, chị Trang cho biết thêm.
Theo Th.S Nguyễn Hiếu Tín: "Đón Tết vui, Tết khỏe là sự an lạc trong mỗi người". Cảm giác sợ Tết hiện nay ở người trẻ là một chỉ báo sự thay đổi trong xã hội khi vật chất “lên ngôi” trong đời sống đô thị, công nghiệp. Do đó, sẽ có người cảm giác "sợ" Tết vì nỗi lo cơm áo, gạo tiền. Và ngược lại, có những người vẫn mong đến Tết để được thụ hưởng thoải mái sau một thời gian lao động nhọc nhằn.
Để phát huy các giá trị tích cực của ngày Tết, “rất cần khoảng lặng, khoảng không gian yên tĩnh, để giúp ta lắng đọng, suy tư, gửi gắm niềm tin, hoài vọng đến tương lai và cảm nhận những gì đang hiện hữu, nạp thêm năng lượng để tiếp tục thực hiện công việc một cách hiệu quả”, Th.S Nguyễn Hiếu Tín cho biết.