Người trẻ làm nông nghiệp hữu cơ: "Muốn làm nông nghiệp phải làm từ tâm"
(Sóng trẻ) - 9h00 sáng nay, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Hoàng Văn Dự và Giám đốc Công ty Quế Hồi Việt Nam - Vina Samex tham gia giao lưu trực tuyến cùng độc giả của Sóng trẻ tại Coffee Cây, số 137 Vĩnh Hồ, Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội.
Buổi giao lưu trực tuyến chính thức bắt đầu.
Từ thách thức đến cơ hội...
Khi người trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ thì có những cơ hội và thách thức nào?
Ông Hoàng Văn Dự: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ có rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đan xen. Nông nghiệp hữu cơ là hình thức canh tác dựa trên hình thức canh tác hoàn toàn tự nhiên. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là không sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, không sử dụng giống biến đổi gen. Hình thức canh tác hoàn toàn bảo vệ đất, con người sản xuất và người tiêu dùng.
Trong tình trạng hiện nay, thực phẩm bẩn đang ngày càng nhức nhối. Người tiêu dùng đang tìm thực phẩm an toàn, chất lượng để bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình. Thu nhập của người dân cũng ngày càng tăng cao, số lượng người tìm đến các sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng cao. Tuy nhiên thách thức cũng rất nhiều. Hiện nay mạng truyền thông phát triển, và phổ biến, có những người làm tự giật gắn mác hữu cơ cho sản phẩm của mình.
Chúng ta phải cạnh tranh với sản phẩm từ các nước khác. Sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói riêng có rất nhiều rủi ro. Nhất là rủi ro về thời tiết, dịch bệnh, khí hậu.
Chúng ta là một nước đi sau trong nông nghiệp hữu cơ vì thế rất khó cạnh đối với những doanh nghiệp nước ngoài. Còn nhiều rủi ro khác như liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng của chúng ta còn yếu.
Thưa bà, tại thời điểm năm 2012, nông nghiệp hữu cơ là khái niệm khá mới, và bà còn rất trẻ, vì sao bà lại chọn nông nghiệp hữu cơ làm hướng phát triển cho sản phẩm của mình?
Nó là cộng hưởng của nhiều yếu tố, bên tôi kinh doanh từ 2007 chỉ muốn kinh doanh, chỉ cần bán được sản phẩm và xuất khẩu, không quan tâm xuất khẩu đi đâu.
Khoảng 3 năm đầu tiên là chỉ xuất khẩu đi Trung Đông như: Ấn Độ, Bangladesh, Singapore... Nhận thấy rằng họ chỉ muốn mua hàng với giá rẻ và không quan tâm tới chất lượng sản phẩm họ mua với giá rẻ. Thời gian gần đây, công ty hợp tác với các tổ chức NGO, làm việc với các trung tâm xúc tiến thương mại của bộ công thương và tham gia các hội chợ Quốc tế.
Trong giai đoạn khởi nghiệp đó bà gặp phải những khó khăn gì?
Bà Nguyễn Thị Huyền: Tại thời điểm đó, chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn và vất vả, khởi nghiệp từ nông nghiệp hữu cơ còn rất mới ở Việt Nam vì thời điểm đó, Việt Nam chưa có cơ quan nào ban hành tiêu chuẩn từ hữu cơ. May mắn là có sự hỗ trợ từ nước ngoài và sự nỗ lực của công ty. Khi hợp tác với người nông dân và lấy niềm tin của người nông dân là cực kỳ khó khăn. Họ đặt ra rất nhiều câu hỏi: sẽ nhận được gì khi hợp tác với công ty, phải mất đến 3 năm để thuyết phục họ
Có ý kiến cho rằng: “Nông nghiệp hữu cơ là giấc mơ vừa nhọc nhằn vừa đẹp đẽ”. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến trên?
Ông Hoàng Văn Dự: Nông nghiệp đã khó khăn thì nông nghiệp hữu cơ lại càng khó khăn. Nông nghiệp hữu cơ phải đối mặt với rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, môi trường. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng phải tuân theo quy trình rất gắt gao đòi hỏi rất chi tiết người sản xuất phải ghi chép lại quy trình, những yếu tố về môi trường đất, không khí, môi trường nước... Chính vì thế mà làm cho việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ làm mất rất nhiều thời gian công sức. Tuy nhiên thì đẹp đẽ cũng rất là chính xác vì sản xuất nông nghiệp hữu cơ là làm ra những cái đẹp đẽ cho đời.
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch cần quy trình sản xuất nghiêm ngặt hơn. Chính vì thế mà giá thành cũng cao hơn sản phẩm thông thường, khó có thể tiếp cận với phần đông người tiêu dùng. Vậy làm thế nào thúc đẩy hoạt động tiêu dùng và sử dụng sản phẩm này?(Facebook Tran Phu).
Ông Hoàng Văn Dự: Để mà sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có thể cạnh tranh với các sản phẩm khác và có đông đảo người tiêu dùng đón nhận, trước hết nhà sản xuất phải đáp ứng được nhu cầu của người dân. Giá thành sản phẩm phải có sự hỗ trợ của Nhà nước ví dụ như hỗ trợ về chính sách đất đai, chính sách người tiêu dùng, hỗ trợ giấy tờ, quảng bá, tuyên truyền tới đông đảo người dân, người tiêu dùng biết, lợi ích của các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Hiện nay, nhiều ngân hàng có những gói hỗ trợ cho doanh nghiệp mới hoạt động như Viettin bank dành 500 tỷ với nhiều ưu đãi lớn, BIDV dành 30 nghìn tỷ hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh. Vậy, thưa ông có chính sách, gói hỗ trợ đặc nào dành cho các doanh nghiệp mới hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ hay không?
Ông Hoàng Văn Dự: Năm 2018 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trình Chính phủ ban hành Nghị định 109. Đây là Nghị định rất kịp thời. Như các bạn đã biết, nông nghiệp hữu cơ đã phát triển ở nước ngoài từ rất lâu. Việt Nam mới tiếp cận với nông nghiệp hữu cơ thì chủ yếu dựa vào quy trình nước ngoài. Việt Nam cũng chưa có tổ chức nào đánh giá bộ tiêu chuẩn hữu cơ.
Trong nghị định quy định rất rõ Nhà nước hỗ trợ 100% đối với việc khảo sát lựa chọn các địa điểm, các điều kiện để làm nông nghiệp hữu cơ cùng với các tiêu chí. Hỗ trợ 100% chi phí phân tích đất, nước, không khí, môi trường để phục vụ cho quá trình sản xuất. Hỗ trợ 100% cấp chứng nhận ban đầu hoặc cấp lại. Như các bạn đã biết, chi phí để thuê chứng nhận của nước ngoài rất đắt, khó có thể thực hiện được. Nhà nước hỗ trợ nhiều về công tác đào tạo, xúc tiến thương mại là điều vô cùng cần thiết.
Thưa bà, bà đã tiếp cận được với những gói hỗ trợ nào. Trong quá trình vận hành sản xuất, bà đã duy trì nguồn vốn của công ty như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Huyền: Nhà nước đã có rất nhiều chính sách cho các doanh nghiệp: giảm thuế về 0% để thúc đẩy xuất khẩu. Với sản phẩm quế hồi khô đều với thuế là 0%. Khoảng 2 năm gần đây Việt Nam rất chú trọng sản phẩm hữu cơ. Tại Việt Nam, rất ít sản phẩm hữu cơ được kiểm chứng và người dân không nhận biết được đồ hữu cơ.
Đối với ngân hàng có chính sách cho vay theo chuỗi, đối với những doanh nghiệp làm việc với người nông dân sẽ được vay với lãi suất thấp hơn với các doanh nghiệp khác.
Còn theo bà Huyền, đâu là thị trường bền vững của nông nghiệp hữu cơ nói chung và sản phẩm quế hồi nói riêng?
Bà Nguyễn Thị Huyền: Thị trường nào cũng tiềm năng và bền vững nhưng cần có thời gian. Doanh nghiệp cần nâng cao các sản phẩm hữu cơ, cần đạt được yếu tố cao và mang trách nhiệm cho xã hội, bảo tồn được các yếu tố từ thiên nhiên. Sản phẩm ở Việt Nam còn rất mới, sản phẩm Quế hồi có thể dung được cho nhiều công dụng: như món ăn, trang trí, thuốc,… thị trường nước ngoài rất ưa chuộng. Gần đây Việt Nam rất chú trọng việc ăn sạch uống sạch, vậy nên cũng là một thị trường tiềm năng trong thời gian sắp tới.
Nông nghiệp hữu cơ đã và đang là hướng đi được nhiều người lựa chọn hiện nay. Vậy ông có đánh giá như thế nào về hướng đi phát triển của ngành này trong tương lai?
Ông Hoàng Văn Dự: Hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ là tất yếu. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp năm 2016 và hiện nay có khoảng 17.200 nông dân đang tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Bộ Nông nghiệp trong đề án đó nêu rất rõ mục tiêu và định vị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới.
Hằng năm riêng Nông nghiệp hữu cơ đã đóng góp nửa tỷ Đô la Mỹ.
Triển vọng nào dành cho người trẻ?
“Chỉ có thất nghiệp hoặc không thể bám trụ trên thành phố mới lựa chọn về quê làm nông nghiệp.” Trên cương vị là một người trẻ, bà có suy nghĩa gì về ý kiến trên? (Facebook Ngà Trần)
Bà Nguyễn Thị Huyền: Theo lĩnh vực này cần rất yêu thích thì mới theo nông nghiệp được, còn các bạn trẻ thất nghiệp mới về quê làm nông nghiệp, thì nó không đúng. Vì trên thực tế ở Việt Nam có rất nhiều người giỏi đã về quê để lập nghiệp theo nong nghiệp sinh thái. Nếu có thể hãy về quê hương để sản xuất nông nghiệp sạch, tốt. Nếu thực sự đam mê và yêu thích hãy chọn nông nghiệp vì đi sâu vào nó bạn sẽ khám phá nhiều điều mới mẻ, bổ ích.
Mặc dù đã nghe rất nhiều đến sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nhưng cá nhân mình vẫn không biết có phải: phương thức canh tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ có phải chỉ đơn thuần là không sử dụng hóa chất như: phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... trong sản xuất để cho sản phẩm sạch, an toàn hay không? (Facebook Thanh Hà)
Ông Hoàng Văn Dự: Nhận định của bạn rất chính xác. Tuy nhiên tôi bổ sung thêm. Ngoài các tiêu chuẩn ví dụ như là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, thuốc tăng trưởng, không sử dụng giống, đầu vào liên quan đến biến đổi gen. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi rất nhiều yếu tố như: môi trường đất, nước, môi trường không khí, tiếp đến là thu hoạch, thu hái, bảo quản sản phẩm nông sản hữu cơ đòi hỏi phải rất an toàn.
Nếu chúng ta sản xuất một sản phẩm sạch nhưng khi chúng ta thu hoạch chúng ta không có biện pháp đảm bảo an toàn thì không thể trở thành sản phẩm hữu cơ. Quá trình lưu trữ, đóng gói bao bì đòi hỏi quy trình rất là chặt chẽ. Ngoài ra sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đối với sản xuất mang tính truyền thống thì phải có thời gian cho đất nghỉ ngơi. Trong quá trình trồng cũng phải xem cái loại cây trồng để đảm bảo hệ sinh thái cân bằng.
Ví dụ như trồng những cây trồng có lợi, và xua đuổi những sinh vật có hại.
Với nhiệm vụ là đơn vị thúc đẩy thương mại nông nghiệp, vậy thì… về phía trung tâm đã có chính sách hỗ trợ như thế nào về việc quảng bá sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ra ngoài thị trường?
Ông Hoàng Văn Dự: Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp là đơn vị đầu mối của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi có những chính sách trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp nói chung trong đó có nông nghiệp hữu cơ.
Hằng năm chúng tôi tổ chức nhiều triển lãm trên khắp cả nước và nhiều vùng miền, tổ chức các hoạt động đào tạo tập huấn về sản xuất cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Chúng tôi cũng tổ chức hội chợ ở các thị trường lớn như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Trung Đông, EU,... Ngoài ra, tại trung tâm còn tổ chức các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trong đó có nông nghiệp hữu cơ. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức hoạt động giao thương kết nối giữa người sản xuất và tiêu dùng, trong đó có nông nghiệp hữu cơ.
Thưa bà, đâu là yếu tố quyết định để Quế Hồi Việt trở thành một trong những công ty đầu tiên của Việt Nam có sản phẩm hữu cơ đạt chuẩn quốc tế?
Bà Nguyễn Thị Huyền: Cần quyết tâm và đam mê về làm nông nghiệp hữu cơ vì nó rất vất vả, cần người chủ ko bỏ cuộc. Thứ 2 là sự hợp tác từ nhiều phía như người dân, chính quyền địa phương, chính quyền cũng là nơi hỗ trợ và phát triển cho… Thứ 3 là yếu tố về thông tin, nhờ những doanh nghiệp đã làm cung cấp thông tin. Thứ 4 vì nông nghiệp hữu cơ là điều cần minh bạch, từ khâu nguyên liệu, cần truy xuất được nguồn gốc
Về vấn đề nông nghiệp sạch với mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, các cơ quan, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về nông nghiệp sạch như: Nghị định 98 khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm và gần đây nhất là Nghị định 109 về nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ trong đó quy định rõ về các chính sách hỗ trợ phát triển đối với các đối tượng sản xuất sản phẩm hữu cơ.
Thưa bà, Nghị định 109 đã tạo ra cơ hội nào cho hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm ra ngoài thị trường?
Bà Nguyễn Thị Huyền: Việc tiếp cận thông tư và nghị định là chưa sâu. Về phía công ty, chúng tôi đã tham gia các hội thảo, sau đó đề ra được bộ tiêu chuẩn cho người dùng biết được tiêu chuẩn ra sao để người tiêu dùng hiểu thế nào là sản phẩm hữu cơ. Và phát triển mạnh mẽ hơn vì độ phủ về thông tin nhanh hơn và người dân đón nhận dễ hơn.
Giá thành của sản phẩm hữu cơ thường cao hơn sản phẩm thường, nhưng người dân đã tiếp nhận nó dễ dàng vì biết tại sao nó lại có mức giá cao hơn các sản phẩm thường.
Ông đánh giá như nào về Nghị định 109 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ?
Ông Hoàng Văn Dự: Nghị định 109 của Chính phủ là một văn bản pháp lý cao nhất tính tới thời điểm hiện nay. Năm 2017 đã có bộ tiêu chuẩn của Bộ Khoa học và Công nghệ tuy nhiên đến thời điểm hiện tại nghị định này là căn cứ pháp lý cao nhất. Trong nghị định đó có rất nhiều khuyến khích mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp, thông qua các nghị định đó người tiêu dùng cũng tin tưởng giúp cho cơ quan quản lý kiểm soát tốt hơn về chất lượng, quy trình sản xuất,…
Thưa ông, sau gần 2 năm được ban hành thì Nghị định đã có những cú hích gì cho sự phát triển của Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch?
Ông Hoàng Văn Dự: Như tôi đã nói văn bản này rất quan trọng, trong Nghị định đó có nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ , qua đó cung cấp thông tin về các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan liên quan với việc tổ chức đánh giá chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Trước đây chúng ta thường phải dựa vào các tổ chức nước ngoài nhưng chi phí cao, Nghị định này đã cho phép các tổ chức trong nước đánh giá chứng nhận, tạo điều kiện quan trọng để kiểm soát và cung cấp các chế tài với các đơn vị sản xuất.
Đứng ở góc độ người trẻ làm nông nghiệp và đã có 8 năm kinh nghiệm làm về vấn đề thì bà có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ đang ấp ủ ý định muốn khởi nghiệp từ nông nghiệp hữu cơ?
Bà Nguyễn Thị Huyền: Nó không chỉ ở Việt Nam mà ở nước ngoài cũng vậy, một lúc nào đó nó sẽ trở thành xu hướng và các bạn trẻ muốn làm. Theo như tôi đã trải qua, khi mình làm gì cũng cần đam mê và tâm huyết của mình, thành công phải trải qua rất nhiều khó khăn và thử thách, nếu muốn khởi nghiệp hãy có phong thái sẵn sang làm nông nghiệp hữu cơ. Nếu làm vì phong trào hãy nghĩ lại, vì nông nghiệp hữu cơ là hướng đến một xã hội tốt hơn. Hãy nhìn lại và hiểu hơn về nông nghiệp hữu cơ để có những bước đi đúng đắn.
Lời khuyên của ông dành cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ?
Ông Hoàng Văn Dự: Làm về nông nghiệp hữu cơ sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. Phải lường trước những khó khăn này. Muốn làm nông nghiệp phải làm từ tâm. Khi chúng ta làm từ tâm, thì những rủi ro, thất bại có thể trở thành bài học để vượt qua, thành công trong những lần sau.
Hiện nay, các bạn trẻ không quan tâm lắm đến nông nghiệp. Theo thống kê có khoảng trên 1% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thôi. Lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp rất ít. Trong đó đối với nông nghiệp hữu cơ càng ít vì nó có rủi ro lớn. Các bạn trẻ phải đam mê, yêu nghề và có cái tâm hướng tới người tiêu dùng, đưa ra sản phẩm đảm bảo sức khỏe và bảo vệ người tiêu dùng.
Buổi tọa đàm kết thúc!
Toàn cảnh tọa đàm: Người trẻ làm nông nghiệp hữu cơ
Trang tin điện tử Sóng Trẻ chân thành cảm ơn quý độc giả đã theo dõi, tương tác với buổi giao lưu trực tuyến. Kính mong quý độc giả tiếp tục đón nhận các tác phẩm tiếp theo trên trang tin Sóng trẻ và gửi phản hồi về hòm thư góp ý của trang tin: [email protected]
Xin trân trọng cảm ơn!