Tượng nhân sư gần 2000 năm tuổi hé lộ gương mặt Hoàng đế La Mã
(Sóng trẻ) - Các nhà khảo cổ học Ai Cập vừa phát hiện tượng nhân sư với “nụ cười dịu dàng và má lúm đồng tiền” trong khu tàn tích có từ thời La Mã cổ đại.
Tác phẩm điêu khắc tượng nhân sư mỉm cười và tàn tích của ngôi đền cổ được tìm thấy trong đợt khai quật tại Qena, một thành phố thuộc vùng Thượng Ai Cập.
Trong một tuyên bố hôm 6/3 (theo thông tin từ Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập), Mamdouh Eldamaty, cựu Bộ trưởng Cổ vật và giáo sư khảo cổ học tại Đại học Ain Shams, cho biết bên cạnh tượng nhân sư, một chiếc thang và bể chứa nước làm bằng gạch bùn từ thời Byzantine (Đế quốc Đông La Mã) cũng được tìm thấy bên trong một ngăn hai tầng của đền thờ.
Ông Eldamaty mô tả bức tượng có "các đặc điểm của một khuôn mặt hoàng gia" với “nụ cười dịu dàng” và 2 má lúm đồng tiền; nhân sư đội Nemes - loại khăn trùm đầu vải sọc và một biểu tượng rắn hổ mang trước trán, vốn dành riêng cho các Pharaoh theo truyền thống Ai Cập cổ đại.
Giáo sư cho rằng bức tượng có khả năng được điêu khắc theo chân dung Hoàng đế Tiberius Claudius, vị Hoàng đế thứ 4 của Đế quốc La Mã, trị vì từ năm 41 đến năm 54 sau Công nguyên. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ cũng cần thêm thời gian nghiên cứu để xác minh chủ nhân và lịch sử của tác phẩm đá vôi này.
Nhóm khảo cổ cũng tìm thấy một tấm bia La Mã nằm bên dưới tượng nhân sư, được khắc chữ tượng hình và chữ Demotic - một hệ thống chữ viết phổ thông của Ai Cập cổ đại được sử dụng từ khoảng năm 650 TCN đến thế kỷ thứ 5 sau CN. Các phát hiện này đều nằm trong địa điểm khai quật phía đông của Đền thờ Dendera, nơi thờ phượng nữ thần tình yêu và sắc đẹp Hathor.
Nhân sư là sinh vật quen thuộc trong thần thoại Ai Cập, Ba Tư và Hy Lạp cổ đại, thường được tìm thấy gần lăng mộ hoặc các công trình tôn giáo. Vậy nên không có gì lạ khi các nhà khảo cổ phát hiện thêm một tượng nhân sư mới tại Ai Cập. Theo chia sẻ của giáo sư Eldamaty trên trang web của trường đại học, đây mới là nhiệm vụ đầu tiên của phái đoàn tại Đền Dendera và các cuộc khai quật tiếp theo hứa hẹn sẽ "làm giàu kho tàng lịch sử của nền văn minh Ai Cập thời kỳ Hy Lạp và La Mã".
Đế chế La Mã dưới thời Hoàng đế Tiberius Claudius đã khẳng định sức ảnh hưởng sâu rộng của mình khi củng cố quyền kiểm soát tại Bắc Phi bao gồm Ai Cập, một phần Địa Trung Hải, Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ. Sinh thời, Claudius được cho là đã khuyến khích nhân dân Ai Cập chạm khắc khuôn mặt mình với tư cách là Pharaoh để duy trì sự ổn định và lòng trung thành của người dân với Đế chế La Mã hùng mạnh khi đó. Ông cũng là người đưa đội quân La Mã vượt biển chinh phạt Vương quốc Anh, đặt dấu mốc đầu tiên cho sự cai trị của La Mã với nước này. |
Nguồn: CNN