Nhiều tình nguyện viên chung tay làm sạch môi trường ngày ông Công ông Táo
(Sóng trẻ) - Chiều 21/1, tại khu vực Cầu Chương (quận Long Biên), tổ chức Keep Vietnam Clean phối hợp cùng các cá nhân và nhóm hoạt động vì cộng đồng tổ chức lễ ra quân tổng vệ sinh môi trường, hưởng ứng phong trào “Xuân Xanh bền vững - Tết Việt lành”.
Tết ông Công ông Táo thường diễn ra vào 23 Tháng Chạp với ý nghĩa thiêng liêng, gắn liền với nghi thức “tiễn” cá chép về trời. Đây không chỉ là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc.
Nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về giá trị của phong tục này, đồng thời kêu gọi bảo vệ môi trường nước, tổ chức Keep Vietnam Clean đã triển khai chiến dịch truyền thông trên quy mô lớn. Với thông điệp “Thả cá đừng thả túi nilon”, chương trình mong muốn lan tỏa mạnh mẽ tới cán bộ, hội viên và người dân, khuyến khích gìn giữ phong tục truyền thống một cách thân thiện với thiên nhiên.
Từ đầu giờ chiều, đông đảo bạn trẻ tham gia chương trình đã có mặt tại địa điểm tập kết với trang thiết bị đầy đủ, sẵn sàng bắt tay vào công việc dọn dẹp. Các hoạt động trong chương trình bao gồm dán biển chỉ dẫn đến địa điểm thả cá, thu gom rác, hướng dẫn người dân xử lý tro và túi nilon đúng cách, nhặt và phân loại rác thải tại chỗ.
Chia sẻ với phóng viên, chị Bùi Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Keep Vietnam Clean, cho biết: "Chân cầu Chương Dương là một khu vực rộng rãi, thoáng đãng, vì vậy người dân thường xuyên chọn nơi đây làm địa điểm thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời. Tuy nhiên nhiều năm qua, tình trạng vứt túi nilon xuống sông sau khi thả cá đã gây ô nhiễm nghiêm trọng".
Theo chị Diệp, qua 8 năm triển khai chiến dịch, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường đã được nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, năm nay chị thấy được sự thay đổi tích cực khi người dân không còn xả rác bừa bãi sau khi thực hiện nghi lễ. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy những nỗ lực tuyên truyền của chiến dịch đã phần nào phát huy hiệu quả.
Sau khi hoàn tất công việc thu gom, toàn bộ rác thải được phân loại trực tiếp tại chỗ. Các loại rác thải nhựa được chuyển đến các cơ sở thu gom và tái chế, đảm bảo quy trình xử lý đúng tiêu chuẩn.
Ngoài ra, đối với cá loại rác thải như giấy tiền, vàng mã và chân nhang sau khi thu gom sẽ được phân loại riêng và xử lý bằng cách nghiền nhỏ để tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Phương pháp này được tổ chức thực hiện với mong muốn giảm lượng rác thải ra môi trường nước, vừa góp phần thúc đẩy việc tái chế, sử dụng hợp lý các vật liệu trong đời sống.
Là một bạn trẻ đã có nhiều năm gắn bó với chiến dịch "Cứu dòng nước, rước ông Táo", bạn Nguyễn Thanh Ngân (19 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Qua các năm tham gia chiến dịch, điều khiến mình trăn trở nhất là những chú cá được thả xuống sông nhưng không thể bơi đi mà chỉ quanh quẩn tại chỗ. Một phần do chưa kịp thích nghi với môi trường mới, phần khác là do nguồn nước bị ô nhiễm bởi tro và rác thải. Điều này khiến mình cảm thấy phải hành động. Mình hy vọng sự kiện sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, giúp nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, để văn hóa truyền thống của người Việt mãi đẹp theo thời gian".
Sự kiện diễn ra trong hai ngày 21 và 22/01 (tức ngày 22 và 23 tháng Chạp Âm lịch) tại hai địa điểm chính: Đình Chèm (301 đường Thụy Phương, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm) và khu vực thả cá dưới chân cầu Chương Dương (Ngõ 2, Phú Viên, phường Bồ Đề).
Tại các điểm thả cá, hơn 10 nhân sự được huy động để túc trực, hướng dẫn người dân thực hiện nghi lễ một cách văn minh, đúng với tinh thần “Thả cá, đừng thả túi nilon”. Những nỗ lực này nhằm mục tiêu nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời giữ gìn trọn vẹn nét đẹp văn hóa truyền thống.