Vũ Viết Hảo: Chàng trai 8x “cõng con chữ” về quê nghèo cho trẻ em

(Sóng trẻ) - Từ bỏ công việc với mức lương khoảng 30 triệu đồng/ tháng trên thành phố, anh Vũ Viết Hảo quyết định về quê lập thư viện sách miễn phí. Anh mong muốn có thể giúp trẻ em hạn chế được việc tiếp xúc với các thiết bị điện tử và lan tỏa văn hóa đọc đến với mọi người.

Anh Vũ Viết Hảo (38 tuổi) là người thành lập thư viện sách Vũ quán ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Đã 2 năm kể từ ngày anh thành lập, Vũ quán là một không gian đọc sách và học tập quen thuộc của các bạn nhỏ trong vùng với gần 4000 đầu sách trên tất cả các lĩnh vực. Điều đặc biệt là tất cả sách đều do chính tay anh lựa chọn kỹ càng để đảm bảo chất lượng nội dung cũng như hình thức của từng cuốn sách.

alndgf.jpg
Anh Vũ Viết Hảo - Người sáng lập Thư viện sách miễn phí Vũ quán. Ảnh: Nguyễn Thực.

 

Được biết, trước đây, anh từng là kỹ thuật viên quay - dựng cho một công ty truyền thông ở Hà Nội với mức lương đáng mơ ước, điều gì đã khiến anh quyết định rời bỏ công việc ở Thủ đô về vùng quê nghèo mở thư viện sách miễn phí?

Đầu tiên, mình làm điều này cho các con. Con của mình đang vào độ tuổi có thể ảnh hưởng rất nhiều từ thói quen bố mẹ. Mỗi buổi tối về, mình thấy các con đang chăm chú xem điện thoại, khi mình bảo các con học đi chúng có thể ngồi ở trước bàn học, nhưng tâm trí lại đang để ở chỗ điện thoại bố mẹ đang ngồi bên cạnh.

Thứ hai là quê hương đang thiếu không gian văn hóa, một nơi mà có thể phát huy phong trào đọc sách. Trong bối cảnh công nghệ thông tin, các thiết bị điện tử như smartphone, laptop phát triển rất mạnh như hiện nay, mình nghĩ mở một thư viện có thể giúp các con và rất nhiều bạn ở quê có một không gian để học và đọc sách, hạn chế được việc đi chơi điện tử, game online.

Trở về vùng quê – nơi kinh tế chưa thực sự phát triển, anh đã cân bằng giữa sự nghiệp cá nhân và niềm đam mê mở thư viện cộng đồng như thế nào?

Với những kinh nghiệm về kỹ thuật quay dựng truyền thông có được khi còn làm ở thành phố, hiện mình tìm kiếm những dự án trên mạng và hoàn toàn làm việc trực tuyến. Mức thu nhập có thể không còn nhiều như trước nhưng mình có nhiều thời gian chăm sóc vợ con hơn và trông nom, phát triển Vũ quán.

Tại sao anh đặt tên thư viện là Vũ quán?

Đầu tiên, mình chỉ đặt tên theo họ “Vũ” của mình. Tuy nhiên, có một câu chuyện rất thú vị sau khi mở được hai năm, rất nhiều vị khách tìm đến, đều là vào những ngày mưa, họ thấy rằng “Vũ” là mưa cũng rất thích thú với sự trùng hợp này. Từ đó tên "Vũ quán" còn có một ý nghĩa khác rằng nơi đây sẽ là nơi nương náu của những vị khách phương xa trong lúc mưa gió.

Việc đọc sách đã mang đến cho anh điều gì?

Trong quá trình đọc sách mình mới nhận ra một điều là mình bị thiếu hụt rất nhiều thông tin, kiến thức. Có một câu châm ngôn là: “Học, học nữa, học mãi”, bởi vì dù ở độ tuổi nào thì các bạn vẫn luôn có những cái mới để học. Và càng học được nhiều, mình lại càng say mê đọc sách hơn. Cũng nhờ việc đọc sách, mình thấy rằng cuộc sống con người rất ngắn, nếu như mình bị kéo theo những tiêu chuẩn của xã hội về thành công như nhà lầu, xe hơi thì sau cùng cũng không giải quyết được vấn đề gì. Mình phải làm cái gì đó mang nhiều ý nghĩa hơn. Đó cũng là một trong những động lực khiến mình muốn mở thư viện.

Anh đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa, trong đó có văn hóa đọc?

Ở nơi mình sinh ra, vào thời điểm cuối những năm 2018, 2019 tuy kinh tế đã có sự ổn định nhưng sự phát triển về văn hóa, đặc biệt là văn hóa đọc chưa được phổ biến. Tỷ lệ những người học đại học, hay có hoài bão lớn không có nhiều, thay vào đó mọi người chỉ tập trung phát triển kinh tế. Mình thấy rằng nếu chỉ phát triển kinh tế thì sẽ không thể giữ cho chất lượng cuộc sống bền vững được. Bởi công nghiệp hóa hiện đại hóa khiến cho các bệnh liên quan đến tâm lý ngày càng nhiều. Rất nhiều người có điều kiện sống cao, thế nhưng họ vẫn gặp phải những vấn đề về sức khỏe tâm lý, tinh thần. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa sẽ là một sự phát triển bền vững và tốt hơn rất nhiều.

Trên thực tế, mở một thư viện cộng đồng sẽ gặp phải vô vàn gian nan. Trong hành trình “cõng con chữ” về vùng quê nghèo, anh đã và đang phải đối diện với những khó khăn nào?

Khi bắt đầu có ý tưởng mở thư viện thì hầu như mọi người nghĩ mình có vấn đề, bởi vì công việc của mình ngày đó là một công việc rất vất vả mới có thể có được. Khó khăn lớn nhất chính là sự phản đối từ gia đình. Cả vợ, bố mẹ đều nói mình suy nghĩ không chu đáo. Bởi bản thân mình đang là thu nhập chính trong gia đình với mức lương vào khoảng hơn 30 triệu đồng từ những năm 2020, 2021, một mức lương có thể nhiều người mơ ước vào thời điểm đó. Nhưng khi bạn làm gì đó một thời gian quá lâu, thì sẽ thấy nhàm, và mình muốn thử thách một cái gì đó mới cho bản thân. Vừa quản lý thư viện, vừa làm việc tại nhà, có thể thu nhập ít hơn, nhưng đổi lại mình đã khám phá ra rất nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống.

Thư viện sách đã góp phần phát triển văn hóa đọc cho trẻ em địa phương thế nào?

Với gần 4000 đầu sách, do chính tay mình lựa chọn nhằm đảm bảo chất lượng từng cuốn sách, các bạn nhỏ ở xã thường xuyên đến đây đọc sách, thậm chí là có cả những người ở xa đưa con em mình qua đây tìm đọc bởi có những đầu sách chỉ thư viện mình có. Đặc biệt vào những lúc ôn thi, các bạn nhỏ đến đây rất nhiều, có thể là tìm tài liệu, làm bài thuyết trình về sách,…

Những đứa trẻ đam mê đọc sách và học bài tới đây đều được anh Hảo tạo mọi điều kiện thuận lợi. Ảnh: Huyền Lân.
Những đứa trẻ đam mê đọc sách và học bài tới đây đều được anh Hảo tạo mọi điều kiện thuận lợi. Ảnh: Huyền Lân.

Vào mỗi dịp Tết, thư viện có tổ chức một sự kiện có tên là “Phong vị sách xuân”, sẽ lì xì cho các bạn nhỏ đến thư viện bằng một cuốn sách, mình nghĩ đây sẽ là cách rất hiệu quả để góp phần phát triển văn hóa đọc cho trẻ em.

Trải qua 2 năm thành lập, điều gì khiến anh trân quý nhất ở hiện tại?

Trải qua 2 năm điều khiến mình cảm thấy trân quý và tự hào nhất đó chính là mình đã duy trì được thư viện đến tận bây giờ, vẫn có rất nhiều người từ các độ tuổi khác nhau đến thư viện tìm đọc và quan trọng nhất là giúp cho các bạn nhỏ ở quê không còn “nghiện” các thiết bị điện tử nữa.

Mình có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với nhiều người có điều kiện kinh tế rất lớn, họ cũng muốn làm điều gì đó có ích cho cộng đồng như mình nhưng chưa thể làm được. Hay thậm chí là Đoàn thanh niên ở xã bên cũng mở thư viện miễn phí, nhưng chỉ duy trì được vài tháng. Mở thư viện không khó, nhưng để duy trì được nó mới là thử thách thật sự, và mình cảm thấy tự hào, trân quý khi làm được điều đó.

Tấm bằng khen người tốt việc tốt anh Hảo được tặng. Huyền Lân.
Tấm bằng khen người tốt việc tốt anh Hảo được tặng. Huyền Lân.

Câu chuyện nào khiến anh cảm thấy ấn tượng nhất trong thời gian làm việc tại thư viện?

Một câu chuyện mình thấy ấn tượng nhất đó là có một bạn rất hay vẽ tranh tặng thư viện, bạn ấy là một người khuyết tật, bị một căn bệnh về hoại tử da, tên là Thọ. Những người khuyết tật thường có sự mặc cảm, lần đầu tới thư viện, Thọ tâm sự không dám đến bởi vẻ ngoài dị thường, khiến các bạn sợ sẽ không vào thư viện nữa. Lúc đó mình nói với Thọ: “Chúng ta đến thư viện vì sách, vì nguồn tri thức. Nếu như ai đó nhìn thấy em có vẻ bề ngoài mà không dám đến thì người đó không cần thiết phải đến thư viện nữa, nên là em cứ thoải mái đến đây”.

Thư viện là một không gian không có giới hạn về màu da hay giới tính, đó là một cái nơi để chúng ta học cái mới. Mình cảm thấy rất là vui vì không những giúp được Thọ, mà đây cũng là một câu chuyện có thể truyền cảm hứng cho cả những người khuyết tật ham học hỏi, bỏ qua những mặc cảm và thoải mái tiếp cận nguồn tri thức phong phú đến từ sách.

Theo anh, làm thế nào để khuyến khích trẻ em trong việc đọc sách?

Đầu tiên và quan trọng nhất chính là từ trong gia đình, mỗi bố mẹ hãy là một tấm gương sáng để các con noi theo, muốn con đọc thì bố mẹ phải đọc trước, rộng ra là đến nhà trường và cả xã hội. Tiếp đó, mỗi địa phương nên có một thư viện, để làm được điều đó cần có sự nhiệt huyết của những người như mình là không đủ, vẫn cần sự chung tay của hệ thống giáo dục, sự hỗ trợ từ chính quyền... mới có thể thúc đẩy được văn hóa đọc ở trẻ em.

Anh Hảo trồ chuyện rất gần gũi với các bạn đến thư viện. Ảnh: Nguyễn Thực.
Anh Hảo trò chuyện rất gần gũi với các bạn đến thư viện. Ảnh: Nguyễn Thực.

 

Anh có mong ước gì đối với sự phát triển của văn hóa đọc ở trẻ em?

Mình mong muốn rằng sẽ ngày càng có nhiều hơn nữa nhưng thư viện miễn phí giống như Vũ quán để có thể giúp trẻ em giảm bớt tiếp xúc với các thiết bị thông minh, tạo được cộng đồng những người yêu sách, lan tỏa văn hóa đọc đến tất cả mọi người.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hoàn thành toàn bộ nội dung đã đề ra

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hoàn thành toàn bộ nội dung đã đề ra

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sau ba ngày (16-18/5) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bế mạc ngày 18/5, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN