Những con đường ‘đau khổ’ ngập ngụa rác thải ở Hà Nội
(Sóng trẻ) - Rác ngổn ngang trên vỉa hè, rác vương vãi xuống lòng đường, rác nổi lềnh bềnh dưới dòng nước... Những bãi rác tự phát thế này là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị tại Hà Nội.
Rác “nuốt” đường đi
Trên địa bàn thành phố Hà Nội, tình trạng đổ rác thải ra môi trường làm ảnh hưởng xấu tới mỹ quan đô thị và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân tái diễn hàng ngày. Theo ghi nhận, tại một số tuyến đường thuộc quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ,... ngập trong rác những ngày gần đây. Tại đây, rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng nằm ngổn ngang, chất thành đống trên đường bốc mùi hôi thối do nhiều ngày không có người thu gom, vận chuyển.
Đi thẳng vào con ngõ 76 phố Duy Tân, dọc mương Đồng Bông, hai bên đường ngập ngụa rác. Rác thải đủ chủng loại đổ chỏng chơ, vương vãi ra đường sá. Từ chai lọ, thực phẩm hư thối cho đến vật liệu xây dựng, bàn ghế gãy nằm la liệt dọc mương. Nhiều người đi ngang qua khu vực này thấy vậy cũng tiện tay vứt rác xuống, hình thành nên bãi rác to ngay trên đường.
“Chúng tôi có treo biển “cấm đổ rác” nhưng chẳng có tác dụng. Họ cứ ngang nhiên đổ rác thôi. Đâu chỉ có rác sinh hoạt, còn có cả xác mèo, chó, gia cầm chết cũng vứt vào khiến bãi rác càng phình to và lan rộng. Những hộ dân sống quanh mương đều bị ảnh hưởng trầm trọng bởi rác thải tràn lan trên đường”, chị Nguyễn Thị Thu Thuỷ (52 tuổi, cư dân sống gần mương Đồng Bông) bức xúc lên tiếng.
Không chỉ dọc mương Đồng Bông, đường An Dương Vương (quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng hình thành khu tập kết rác “bất đắc dĩ”. Khu vực này không có nhà dân, cây cối rậm rạp nên nhiều người đi ngang qua thản nhiên vứt và đốt rác. Thêm vào đó, không ai trả tiền thu gom rác, công nhân vệ sinh cũng không đến quét dọn rác nên những đống rác dơ bẩn nơi đây tạo nên cảnh tượng vô cùng nhếch nhác, xấu xí.
Anh Trần Quốc Anh (36 tuổi), một trong những người tham gia giao thông trên đường An Dương Vương cho biết: “Để đến được nơi làm việc, hàng ngày tôi đều phải đi qua con đường An Dương Vương này. Dù đã bịt khẩu trang nhưng cứ mỗi lần qua đây tôi lại cảm thấy “choáng váng” vì mùi hôi, mùi tanh bốc ra từ bãi rác. Có lúc tình trạng mùi hôi thối rất nghiêm trọng. Ai đi qua con đường này như tôi đều phải nín thở rồi phóng xe thật nhanh để cố “thoát” ra khỏi khu vực bị ô nhiễm này”.
Theo như tìm hiểu, những bãi rác tự phát thường xuyên xuất hiện khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề nhưng câu chuyện vẫn chỉ là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Mặc dù theo Nghị định của Chính phủ, mức phạt cho hành vi vứt rác bừa bãi nơi công cộng có thể bị phạt tới tiền triệu, thế nhưng những bãi rác tự phát vẫn cứ “hồn nhiên” xuất hiện.
Người dân đang tự hại chính mình
Nhiều người cho rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Một số người lại nghĩ rằng việc dọn rác là trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhà nước...trong khi số khác lại nghĩ rằng việc môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì cũng "chẳng ăn thua", và cứ thế môi trường ngày càng ô nhiễm nặng nề và người chịu hậu quả không ai khác là chính họ.
Thường hay chứng kiến cảnh mọi người ngang nhiên xả rác, chị Nguyễn Thị Thu Thuỷ (52 tuổi, cư dân sống gần mương Đồng Bông) tỏ ra bất lực: “Trước đây, vì quá hôi thối, người dân đã vận động nhau giữ gìn vệ sinh, không đổ rác bừa bãi tại nơi công cộng. Thậm chí, chúng tôi còn trang bị các biển cấm vứt, đổ rác tuy nhiên chỉ được một thời gian là lại đâu vào đấy. Đáng buồn hơn là giờ chính những người dân đã từng kêu than vì ô nhiễm lại thẳng tay vứt rác vào những chỗ cấm”.
Tại điểm tập kết rác cách mương Đồng Bông 50m, anh Nguyễn Quốc Huy (43 tuổi, công nhân vệ sinh môi trường) chia sẻ: “Làm việc ở đây cứ vài phút là tôi lại nhìn thấy có một túi rác được ném xuống. Kêu ca là vậy nhưng rất nhiều người vẫn vô tư vứt rác dọc mương mà không biết chính họ chứ không phải ai khác đang làm khổ bản thân, gia đình và cộng đồng”.
Nói về những hệ quả phải gánh chịu, chị Thuỷ cho biết: “Những hôm có gió, mùi hôi thối bay theo chiều gió hay những hôm trời mưa ngập nước, rác thải cùng nước mưa tràn vào nhà dân. Không chỉ có vậy, con đường này vốn chật hẹp, rác lấn cả ra lòng đường làm phương tiện đi lại hết sức khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông”.
Bãi rác tự phát trên đường An Dương Vương cũng khiến người dân lao đao. Chị Trần Thanh Tâm (sống bên đường An Dương Vương, quận Tây Hồ, Hà Nội) phản ánh: “Tôi sống ở đây lâu rồi, tình trạng rác ngập đường thế này đã tồn tại được một thời gian dài. Kinh khủng lắm, trời nắng mùi hôi bốc lên từ bãi rác rất khó chịu và mỗi lần ăn cơm đều phải đóng cửa. Trời mưa thì đỡ mùi hơn một chút nhưng muỗi thì bay cả đàn, ngày đêm gì cũng bị muỗi đốt”.
Thực tế, rác thải tồn tại và chiếm cứ nhiều khu vực, trong đó phần lớn là rác hữu cơ ứ đọng, chất thành đống không chỉ gây mùi khó chịu ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng dân cư mà còn là môi trường thuận tiện cho các bệnh truyền nhiễm phát triển. Điều này có nghĩa là người dân sống tại các khu vực lân cận sẽ luôn bị đe dọa bởi các căn bệnh về đường hô hấp, nhiễm trùng, bệnh đường ruột và nguy cơ ngộ độc thực phẩm... với tỷ lệ cao hơn nhiều so với những khu vực khác.
Để tình trạng rác thải không còn tồn tại tràn lan trên các con đường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và mỹ quan đô thị, cần sự chung sức, đồng lòng tham gia của toàn xã hội.