Nỗi lo… Grab “giả”
(Sóng trẻ) - Grab là một hãng xe ôm mới phát triển vài năm trở lại đây. Với hình thức tìm xe nhanh chóng, tiện lợi, giá thành lại rẻ, Grab bước đầu được rất nhiều người yêu thích lựa chọn. Tuy nhiên gần đây, việc bắt nhầm xe Grab giả lại là sự lo lắng khi sử dụng dịch vụ này đối với nhiều người.
Những ngày đầu khi mới xuất hiện, Grab không “nhan nhản” trên đường phố như ở thời điểm hiện tại mà chỉ có một vài xe bên cạnh xe ôm thân thiện và xe ôm truyền thông. Đặc điểm để phân biết hãng xe ôm này với những hãng khác đó là đồng phục mũ và áo xanh lá cây có in chữ “Grab” phía trên.
Màu xanh lá cây đặc trưng của đồng phục hãng xe ôm công nghệ Grab.
Chị Hoa - sinh viên năm cuối trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch chia sẻ: “Trước kia khi mới biết đến xe ôm Grab, chỉ cần tải ứng dụng GrabBike về đặt xe thì chưa đầy 5 phút sau đã có người đến đón tận nơi. Hơn nữa mình cũng có thể biết giá tiền là bao nhiêu để chuẩn bị trước, rất là tiện lợi”.
Chỉ cần có xe máy và một chiếc điện thoại thông minh trong tay, tìm việc làm thêm đối với những bạn nam sinh viên giờ đây trở nên dễ dàng. Nhiều nhân viên văn phòng thậm chí sau khi tan làm cũng bật ứng dụng Grab để chạy xe kiếm thêm thu nhập. Những tài xế có thể thỏa thuận hợp đồng với công ty Grab để nhận áo và mũ đồng phục giúp khách hàng có thể dễ dàng nhận biết.
Tuy nhiên, giờ đây đồng phục của Grab không còn là yếu tố đặc trưng nữa. Thay vào đó, chúng ta có thể bắt gặp những tài xế “mang danh” là Grab hoạt động công khai. Họ là những tài xế chỉ đội mỗi mũ Grab mà không mặc áo, thậm chí nhiều người còn ngang nhiên để lộ thân phận của mình là “Grab giả”.
Anh Nam - cảnh sát trật tự khu vực bến xe Mỹ Đình cho biết: “Một ngày tôi trực ở đây gặp và tiếp xúc với khá nhiều tài xế Grab. Do hiện nay nhiều xe ôm tự do bị cạnh tranh số lượng khách rất nhiều nên họ phải giả làm xe ôm Grab để mời khách đi xe với giá rẻ. Thực ra đó cũng chỉ là số tiền phải trả khi đi xe ôm tự do mà thôi”.
Ở trên xe ghi là xe ôm Mỹ Đình nhưng lại có mũ bảo hiểm Grab.
Rất nhiều trường hợp tự xưng là GrabBike nhưng chỉ có mỗi chiếc mũ đồng phục mà không có áo. Hay những tài xế đó chỉ đội mũ và mặc thường phục, đến khi có khách thì mới đưa cho họ chiếc mũ bảo hiểm Grab. Grab giả và thật không có những đặc trưng biểu hiện rõ ràng, khiến cho khách hàng ngày càng bất an.
Người lái xe chỉ có một chiếc mũ Grab nhường cho khách.
Câu hỏi được đặt ra cho những người muốn sử dụng hãng xe ôm “công nghệ” này đó là làm thế nào để chọn đúng xe trong khi ngày càng nhiều xe ôm Grab “trá hình”? Nhiều lúc vội vàng, lại không có kết nối internet, nhiều người chọn phương án đặt xe trực tiếp qua lời mời của các tài xế cho nhanh, khiến cho những tình huống bị lừa dễ dàng xảy ra.
Xe ôm Grab tập trung đông khu vực bến xe Mỹ Đình để mời khách.
Xuất phát là hãng xe ôm công nghệ, đặt xe và đón khách nhờ ứng dụng trên điện thoại thông minh. Chỉ cần cài ứng dụng Grab, khách hàng có thể biết trước được giá cả đi lại, vị trí và đặc điểm nhận dạng của xe ôm. Thế nhưng hiện nay thậm chí không cần đặt xe qua điện thoại thì cũng đã có nhiều tài xê Grab chạy đến gọi mời như là xe ôm truyền thống rồi. Những hành vi này ngày càng khiến cho nhiều người mất niềm tin vào việc sử dụng Grab.
Chị Linh - sinh viên năm 3 trường Đại học Thương mại chia sẻ: “Có một lần gần đây do xe khách hỏng nên mình xuống Hà Nội muộn, đang vội thì gặp một anh đội mũ Grab đến mời đi xe. Từ bến xe Gia Lâm về bến xe Mỹ Đình mỗi lần mình đi xe ôm thường chỉ mất 80.000 đồng. Lần này do chủ quan không sử dụng ứng dụng mà có người đến mời trực tiếp nên khi tới nơi tài xế đòi giá 150.000 đồng. Mình tra lại trên điện thoại thì chỉ có 67.000 đồng trong khi trên máy anh ấy thì đúng là 150.000. Vậy nên mình đành ngậm ngùi trả tiền mà không biết nói gì”.
“Grab giả” - Khó một ai có thể nghĩ đến một ngày chính bản thân mình lại là người bị lừa. Nếu chủ quan, không tỉnh táo thì hãng xe ôm giá rẻ này sẽ trở nên “cắt cổ” với những chiêu trò mời khách đi xe của các tài xế trá hình. Vốn được cho là hình thức tiện lợi giúp tài xế và khách hàng có thể dễ dàng kết nối với nhau. Thế nhưng giờ đây, trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều người sẵn sàng đặt lợi ích của mình lên trên và trở thành những tài xế Grab giả với những chiêu trò “giá ảo” khiến hàng khách ngày càng lo lắng khi sử dụng dịch vụ này
Nguyễn Liên
Cùng chuyên mục
Bình luận