NSND Thu Hiền - “món quà” cho “Tình đất đỏ miền Đông”
(Sóng trẻ) - “NSND Thu Hiền là một quà tặng cho chúng ta”, đó là nhận xét của một thành viên hội đồng bình luận trẻ tuổi nhưng cũng là tình cảm mà khán giả xem truyền hình dành tặng cho Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền khi bà trình bày ca khúc “Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long” của nhạc sĩ Huỳnh Thơ trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 11 phát sóng tối 28/11 trên kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam.
Giai điệu tự hào tháng 11 với chủ đề “Tình đất đỏ miền Đông” đã mang đến cho khán giả truyền hình nhiều giây phút xúc động. Hàng loạt các ca khúc nổi tiếng về Nam Bộ như Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Vòm cỏ đông, Tình đất đỏ miền Đông, Dáng đứng Bến Tre, Nhạc rừng, Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long đã được phối mới qua phần trình diễn của các nghệ sĩ như NSND Thu Hiền, NSƯT Thanh Thúy, Đan Trường, Quốc Thiên, Lê Cát Trọng Lý, Hiền Thục và nhóm Mắt Ngọc.
Nam Bộ - thành đồng Tổ quốc, nơi đi trước về sau luôn là cảm hứng sáng tác cho các thế hệ nghệ sĩ Việt Nam. Nam Bộ với con sông Vàm Cỏ, với đất đỏ bazan, với những âm tiết, ngữ điệu rất đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có được luôn gợi đến trong lòng mỗi người Việt chúng ta một cảm xúc khó tả. Vùng đất đó cũng là nơi chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ và âm nhạc. Bức tranh “âm nhạc” về Nam Bộ vẫn được xem là viên ngọc quý trong kho tàng âm nhạc Việt Nam.
Đất và người phương Nam với “chiếc áo bà ba”, “chiếc khăn rằn” đã hiện lên một cách chân phương nhất qua lời ca, điệu múa của các nghệ sĩ. Có chút điệu đà của các cô gái miền Đông và cũng có cả chút phóng khoáng của những chàng trai đất rừng phương Nam. Hình ảnh Những cô gái Sài Gòn đi tải đạn đã chạm vào ký ức của không ít các thành viên Hội đồng bình luận lớn tuổi. Còn với những người trẻ họ lại thấy hình ảnh gần gũi thân thương như của mẹ, của nội, của nại. Dù người Nam hay Bắc đều có thể tìm thấy ký ức và cảm xúc của mình qua các bài hát đã đi cùng năm tháng.
Ca sĩ Quốc Thiên - quán quân VietNam idol năm 2008 với "Vàm Cỏ Đông" (Nguồn Youtube/ Giai điệu tự hào)
Nam Bộ với sông ngòi, kênh rạch chằng chịt cũng hiện lên trong ca khúc Vàm Cỏ Đông qua phần biểu diễn của nam ca sĩ Quốc Thiên. Đúng như lời nhận xét của Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương, “đất nước chúng ta là đất nước của những dòng sông”. Những dòng sông từ Bắc vào Nam đã làm nên lịch sử và ghi tạc cả dấu ấn của con người. Ở những dòng sông đó có cả tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước và tinh thần không có gì quý hơn độc lập tự do. Những dòng sông đó cũng là cảm hứng sáng tác cho biết bao văn nhân, nghệ sĩ.
NSND Thu Hiền, một trong những giọng hát “gạo cội” của nền âm nhạc Việt Nam, lần đầu xuất hiện ở chương trình nhưng vẫn chứng tỏ được một giọng hát không tuổi. Nhà báo Ngô Kinh Luân không ngại ngần chia sẻ nếu anh là nhạc sĩ thì hạnh phúc lớn nhất của anh là có được một ca khúc do NSND Thu Hiền trình bày. Bà như một món quà mà Giai điệu tự hào mang đến cho khán giả truyền hình.
NSND Thu Hiền gây ấn tượng với "Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long" (Nguồn: Youtube/Giai điệu tự hào)
Không còn không khí tranh luận “nảy lửa” giống như cãi nhau ở một vài số trước, các thành viên của hai hội đồng bình luận trong số này đã tiết chế và tôn trọng ý kiến của nhau hơn. Tuy có những quan điểm khác nhau nhưng khi diễn giải lại hóa ra cùng tâm trạng. Các thành viên hai hội đồng đã dành nhiều thời gian hơn để chia sẻ về những ký ức, kỷ niệm. Người lớn tuổi thì chia sẻ về những câu chuyện quá khứ trong khi người trẻ nêu suy nghĩ của mình dưới góc nhìn thời đại.
Giai điệu tự hào tháng 11 đã mang đến một không gian tranh luận cởi mở nhưng đầy tính học hỏi. Phần trình diễn của các nghệ sĩ cũng được động viên nhiều hơn thay vì bị chê bai, so sánh như những số vừa qua. Điều này khiến cho Giai điệu tự hào tháng 11 trở thành một trong những số thành công nhất kể từ khi chương trình lên sóng.
Lê Quang Đức
Cùng chuyên mục
Bình luận