Phúc Tân: Từ bãi rác thành bức tường nghệ thuật
(Sóng trẻ) – Đoạn đường ven sông Hồng tại phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vốn là nơi tập kết nhiều rác thải, nay bỗng chốc trở nên sạch sẽ, khang trang nhờ nhiều công trình nghệ thuật được sáng tạo và hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến mới lý tưởng cho giới trẻ Hà Thành.
Kế thừa từ sự thành công của dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), dự án cải tạo bãi rác Phúc Tân được triển khai với những nỗ lực rất lớn của chính quyền và nhóm nghệ sỹ. Từ đề tài của UBND quận Hoàn Kiếm “biến khu bãi rác thành điểm đến nghệ thuật”, dự án đã thu hút 14 nghệ sỹ Việt Nam và 2 nghệ sỹ nước nài tham gia.
Khu bãi rác trở thành điểm đến nghệ thuật độc đáo nhờ vào sự nỗ lực của chính quyền địa bàn và nhóm nghệ sỹ
Từ một bãi rác tự phát nằm ngay trung tâm thành phố, với 16 tác phẩm sắp đặt từ nguyên vật liệu tái chế đã biến khu vực này trở thành không gian nghệ thuật công cộng đương đại độc đáo và hứa hẹn sẽ thu hút nhiều bạn trẻ và du khách đến tham quan.
“Cả chính quyền và nghệ sỹ phải dũng cảm thì mới làm được nghệ thuật công cộng”, nghệ sỹ kiêm giám tuyển dự án Nguyễn Thế Sơn bày tỏ. Lúc mới nhận việc, đến khảo sát khu dân cư, Thế Sơn cũng cảm thấy hơi ngại và sợ vì nghe nói dân bãi ngang ngược lắm. Nhiều người quen cũng cố gắng ngăn cản vì nghĩ anh và mọi người sẽ “cống hiến vô ích, như Don Quixote đánh nhau với cối xay gió”.
“Tuy nhiên, khi sống và làm việc trên đất bãi, tôi cảm thấy đây là một cộng đồng bị thiệt thòi. Còn cư dân sau khi quan sát nghệ sĩ sáng tạo, họ dần hiểu việc. Hội phụ nữ tích cực dọn rác, học sinh thì thu m chai nhựa. Tất cả đều hỗ trợ hết mình giúp nghệ sỹ chúng tôi yên tâm sáng tạo”, anh nói thêm.
Dân cư khu bãi rác Phúc Tân thích thú khi xem những tác phẩm nghệ thuật đang dần được hoàn thiện
Khu vực ven sông này vốn bị coi như “mặt sau” của thành phố, nơi người ta thoải mái xả rác hoặc những thứ phế thải ra đó. Chính vì vậy, để thực hiện dự án nghệ thuật công cộng này, nhóm nghệ sỹ đã nêu cao tinh thần biến những thứ bỏ đi thành nghệ thuật. Đồng thời, hỗ trợ người dân khu vực trở thành chủ thể để giữ gìn và bảo quản chúng.
Dự án đã tận dụng những đồ tái chế từ vỏ chai nhựa, thùng phuy, vành lốp xe máy, xe ô tô,… và biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật, sắp xếp theo những chủ đề lịch sử, văn hóa khác nhau để làm sống lại một khu vực vốn khá sầm uất của đất Thăng Long Kẻ Chợ.
Tác phẩm “Gánh hàng rong” của nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn
Bức tường trống đã trở thành một bức tranh nghệ thuật từ những mảnh gốm vỡ
Nghệ sỹ Lê Đăng Ninh sử dụng 20 chiếc thùng phuy – vật dụng đặc trưng chứa nước của những ngôi nhà nổi ở bãi giữa sông Hồng để “khái quát” về cuộc sống của cư dân nơi đây
Tác phẩm sắp đặt của nhà thiết kế Tây Ban Nha Die Cortiza kết hợp từ chính chiếc bu gà ở chợ Long Biên với những mảnh gương vỡ
Và còn rất nhiều những tác phẩm nghệ thuật công cộng khác đang được hoàn thiện. Hy vọng không gian mở và nghệ thuật đương đại sẽ biến Phúc Tân thành một điểm đến đáng nhớ cho du khách.
Phương Thảo
Cùng chuyên mục
Bình luận