Quá trình quốc hội kiện toàn các chức danh lãnh đạo nhà nước
(Sóng trẻ) - Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội dành 7 ngày để kiện toàn 25 chức danh lãnh đạo Nhà nước, bao gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và một số chức danh khác.
Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 24/3/2021 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội và dự kiến họp tập trung trong thời gian 12 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 8/4/2021).
Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nên bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành 7 ngày để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có tổng cộng 25 vị trí được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, kiện toàn sớm các chức danh lãnh đạo là việc tốt để sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống.
Với việc dành 7 ngày làm công tác nhân sự, đây là quy trình theo quy định, không thể cắt bớt. Quy trình chặt chẽ, phải bầu theo tuần tự. Sau khi bầu các Phó Chủ tịch Quốc hội thì bầu Chủ tịch nước, rồi Chủ tịch nước mới giới thiệu nhân sự bầu Thủ tướng, không thể làm tắt.
Phó Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn chia sẻ thêm, thời gian qua, Bộ Chính trị đã tiến hành xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước ngay sau Đại hội Đảng, thống nhất cần sớm kiện toàn sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Bộ Chính trị cũng đề nghị Trung ương cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.