Siêu tàu mắc kẹt ở kênh đào Suez đã được giải cứu thành công
(Sóng trẻ) - Tối 29-3 (giờ Việt Nam), Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) cho biết, giao thông trên kênh đào này đã được nối lại sau khi tàu Ever Given được giải cứu thành công.
Trước đó, ngày 23.3, tàu container Ever Given cắm cờ Panama - một trong những tàu container lớn nhất thế giới - đột nhiên mắc cạn và quay ngang án ngữ ở kênh đào Suez của Ai Cập, làm tắc nghẽn tuyến đường thủy huyến huyết mạch kết nối giữa châu Âu và châu Á.
Theo số liệu của Cơ quan quản lý kênh đào Suez, kênh đào này chiếm khoảng 10% thương mại toàn cầu, tương đương 10 tỉ USD hàng hoá mỗi ngày.
Sau khi triển khai các hoạt động nạo vét cuối tuần vừa qua, lực lượng giải cứu của SCA và một nhóm của công ty Smit Salvage (Hà Lan) đã giúp tàu Ever Given nổi một phần vào sáng 29-3 nhờ sử dụng các tàu kéo. Các nỗ lực giải cứu toàn bộ con tàu tiếp tục diễn ra trong suốt ngày hôm nay.
Tận dụng đỉnh triều cường, một đội tàu kéo đã di chuyển phần mũi tàu ra khỏi bờ kênh đào Suez. Sau khi lai dắt tàu chở 220 nghìn tấn tách khỏi bờ kênh, đội giải cứu tiếp tục kéo tàu về phía hồ Great Bitter. Hồ nước mặn này nằm giữa khu vực phía bắc và nam kênh đào Suez, và là nơi các con tàu sẽ được kiểm tra kỹ thuật.
Dữ liệu vệ tinh của MarineTraffic.com xác nhận, tàu Ever Given đang rời khỏi bờ kênh đào Suez, hướng về phía trung tâm kênh đào.
Hiện chưa rõ khi nào giao thông trên kênh đào Suez sẽ trở lại bình thường. Trước tình hình hiện tại, một số tàu hàng buộc phải chọn cách đi vòng qua mũi phía nam của châu Phi, dài và tốn kém hơn đi vào kênh đào Suez.
Sự cố tắc nghẽn tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu, vốn vẫn đang vật lộn để quay trở lại mức trước đại dịch COVID-19. Giá dầu tăng do sự cố ở kênh đào Suez. Khoảng 1,74 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương 4,4% vận chuyển bằng đường biển vào năm 2020, đi qua kênh đào Suez, theo công ty theo dõi tàu chở dầu Kpler.
Nguồn: Tin tổng hợp