Sinh viên – “nạn nhân đáng thương” hay “kẻ tiếp tay” cho thực phẩm bẩn?
(Sóng trẻ) - Hơn 800.000 sinh viên tại Hà Nội vẫn ngày ngày đối mặt với thực phẩm bẩn, từ bữa ăn chính cho đến thứ quà vặt hàng ngày. Phải chăng sinh viên là nạn nhân đáng thương hay người tiếp tay cho thực phẩm bẩn?
Người tiếp tay vô tình
11 giờ 45 phút tại chợ Dịch Vọng (Xuân Thủy, Cầu Giấy) được coi như “giờ vàng” của sinh viên các trường lân cận bởi các mặt hàng thực phẩm trong chợ bắt đầu đại hạ giá. Từ rau củ đến thịt cá, hoa quả, bánh rán… đều được bán thanh lí với giá “bán như cho”. Trên nền đất đầy bụi cát, nước bẩn và rác rưởi là những vỏ bao xi măng cũ bày biện đủ các loại hoa quả cam, quýt, táo, ổi, xoài, nho, dưa hấu,… đủ các thể loại xanh, chín, dập, hỏng,... Xung quanh đó là sinh viên đang thi nhau nhặt.
Lan Anh (ĐH Thương mại) cho biết: “Mình thường canh khoảng từ 11h30 đến 12h để đi săn hàng hạ giá ở chợ, hàng rẻ nên tiết kiệm được bao một khoản kha khá, hoa quả hỏng một chút về cắt tí đầu là lại ăn nn ngay thôi.”
Trái cây được bày đổ đống la liệt
Không chỉ riêng Lan Anh mà rất nhiều sinh viên luôn luôn sẵn sàng chầu trực khá muộn để lấy nốt những thực phẩm cuối buổi. Tại các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, giá bán của thực phẩm thấp hơn từ 15 đến 20.000 đồng so với giá thị trường chung cho tất cả các loại hàng thực phẩm, rau củ, bánh kẹo…Tại thời điểm “sale” trong ngày, giá còn hạ đến mức khó tin.
Cô H bán hoa quả tại chợ cho hay: “Sinh viên đến đây tranh nhau mua, có hôm hết hàng mà vẫn có đứa hỏi còn quýt dập hay xoài héo không cháu lấy nốt. Khi được hỏi giá rẻ như vậy, hoa quả liệu có đảm bảo an toàn không, cô H điềm nhiên nói: “An toàn hay không, bẩn hay sạch bọn sinh viên nó mua tất”.
Và còn cả những thứ quà vặt khác
Những mặt hàng với giá trời cho vẫn được tiêu thụ rộng rãi trong tất cả các bữa cơm, các quán cơm sinh viên. Những quả su su giá 2.000 đồng một cân, bó rau muống vừa dài vừa non ăn được ba bữa chỉ với 4.000 đồng luôn là ưu tiên mua hàng đầu được lựa chọn. Sinh viên từ bao giờ đã trở thành người tiếp tay cho thực phẩm bẩn được lưu hành và bày bán tràn lan trên thị trường.
Hà Nội là nơi tập trung hơn 800.000 sinh viên sinh sống và học tập, như vậy mỗi ngày, một lượng thực phẩm kém an toàn được tiêu thụ trót lọt. Sinh viên vô tình trở thành những khách hàng quen, những người tiếp tay cho sự nguy hiểm trong miếng ăn của chính mình.
Hậu quả khiến sinh viên thành nạn nhân đáng thương
Thống kê của bộ Y tế (năm 2010) số ca nhập viện do ngộ độc thực phẩm tại Hà Nội đứng đầu cả nước, mà đến hơn 60% bệnh nhân là sinh viên tỉnh lẻ. Đây là thực trạng báo động về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với học sinh, sinh viên tại thủ đô. Khi mà những quán cơm sinh viên, những chợ cóc giá rẻ, những xe hàng ăn vặt vẫn còn được bày bán một cách hồn nhiên thực phẩm kém chất lượng.
Chất lượng chỉ cần nhìn cũng thấy "rùng mình"
Một suất cơm sinh viên có giá dao động từ 15 đến 20.000 đồng, nhưng thực phẩm liệu có tương xứng với số tiền đó? Liệu có an toàn và đảm bảo? Thế Duyệt (ĐH Giao thông vận tải) cho biết: “Mình là con trai nên ngại nấu nướng, thường ăn cơm “bụi”, nhiều hôm ăn rau còn lẫn cỏ rác và còn nguyên rễ, lạc còn nhiều hạt mốc thối, gạo vo chưa sạch ăn trong miệng còn lạo xạo”. Tình trạng nhiều quán cơm sinh viên bỏ qua khâu rửa thực phẩm để tiết kiệm nước hay sử dụng lại thực phẩm đã ôi thiu bằng những cách tẩm ướp chiên rán “vi diệu” không còn là chuyện gì xa lạ.
Hiền Lương - Báo chí K36.7
Cùng chuyên mục
Bình luận