Sinh viên Phát thanh không nghe đài!
(Sóng trẻ) - Trong giờ học môn chuyên ngành phát thanh, giảng viên mở một đoạn băng nhạc hiệu các chương trình trên Đài Tiếng nói Việt Nam và yêu cầu sinh viên cho biết tên chương trình. Kết quả, chỉ có 2 trong tổng số 23 sinh viên của lớp trả lời được, số còn lại là “không biết gì”. Thực tế đó nói lên một điều: sinh viên chuyên ngành phát thanh không nghe đài Điều này thật đáng báo động!
Trong giờ học môn chuyên ngành phát thanh, giảng viên mở một đoạn băng nhạc hiệu các chương trình trên Đài Tiếng nói Việt Nam và yêu cầu sinh viên cho biết tên chương trình. Kết quả, chỉ có 2 trong tổng số 23 sinh viên của lớp trả lời được, số còn lại là “không biết gì”. Thực tế đó nói lên một điều: sinh viên chuyên ngành phát thanh không nghe đài Điều này thật đáng báo động!
Có ngàn lẻ một lý do để sinh viên chuyên ngành phát thanh đưa ra nhằm biện hộ cho cái sự “không chịu nghe đài” của mình, như: phòng trọ không có đài, sinh viên không có thời gian. Thêm vào đó, hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đã cho ra đời hàng chục tờ báo mạng điện tử. Chính điều này đã cho phép sinh viên nói riêng và công chúng nói chung có thể tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và thuận lợi… Những lý do đó hoàn toàn là dễ hiểu và… chính đáng. Song, nói gì thì nói, sinh viên học chuyên ngành báo phát thanh mà không tự ý thức được tầm quan trọng của việc nghe đài thì thật đáng bàn. Đó là một sự thiệt thòi lớn!
Bởi lẽ, khi nghe đài, sinh viên báo phát thanh không chỉ có được những thông tin hữu ích trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, họ được học cách “làm nghề” của các nhà báo phát thanh chuyên nghiệp, từ khâu viết bài đến cách thức tổ chức chương trình, cách thể hiện tác phẩm. Đơn giản hơn là cách chọn nhạc trong chương trình sao cho phù hợp. Thậm chí họ có thể tự kiểm chứng, so sánh giữa lý thuyết được đào tạo trong nhà trường với thực tế, từ đó có thể vận dụng, sáng tạo trong quá trình học tập, tác nghiệp cũng như rút ra những kinh nghiệm cho bản thân. Nhưng dường như, sinh viên báo phát thanh chưa nhận ra được ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của việc này. Và chính việc không nghe đài (chưa nói đến có nghe thường xuyên) đã làm sinh viên phát thanh hoàn toàn thụ động trong nhiều trường hợp. Ví dụ ở trên cũng đã chứng tỏ phần nào.
Thực tế, chỉ khi nào giảng viên yêu cầu làm bài tập phục vụ cho môn học có liên quan, sinh viên mới nghe đài và cũng chỉ nghe một cách thụ động, chống đối. Khi đã trả bài tập rồi, khái niệm nghe đài với họ lại trở nên khá “lạ lẫm”.
Vẫn biết việc nghe đài không phải là phương thức duy nhất để trang bị cho sinh viên phát thanh những kỹ năng cần thiết. Và một tình huống là bài trắc nghiệm của giảng viên ở trên cũng chưa thể kết luận một điều gì. Song cứ nhìn vào thực tế đó, hẳn không ít người sẽ phải lắc đầu ái ngại.
“Từ lý thuyết đến thực tiễn vẫn còn một khoảng cách khá xa vời”. Câu nói này hẳn nhiều sinh viên báo chí nói chung, sinh viên chuyên ngành báo phát thanh nói riêng đã thuộc “nằm lòng”. Để có thể rút ngắn khoảng cách đó, bên cạnh việc đổi mới giáo trình giảng dạy trong nhà trường, cách thức truyền đạt của giảng viên, sự hợp tác của các cơ quan báo đài thì còn cần lắm yếu tố tự thân người học. Trong đó, sinh viên chuyên ngành phát thanh cần nghe đài, nghe nhiều hơn và thường xuyên hơn cũng góp phần làm cho khoảng cách ấy ngắn dần.
Không biết các sinh viên báo phát thanh có bao giờ nghĩ đến điều này?…
Vũ Thị Thanh Thủy
Lớp Phát thanh K.25
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Lớp Phát thanh K.25
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Cùng chuyên mục
Bình luận