Sinh viên thuê trọ “nơm nớp” với nạn trộm cắp
(Sóng trẻ)-Sinh viên sống tại những khu trọ bình dân hàng ngày luôn phải đau đầu với nạn trộm cắp như cơm bữa. Hơn hết thủ đoạn của bọn trộm ngày càng rất tinh vi và manh động.
Mất lúc nào không biết
Đoàn Trung Kiên (SV năm 3, HVBCTT) ngậm ngùi: “Trước khi đi mình khóa cửa phòng rất cẩn thận, không ngờ bọn trộm táo tợn phá cả khóa cửa lấy laptop, chủ nhà cũng chẳng biết gì cả”.
Bích Ngọc (SV năm 3, HVBCTT) sống tại ngõ 28 làng Cốm Vòng, Trần Thái Tông cũng tiếc nuối vì vừa mất chiếc laptop và di động. Ngọc cho biết mình chuyển đến khu vực này sống từ tháng 1/2016. Trước hôm bị mất trộm, xóm trọ xuất hiện 3 thanh niên chuyển đến thuê. Chúng hay đi lại dò la để ý đồ đạc của người khác. Mặc dù rất cẩn trọng nhưng đúng hôm ngủ trưa, Ngọc không đóng cửa sổ, chúng đã “câu” sạch đồ giá trị. Đáng nói là, lúc ngủ, Ngọc vẫn cầm trên tay, đến khi tỉnh dậy, mấy lúc nào không biết. Sau vụ trộm, ba thanh niên nói trên bất ngờ chuyển phòng. Hỏi ra mới biết, chúng đã từng gây ra một vụ trộm trước đó. Không ngờ thủ đoạn của chúng lại tinh vi như vậy.
Trong những xóm trọ sinh viên, an ninh lỏng lẻo, cổng không được đóng an toàn, lại thiếu những thiết bị quản lý như camera nên khó giám sát được những người lạ mặt ra vào. Một phần cũng bởi vì cho thuê trọ giá rẻ nên chủ nhà không chịu trách nhiệm trong những trường hợp mất cắp. Bọn trộm ra vào dễ dàng, thậm chí sẵn sàng phá khóa hay chống cự một cách quyết liều lĩnh, manh động khi bị phát hiện.
Những tên trộm lúc nào cũng rình rập ở mọi nơi
Nguyễn Thị Thiên Trang (ĐH Thương Mại HN) vẫn cảm thấy sợ khi nhắc lại sự việc mất cắp xảy ra một tháng trước. Khi Trang đang làm việc trên máy tính thì bị trộm vô tư vào phòng rút ổ cắm, giật máy tính chạy đi. Đến khi Trang hoàn hồn hét lên thì tên cướp đã chạy mất hút.
Chưa kể, thời gian gần đây có có hiện tượng trộm giả làm người hỏi thuê nhà, tiếp cận từng phòng xem han thông tin thuê. Chỉ rình chủ phòng không để ý là thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.
Đề cao ý thức cảnh giác
Quỳnh Chi mất xe hồi tháng 4/2015 bàng hoàng kể lại: “Sau khi dắt xe máy ra khỏi cổng và khóa cổ, mình quay lại phòng để lấy đồ để quên. Thời gian lấy chỉ chưa đầy 3 phút, đến khi xuống thì chiếc xe máy đã biến mất. Hỏi mọi người xung quanh cũng chẳng biết ai lấy”. Chi thuê trọ tại địa chỉ E6, khu tập thể Thành Công từ tháng 9/2014 đến tháng 5/2015, đây là khu vực mà các dãy tập thể thông với nhau vì thế trộm rất dễ dàng tẩu thoát. Cho dù Chi đã báo sự việc lên công an phường nhưng đến giờ là 13 tháng kể từ ngày mất xe, vẫn chưa có tin tức gì, xác định là mất luôn.
Hầu hết những sinh viên bị trộm chỉ biết than trời vì không thể làm gì được, báo công an thì chẳng biết bao giờ mới giải quyết được, nói với chủ trọ thì càng chẳng làm được gì cả. Sinh viên chỉ biết tự trách bản thân không cẩn thận, phải rút kinh nghiệm lần sau mà thôi.
Do tâm lý chủ quan của sinh viên, cộng với tình hình an ninh khu trọ không tốt trong khi hành vi trộm cắp ngày càng táo tợn, trong những lúc như thế này thì cơ hội tìm đồ lại được rất mong manh. Chỉ cần một phút lơ là, bạn có thể trở thành nạn nhân của kẻ trộm cũng như gặp rất nhiều hệ lụy rắc rối.
Cách hữu hiệu để bảo vệ tài sản là đề cao cảnh giác. Theo kinh nghiệm của nhiều nạn nhân thì nên chú ý khóa cửa cẩn thận trước khi ra nài; không để những tài sản có giá trị lớn gần cửa, nên cất ở những nơi khó thấy; nên mua khóa càng, còi báo động chống mất xe… Bởi bất cứ sơ hở nào cũng là điều kiện thuận lợi để những tên trộm lộng hành.
Nguyễn Thị Phương Thúy
Báo đa phương tiên K33
Cùng chuyên mục
Bình luận