Sử dụng đúng cách hóa chất độc hại: Bài toán khó cho những xóm vùng cao
(Sóng trẻ) - Với những người nông dân hiện nay,chắc hẳn không ai còn xa lạ với những gói thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, nhiều người nông dân vẫn còn thiếu hiểu biết và rất chủ quan trước những tác hại mà những loại thuốc này gây nên.
“Chuyện đã quen rồi”
Có mặt tại cánh đồng xóm Quyết Tâm (thuộc xã Giai Xuân,Tân Kỳ, Nghệ An) vào mùa cấy hái, cánh đồng hiện đã lên đều một màu xanh lá mạ, công việc cấy vụ Đông – Xuân đã sớm đi vào hoàn tất và công việc tiếp theo của các bà con nông dân là phun các loại thuốc diệt cỏ, diệt cua… Vào những ngày này, hình ảnh quen thuộc trên những cánh đồng là những người nông dân mang trên mình những chiếc bình phun thuốc trừ sâu và trong tay là những gói thuộc trừ sâu, diệt cỏ.
Điều ngạc nhiên ở đây là trên những người nông dân ấy, thay vì mặc những chiếc áo dày, kín, đeo khẩu trang… thì đa phần họ lại mặc áo sơ mi, chân đất và không đội mũ, găng tay hay sử dụng thiết bị bảo quản nào.
Chú Thọ, người dân tộc Thổ sinh sống tại đây cho biết: “Ở đây không mấy ai sử dụng đồ bảo hộ gì hết, chỉ cần mua bình phun, mua thuốc về, pha thuốc với nước ở bên mương và thế là đi phun thôi...” – Trên người chú lúc này đang cởi trần, mặc chiếc quần ngố ngang đầu gối, bên cạnh một chiếc bình phun thuốc trừ sâu.
Cánh đồng ở vùng quê này dường như đã trở nên quen thuộc với những hình ảnh như vậy, bất chấp những sự độc hại từ thuốc diệt cỏ gây ra, những người nông dân nơi đây vẫn thản nhiên sống chung với những hóa chất độc hại đấy.
Phun thuốc không sử dụng đồ bảo hộ
Chị Trương Thị Liên, một hộ dân đang phun thuốc diệt cua cho biết: “Cứ mỗi lần cấy hái xong một đến hai ngày là tôi phải đi phun thuốc diệt cua ngay, phun ở xung quanh bờ ruộng thì sáng hôm sau đã thấy xác cua chết rồi, cấy xong mà không diệt đi thì chúng nó kẹp hết cây lúa nhà mình mất”.
Được biết, thuốc diệt cua này là một trong những loại thuốc cực kì độc hại, chỉ sau một đêm khi tưới dọc bờ ruộng. đến sáng hôm sau trên thuở ruộng đã nổi lềnh bềnh những con cua lớn, nhỏ… Vậy mà, chị Liên lúc này chỉ đôi chân trần, bên tay là một chiếc bình nước dùng để tưới rau và trong chiếc bình đã hòa hóa chất.
Khi được hỏi tại sao cô không sử dụng bình phun thuốc trừ sâu mà lại dùng bình phun nước tưới rau và các dụng cụ để bảo vệ cơ thể khi phun loại thuốc này, chị thốt lên: “Trời, ở chỗ này ai cũng làm thế! Phun thuốc diệt cua này thì cần gì bình phun cho cồng kềnh ra, bình tưới cây này tiện lợi hơn, chỉ cần xé bao thuốc ra cho vào và đi tưới quanh bờ ruộng, 5-10 phút là xong...” Cũng theo như lời kể của chị thì ở đây có nhà còn dùng thuốc phun rầy ở cây mía để... diệt cua nài đồng (!?)
Ở cái chốn thôn quê này, trường hợp nêu trên là rất nhiều, nhiều đến nỗi chuyện đó trở thành chuyện trở nên quen thuộc và đã như là một thói quen cho một cộng đồng nơi đây.
Tai vạ...
Trở lại với câu chuyện “đã quen rồi”, thì quy trình mà người nông dân nơi đây sử dụng các loại thuốc trừ sâu thực sự đáng lo ngại. Quan sát cách chú Thọ, chị Liên phun thuốc, thì việc đầu tiên họ làm là cắt ngang gói thuốc trừ sâu rồi sau đó với đôi tay trần đổ hóa chất vào bình và khuấy đều lên với nước, công việc sau đó là xuống ruộng và đi phun thuốc.
Vấn đề đặt ra ở chỗ, dùng xong gói thuốc họ vứt ngay chúng lên bờ ruộng, có gói rơi vãi xuống các mương dẫn nước chảy trong hệ thông kênh rạch trên đồng. Hỏi sao không để vào bãi rác thì chị gắt giọng: “Ở đây ai chả thế, quan tâm nhiều làm gì?”
Một hình ảnh khá quen thuộc trên các cành đồng này là sau khi phun thuốc, thay vì cho những túi hóa chất đấy vào bãi rác và đem tiêu hủy, thì đa số nông dân ở đây lại vứt các gói thuốc diệt cỏ, trừ sâu vất vưởng trên những bờ ruộng, lềnh bềnh trên dòng mương chảy mạnh.
Trên các gói thuốc trừ sâu có hưỡng dẫn quy trình sử dụng rất cụ thể
Sự chủ quan trong việc coi thường tác hại của các loại thuốc này đã vô tình mang bệnh cho bao người. Không đâu xa, những đứa trẻ con chăn trâu thấy các túi trôi nổi lại nhặt lên tò mò, ngắm nghía, người nông dân cúi xuống nhổ từng bụi cỏ cũng hít vào hơi độc… bao người hứng chịu hậu quả của những hành động vô trách nhiệm ấy?
Có cuộc trao đổi với xóm trưởng xóm Quyết Tâm, chú Nguyễn Đình Cường, cho biết: “Đa số bà con ở đây là dân tộc thiểu số, hơn 70% là dân tộc Thổ nên những hiểu biết còn hạn chế. Trong các cuộc họp, sinh hoạt văn hóa... phối hợp với trạm y tế xã, xóm cũng đã tổ chức các buổi tuyên truyền về tác hại của các loại thuốc này, tuy nhiên bà con vẫn không mấy tiếp thu…”
Những trường hợp cụ thể hứng chịu tác hại của các loại thuốc này gần đây, theo danh sách thì đã xuất hiện những trường hợp như: Sẩy thai vì tiếp xúc với thuốc rầy ở mía, nhập viện trong tình trạng nôn ọe, đau đầu, chóng mặt sau khi phun thuốc diệt cỏ về…
Trao đổi với Trạm trưởng xã Giai Xuân, cô Nguyễn Thị Hải cho biết: “Gần đây nhất có trường hợp sẩy thai của chị Trương Thị Hiên, xóm Quyết Tâm xã Giai xuân. là do Nguyên nhân được xác định ban đầu hít phải thuốc diệt rầy mía khi đang dùng thuốc để diệt cua...”
Sẽ còn nhiều nữa những hậu quả để lại của những hành động thiếu hiểu biết, chủ quan khi sử dụng loại hóa chất độc hại này, cần có những biện pháp mạnh tay hơn nữa trong công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho bà con trong việc sử dụng đúng cách các hóa chất độc hại này.
Đây liệu có phải một bài toán khó cho một xóm vùng cao?
Theo tài liệu của FAO và US-EPA phần lớn, thuốc trừ sâu chủ yếu hiện diện ở nồng độ vết (tức là ở nồng độ rất nhỏ) gây rối loạn hệ thần kinh, khiếm khuyết về sinh sản và hoặc gây ung thư. Khả năng gây tổn hại đến hệ di truyền, hệ thần kinh, nội tiết hoặc các hệ thống miễn dịch của cơ thể là những tác hại rất nghiêm trọng.
|
Đoàn Bổng
Báo mạng điện tử K32
(ảnh: Internet)
Cùng chuyên mục
Bình luận