Sử dụng mạng xã hội trong báo chí
(Sóng trẻ) – Ngày càng có nhiều người sử dụng mạng xã hội để đọc tin tức và chia sẻ quan điểm về những sự kiện báo chí. Để nâng cao tương tác với công chúng, các tờ báo đang bắt đầu có một đội ngũ riêng biệt chuyên đăng tải thông tin trên mạng xã hội.
Bắt đầu thế kỉ 21, mạng xã hội ra đời đánh dấu một cuộc cách mạng thông tin trên nhiều lĩnh vực. Mạng xã hội giúp người sử dụng xây dựng một trang cá nhân riêng và giữ liên lạc với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Nài ra, người sử dụng còn có cơ hội tham gia vào các đội nhóm mình yêu thích, chia sẻ và cập nhật những thông tin mới từ nhiều cơ quan, tổ chức.
Theo số liệu thống kê năm 2008, khoảng 35% người sử dụng Internet đã tạo tài khoản trên hệ thống mạng xã hội. Cho đến năm 2013, con số này đã tăng lên 72%.
Vậy với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các mạng xã hội, các nhà báo trong giai đoạn hiện nay cần lưu ý những gì trong việc sử dụng các mạng này như một công cụ để xây dựng thương hiệu riêng của mình?
Mạng xã hội Facebook
Nhà báo và mạng xã hội
Đối với các nhà báo và các tổ chức, việc sử dụng hiệu quả mạng xã hội sẽ mang đến cơ hội kết nối với độc giả, đăng tải những thông tin mới, từ đó xây dựng được những ấn tượng riêng của mình. Ngày nay, rất nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng trang riêng của mình trên mạng xã hội nhằm thu hút sự quan tâm chú ý của độc giả. Bên cạnh đó, nhiều nhà báo đã tận dụng triệt để mạng xã hội như một nguồn để tìm kiếm thông tin, nắm bắt xu hướng để viết bài.
Trong xu thế hiện nay, khi mà mọi người truy cập mạng xã hội mọi lúc mọi nơi thì việc một số bộ phận chủ yếu cập nhật tin tức mới nhất thông qua Facebook hay Twitter là điều dễ hiểu. Theo nghiên cứu trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra cuối năm 2012 của trang Los Angeles Times, khoảng 52% những người ở độ tuổi từ 18-29 nắm bắt tin tức qua mạng Facebook. Trong khi theo số liệu thống kê của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2011, tỉ lệ độc giả dưới 30 thường xuyên đọc tin tức trên mạng xã hội là 38%.
Mặc dù mức độ vẫn chưa quá lớn, tuy nhiên con số trên đã chứng tỏ mạng xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với lĩnh vực báo chí – truyền thông.
Mạng xã hội Twitter
Vậy làm thế nào để nhà báo sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả?
Để trả lời vấn đề này, chuyên gia Liz Heron của The Wall Street Journal đã tiết lộ chiến thuật thu hút độc giả trên các trang mạng xã hội.
Fanpage của The Wall Street Journal
Dưới đây là 5 điểm đáng lưu ý khi đăng tải nội dung trên mạng xã hội:
Thứ nhất, bạn nên sử dụng thật nhiều hình ảnh để chuyển tải nội dung kèm theo. Tuy nhiên, một bức ảnh không thôi thì chưa đủ. Việc đầu tư thiết kế một bức ảnh hoàn hảo là điều kiện tiên quyết giúp bạn thành công. Liz Heron đã từng chia sẻ: “Nhóm truyền thông xã hội đã giành rất nhiều thời gian chăm chút từng bức ảnh, bởi chúng tôi ngầm hiểu với nhau rằng đó là chìa khóa để đạt được mục tiêu đề ra”.
Thứ hai, bạn nên đăng tải những thông tin phù hợp với màn hình di động. Trên thực tế, phần đông độc giả của chúng ta trên các mạng xã hội thường sử dụng điện thoại để cập nhật tin tức. Do vậy, trong mỗi bài viết, bạn nên lưu ý sử dụng những thông tin ngắn gọn, dễ hiểu hay những con số, sự kiện ấn tượng. Nài ra, việc đăng tải những video ngắn, hữu ích cũng là một hướng để thu hút người sử dụng.
Thứ ba, bạn hãy xây dựng một bài viết để chia sẻ, chứ không phải chỉ để đọc. Đây là một phương pháp tạo ra sự độc đáo, sáng tạo cũng như nhân rộng mức độ phủ sóng của bài viết.
Thứ tư, bạn nên mở đầu bài viết của mình bằng những mào đầu ấn tượng hay những câu châm ngôn ý nghĩa thay vì những tiêu đề nhàm chán. Điều này sẽ giúp khơi gợi cảm xúc và mở ra sự kết nối giữa người biên tập và độc giả thông qua những lời bình luận.
Có một lưu ý nhỏ, trong quá trình trao đổi với bạn đọc trên mạng xã hội, đôi khi bạn sẽ gặp phải những ý kiến trái chiều, nhớ đừng lờ họ đi, hãy thể hiện sự quan tâm và biết ơn đối với họ bởi đơn giản họ chỉ muốn đưa ra quan điểm của bản thân mà thôi.
Cuối cùng, nếu muốn thành công trên mạng xã hội, bạn hãy trở thành chuyên gia thực sự. Bạn nên cân nhắc thật kĩ mỗi khi đăng tải một bức ảnh, video, hay câu chuyện. Bạn nên là người hiểu một cách sâu sắc từng yếu tố của trang mạng xã hội và nắm bắt kịp thời những xu hướng, trào lưu.
Fanpage của CNN
Bạn nên nhớ rằng, một bài viết được coi là thành công trên các trang mạng như Twitter hay Facebook cần có những yếu tố như hấp dẫn, dễ hiểu, dễ dàng chia sẻ. Vì vậy, để đạt được mục tiêu ấy, cho tới nay, nhiều cơ quan báo chí đã thành lập những đội nhóm riêng biệt chuyên nghiên cứu và đăng tải thông tin trên mạng xã hội. Điều đó chứng tỏ, sợi dây liên kết giữa báo chí và mạng xã hội đang ngày càng bền chặt, khăng khít với nhau hơn.
Nguồn: berkeley.edu, journalsm.co.uk
Tổng hợp và dịch: Nguyễn Hà Thu
Quan hệ Quốc tế K31
Cùng chuyên mục
Bình luận