Sự mù quáng đến đáng thương và đáng trách của những “người mẹ online”
(Sóng trẻ) - Sau sự vụ “sinh con thuận tự nhiên” khiến một thai nhi tử vong năm 2018, thì hôm nay, một lần nữa, mạng xã hội lại rúng động trước thông tin một bé trai 1 tuổi chết thảm vì người mẹ nhất quyết nghe lời khuyên trên mạng và không đưa con đi viện. Tất cả đã rúng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về thói quen dùng mạng xã hội của nhiều bà mẹ trong việc chăm sóc con cái.
Con trai hơn 1 tuổi có biểu hiện thở gấp và co rút lồng ngực nhưng mẹ không đưa đi bệnh viện liền mà lên nhóm hỏi chị em và được bày cách hạ sốt bằng củ khoai tây, lá nhọ nồi, rau diếp cá. Đến khi con thở khó và bị chồng mắng thì người phụ nữ này mới đưa con vào bệnh viện.
Khi khám xong, bác sĩ yêu cầu để bé nhập viện nhưng người mẹ lấy lý do "sợ mùi thuốc sát trùng và không sạch sẽ" nên bế con về nhà, đăng kết quả chụp khám lên nhóm và hỏi chị em cách chữa bệnh dẫn đến bi kịch của gia đình.
4 giờ sáng hôm sau, con trai tử vong khiến người mẹ chết lặng và sau đó bị trầm cảm. Trong khi bố phát điên, đăng status xót xa đòi lại con và trách móc vợ mù quáng vì nghe theo lời của hội chị em kiêm "bác sĩ online".
Status đầy nỗi đau của người bố trẻ
Đau đớn có lẽ là cảm xúc hiển hiện nhất mà bất kỳ ai khi đọc mẩu tin này cũng cảm thấy. Đau đớn bởi cái kết nghiệt ngã không phải vì sự vô phương cứu chữa của y tế mà lại là từ sự mù quáng và mông muội của một người mẹ. Thứ đáng ra ở cái xã hội hiện đại như thế này không nên có, lại xảy ra.
Làm mẹ là một công việc nhiều hoang mang, lo lắng. Lo lắng từ khi mang thai cho đến khi con khôn lớn, người mẹ vẫn luôn luôn sát từng bước khôn lớn của con, làm mẹ chưa bao giờ dễ dàng. Chính vì điều này, các bà mẹ lần đầu luôn cần tìm những nguồn thông tin, những người đã có kinh nghiệm để hỏi. Thế nhưng với một môi trường nhiễu loạn thông tin như hiện nay thì bỗng nhiên sự lo lắng đó trở nên vô độ, và dẫn đến kết cục là những mất mát tổn thương mà các bà mẹ có lẽ không bao giờ ngờ đến trước đó.
Ở sự việc trên, đáng nhẽ đứa trẻ đã có thể qua khỏi cơn nguy kịch nhưng chỉ vì sự lo lắng quá độ đến mù quáng của người mẹ, con đã ra đi mãi mãi, và chính người mẹ lại là người đau đớn hơn cả đến độ phát điên. Chẳng có người mẹ nào lựa chọn lối đi nguy hiểm cho con, rõ ràng ở trong trường hợp đó, người phụ nữ ấy vẫn tin rằng có thể tìm kiếm được biện pháp tốt nhất cho con hơn là chữa ở viện.
Chúng ta cũng phải có cái nhìn từ phía người làm mẹ trước khi buông lời đay nghiến rằng: giữa một biển kiến thức mới ồ ạt như thế, với tâm thế của một người lần đầu làm mẹ, bất kì điều gì cũng lạ lẫm. Họ phải tự bơi, tự tìm, và tự tin vào những lời khuyên, những dẫn chứng mà nghe có vẻ rất thuyết phục, hay nói cách khác là tin vào sự nổi tiếng của một hội nhóm và một đối tượng nào đó trên mạng được đám đông tung hô.
Hãy đặt vị trí của mình vào những người làm mẹ
Sự tin tưởng đôi khi đến quá dễ dàng, tự nhiên như đàn thiêu thân lao mình vào ánh sáng. Trong khi những kiến thức nghe có vẻ khoa học kia lại không phải lúc nào cũng xuất phát từ hiểu biết đích thực và mục đích trong sáng. Bởi những người làm chuyên môn đã không nhận được sự tin tưởng cần thiết. Khi vấn đề xuất hiện, thứ người ta tìm tới không phải là các bác sĩ được đào tạo bài bản mà là “các mẹ thông thái” trên Facebook.
Đây không phải lần đầu tiên dư luận bàng hoàng trước những hậu quả thương tâm từ việc thiếu hiểu biết và lạm dụng vào mạng xã hội của các bà mẹ trẻ. Thế nhưng những sự việc tương tự như vậy vẫn cứ luôn diễn ra hàng ngày hàng giờ. Dạo quanh một vòng facebook có thể dễ dàng tìm thấy những hội nhóm của các mẹ bỉm sữa với sự tham gia của hàng nghìn người. Mục đích chính của hội này để các bà mẹ có thể chia sẻ với nhau cách chăm sóc con cái và những vấn đề xung quanh nội trợ, gia đình.
Các hội mẹ bỉm sữa tràn ngập trên mạng xã hội
Trước đó không lâu còn rộ lên những bài viết không xác thực về việc tiêm vắc-xin làm giảm sức đề kháng của trẻ nhỏ khiến nhiều bà mẹ thi nhau “trốn tiêm cho con”. Có thể thấy bởi sự bỡ ngỡ và lo lắng cộng thêm sự thiếu hiểu biết, nhiều bà mẹ dễ dàng bị dắt mũi. Không chỉ vậy đa số những trường hợp này đều là những bà mẹ trẻ. Họ thường cho rằng sự phát triển của xã hội sẽ kéo theo những cách chăm sóc con mới, khác với ngày xưa, thậm chí đôi khi là trái ngược lại với cả khoa học.
Gần đây, bên cạnh sinh con "thuận tự nhiên", "nói không với vắc xin" và rất nhiều những mẹo vặt phản khoa học đang bùng nổ trên mạng xã hội gây khó khăn cho ngành y tế. Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tỉnh táo không nên mê muội tin vào những hủ tục ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé. Thậm chí, đối với việc cố tình không tiêm vắc xin cho con theo quy định và “sinh con thuận tự nhiên” làm bé bị chết, pháp luật cũng nghiêm khắc xử phạt hành vi của người mẹ vào tội “cố ý giết người”.
Vì bản thân mình và vì con, hãy học cách tiếp nhận thông tin với tư duy phản biện. Biết nghi ngờ, suy xét. Biết truy về tận cùng nguồn gốc của thông tin. Biết đặt niềm tin đúng chỗ. Kiến thức đáng lẽ nên là thứ truyền đi năng lượng tích cực, để người mẹ có thể tự tin thực hiện thiên chức chứ không phải để những người mẹ thấy mình kém cỏi, con mình chậm phát triển và biến thành cuộc thánh chiến của những kẻ cuồng tín.
Nguyễn Hồng Nhung
Lớp Báo In K35A2
Cùng chuyên mục
Bình luận