Sự tra tấn vô hình mỗi đêm trên phố Tạ Hiện
(Sóng trẻ) - Bài toán ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là ô nhiễm tiếng ồn tại các tụ điểm ăn chơi như phố Tạ Hiện đã được đặt ra từ lâu, nhưng dường như vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Trên thực tế, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đã và đang gây ra rất nhiều hiểm họa đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.
Sự tra tấn dai dẳng
Ô nhiễm tiếng ồn hiện đang được xếp vào dạng ô nhiễm nguy hại thứ 2 chỉ sau ô nhiễm không khí. Đây được xem như một “sát nhân giấu mặt” và đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại của xã hội, đặc biệt là ở những đô thị lớn. Tại Việt Nam, đặc biệt là tại những tụ điểm vui chơi của giới trẻ như phố Tạ Hiện, ô nhiễm tiếng ồn hiện đang ở mức báo động đỏ, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Phố Tạ Hiện là tên gọi được giới trẻ sử dụng để chỉ khu phố đêm náo nhiệt nhất ở Hà Nội, với tuyến phố đi bộ nối dài từ Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến – Hàng Bạc thông sang Hàng Ngang – Hàng Đào. Khi bước chân lên con phố này, ai cũng sẽ bị choáng ngợp bởi không gian tấp nập, nhộn nhịp người người qua lại. Những quán bar, quán pub đèn mờ cùng thứ âm nhạc remix được mở liên tục, hay các quán ăn nhậu xếp bàn ghế dọc lối đi nơi các con ngõ nhỏ. Chính điều này đã gây ra những tạp âm "đinh tai nhức óc" mà người dân nơi đây phải hứng chịu hằng ngày.
Mặc dù đã 2 giờ đêm, thế nhưng trên con phố Tạ Hiện, tiếng nhạc xập xình, tiếng người la hét, tiếng xe cộ qua lại, thậm chí là tiếng cãi nhau vẫn không có dấu hiệu dừng lại.
Theo phản ánh của người dân sinh sống tại khu vực này, không biết từ lúc nào nơi đây đã hình thành dịch vụ kinh doanh hàng quán nhậu, quán bar. Và cứ đến khoảng 7 giờ tối, tiếng ồn còi, tiếng động cơ của đủ loại phương tiện giao thông cùng tiếng nhạc xập xình, tiếng chào mời khách từ các hàng quán lại sôi réo, tạo thành âm thanh nặng trịnh nện thẳng vào tai người dân. Mặc dù đã lắp các lớp kính cách âm nhập ngoại đắt tiền, thế nhưng âm thanh vẫn xuyên qua tường, qua kính, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây, khiến họ không cách gì chống đỡ.
Cô Liên (một người dân sinh sống hơn 30 năm tại 56 cầu Gỗ, Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Nhạc ở đây là người dân kinh doanh mở tự do, chứ có chính quyền thì không dám mở đâu. Tiếng ồn lắm, đau đầu lắm, váng hết cả óc. Nhiều khi dân không chịu được, báo lên chính quyền thì làm gì còn tiếng gì nữa. Nhìn thấy bóng dáng công an xuống là chạy. Nhà có con nhỏ thì bức xúc lắm, khó chịu lắm” .
Theo ghi nhận của thiết bị đo tiếng ồn cầm tay, độ ồn tại Tạ Hiện đạt ngưỡng 83 đề-xi-ben (dB). Mà theo các chuyên gia khoa học, tiếng ồn trên 70 dB có thể làm tăng nhịp thở, nhịp tim, huyết áp, ảnh hưởng đến dạ dày và làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Như vậy ngưỡng ô nhiễm tại Tạ Hiện là vô cùng có hại đối với sức khỏe con người.
Chị Hà Dung (27 tuổi, sinh sống tại ngõ 3 Tạ Hiện, Hoàn Kiếm, Hà Nội) có con nhỏ bức xúc chia sẻ về những phiền hà khi sống gần khu phố này: “Thực ra vì mình có con nhỏ, bé trước kia ở viện hay ở nhà ông bà ngoại thì không sao nhưng đến khi về nhà ông bà nội gần khu Tạ Hiện này thì kêu khóc suốt. Nhiều lúc cũng sốt ruột thương con lắm. Thêm vào nữa nghe tiếng ồn ào nhiều mình cũng sinh ra những bực dọc, stress thái quá, đôi khi chính những điều này cũng dẫn đến những trận cãi vã của hai vợ chồng… Mình báo chính quyền miết đấy mà đâu lại ra đó”.
Theo chân chị Dung, chúng tôi liên hệ đến đội Cảnh sát Trật tự phường Hoàn Kiếm để yêu cầu xử lý. Khi đội trật tự lập đoàn kiểm tra, lạ thay, con phố Tạ Hiện đang hết sức ồn ào đột nhiên trở nên im ắng. Sau tiếng hô: “Cảnh sát” từ một ai đó, các quán bar, pub lập tức đóng bớt cửa, hạ âm thanh. Nhân viên các quán nhậu vội dẫn khách vào trong quán. Những chiếc loa kéo mới mấy phút trước còn đang xập xình những bài hát của giới trẻ thì bây giờ lại im ắng đứng tại một góc phố.
Cuối cùng, đợt kiểm tra không bắt được trường hợp vi phạm nào. Sau khi đoàn kiểm tra rời đi, những quán bar, quán nhậu lại trở về hiện trạng trước đó.
Chia sẻ với phóng viên, anh Việt Hoàng (25 tuổi, làm việc tại quán nhậu trên đường Tạ Hiện, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết âm nhạc là thứ không thể thiếu để thu hút khách hàng đến với quán của mình. Bởi vậy, bất chấp những chế tài xử lý từ chính quyền, các hàng quán vẫn thi nhau bật nhạc hết công suất.
“Công an họ phạt tiền thì mất vài trăm hoặc cùng lắm là vài triệu, còn không bật nhạc thì lỗ vài chục triệu. Khách còn chơi đến 2, 3h sáng thì mình vẫn phải mở nhạc đến 2, 3h sáng, không thì mấy quán kia nó hút hết khách, mình lại ế ra.” - anh Hoàng chia sẻ thêm
Luật đã có … nhưng để xử thì khó
Câu chuyện về ô nhiễm tiếng ồn hiện đang là vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm, đồng thời cũng là nội dung được đưa ra bàn thảo tại nhiều cuộc họp, nhất là tại các thành phố lớn.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các bộ, ngành liên quan, mức xử phạt đối với hành vi gây tiếng ồn quá mức cho phép có thể lên tới 160 triệu đồng, kèm theo các hình phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động, bồi thường thiệt hại (nếu có).
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn thiếu các căn cứ để việc này có thể tiến hành chính xác và đồng bộ tại các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung và tuyến phố Tạ Hiện nói riêng. Vậy nên cùng với răn đe thì các cán bộ địa phương cũng chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, khiến mọi chuyện lại đâu vào đấy.
Bằng việc đúc kết các kinh nghiệm và nhìn nhận rõ vào thực tiễn, đã có nhiều nhà đầu tư đã và đang quy hoạch các khu phố, khu đô thị ít/hạn chế tiếng ồn. Nhưng đó cũng chỉ là những đốm sáng nhỏ giữa bóng đêm. Trong khi đó, góc phố Tạ Hiện việc ô nhiễm tiếng ồn đang ngày càng được bình thường hóa.