Tết Đinh Dậu 2017 - du xuân tới những địa điểm hội tụ văn hóa dân tộc
(Sóng Trẻ) - Kì nghỉ Tết Đinh Dậu 2017, giới trẻ Hà thành tìm hương vị Tết nồng ấm trong không gian gia đình đoàn viên và cùng nhau đến những địa điểm hội tụ văn hóa dân tộc.
Đi chùa cầu may, tham gia lễ hội
Hà Nội là nơi địa linh nhân kiệt, ngàn năm văn hiến với những ngôi chùa thiêng có kiến trúc độc đáo và những lễ hội đặc sắc ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc. Chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ… là những địa điểm thích hợp để hái lộc cầu may, ước vọng cho một năm mới an khang thịnh vượng.
Chùa Trấn Quốc lọt vào danh sách những ngôi chùa đẹp nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Daily Mail
Đến với các lễ hội trong địa bàn Hà Nội, con dân đất Việt cung kính với phần lễ và rộn ràng với phần hội. Hàng loạt lễ hội diễn ra vào dịp Tết như hội Gò Đống Đa (mùng 5 Tết), lễ hội Cổ Loa (mùng 5 – mùng 6 Tết), lễ hội đền Gióng (tại Sóc Sơn vào mùng 6 Tết), lễ hội Chùa Hương (tại Mỹ Đức vào mùng 6 Tết)…
Lễ hội đền Gióng có hoạt động rước hình tượng voi sắt, ngựa sắt
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội (từ ngày 20/01 - 28/02)
Đây là chương trình thường niên mang đậm màu sắc dân tộc của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội mỗi dịp Tết đến Xuân về. Năm nay có những hoạt động như:
- Tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long: Trưng bày, giới thiệu những bộ sưu tập hiện vật; triển lãm 3 dòng tranh dân gian Việt Nam (tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng và tranh Đông Hồ); triển lãm Triều phục Việt Nam từ nhà nghiên cứu Trịnh Bách và Trinh Family Foudation với 15 bộ triều phục của chúa Trịnh và vua Nguyễn…
- Tại sân Đoan Môn: Trang trí hình ảnh Rồng chầu, biểu tượng Cung chúc tân xuân, kết hợp trưng bày cây ảnh nghệ thuật với nhiều dáng thế độc đáo như “Ngũ phúc”, “phượng bay”, “huynh đệ”, “rồng sa”, “sóng đôi”, “ long hội”, “phượng vũ”… Triển lãm ảnh di sản Việt Nam với 100 tác phẩm đa sắc màu được lựa chọn từ cuộc thi “Vietnam Heritage Photo Awards 2016”.
Cây nêu ngày Tết có treo chùm khánh may mắn đặt tại Hoàng thành Thăng Long
Nơi khách thập phương đến vái vọng các bậc tiên đế
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (chia làm nhiều đợt)
Với mong muốn giới thiệu nét đặc sắc của văn hóa các dân tộc trên đất nước, Bảo tàng Dân tộc học tổ chức các đợt:
- Từ ngày 31/01 – 01/02 tức mùng 4 – mùng 5 Tết: Tổ chức trình múa rối nước tại Thủy đình; múa xòe, thổi khèn, múa tứ linh, múa sạp, chơi pháo đất… tại phía trước nhà Trống đồng; viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, nặn tò he, tô vẽ tranh 12 con giáp tại phía sau nhà Trống đồng.
- Từ ngày 04/02 – 05/02 tức mùng 8 – mùng 9 Tết: Tổ chức các trò chơi dân gian mang sắc thái văn hóa Sơn La như đẩy gậy, rồng ấp trứng, chơi quay, ném pao, đi cà kheo, tung còn, đánh cầu lông gà… Vào mùng 8 Tết có đốt pháo bông chào mừng năm mới kèm theo xòe Thái và hát giao duyên. Du khách còn được thưởng thức ẩm thực vùng miền như cơm lam, xôi ngũ sắc, lợn gác bếp, rượu táo mèo…
Trò chơi rồng ấp trứng độc đáo
Điệu xòe Thái và nhảy sạp
Phố sách Xuân Đinh Dậu 2017 (từ ngày 30/01 - 05/02 tức mùng 3 - mùng 9 Tết)
Địa điểm tổ chức phố sách là phố Lê Thạch và Vườn hoa Lý Thái Tổ (Khu vực nhà Bát giác), quận Hoàn Kiếm. Phố sách năm nay gồm các hoạt động trưng bày, mua bán nhiều thể loại sách thiếu nhi, văn học, văn hóa xã hội, kinh tế, khoa học kỹ thuật, y học, nại văn, sách điện tử và thiết bị số… Cùng với báo Tết Dương lịch 2017 và báo Tết Đinh Dậu của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Đây là cơ hội kết nối giữa các nhà văn, nhà thơ với bạn đọc thông qua các buổi giao giới thiệu tác phẩm, viết thư pháp và câu đối Tết, đối đápThơ Xuân, biểu diễn nghệ thuật truyền thống…
Đỗ Diễm Hằng Minh
Báo in K35A1
(Tổng hợp)
Ảnh: Internet
Cùng chuyên mục
Bình luận