Tết Hàn thực trong văn hóa Việt
(Sóng trẻ) –Tết Hàn thực (3/3 âm lịch) là ngày Tết truyền thống ở một số tỉnh Trung Quốc, miền Bắc Việt Nam và một số cộng đồng người gốc Hoa trên thế giới. Ở Việt Nam, Tết Hàn thực là thời điểm cả gia đình quây quần bên nhau, làm nên những chiếc bánh trôi, bánh chay đặt lên bàn thờ gia tiên, hướng về nguồn cội.
Lễ cúng bái gia tiên diễn ra trong ngày Tết Hàn thực (Nguồn: TTXVN)
Tết Hàn thực vốn bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc, liên quan đến việc người dân đất nước này tưởng nhớ đến vị tướng Giới Tử Thôi và mẹ của ông chết cháy ở rừng Điền Sơn. “Hàn thực” trong văn hóa của người Trung Quốc là “đồ ăn lạnh”. Tuy nhiên, do quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, Tết Hàn thực ở Việt Nam có sự khác biệt lớn và mang bản sắc dân tộc rõ nét.
Tết Hàn thực được xem là một trong những ngày lễ truyền thống của người dân Việt Nam. Vào ngày 3/3 âm lịch hằng năm, từ bắc vào nam, người dân đều nặn bánh trôi, bánh chay dâng lên bàn thờ gia tiên.
Bánh trôi, bánh chay chính kết tinh của văn hóa, bản sắc của người Việt, thể hiện rõ nhất nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Bắt nguồn từ tích truyện “bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ”, bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển. Chính vì thế, bánh trôi, bánh chay của người Việt cũng không giống với người dân Trung Quốc mà mang trong mình đặc sắc riêng của nền ẩm thực Việt Nam.
Nhiều chuyên gia văn hóa nhận định rằng: "Vào ngày Tết Hàn Thực, người dân Việt Nam không có tục cấm lửa, cũng không phải cúng để tưởng nhớ đến vị tướng Tử Thôi. Bánh được làm ra đều đặt lên bàn thờ để cúng bái và tưởng nhớ gia tiên, mang ý nghĩa nhớ về cội nguồn. Đặc biệt, hình tượng nặn nhiều chiếc bánh trôi, bánh chay tròn vo, nho nhỏ, xếp đầy trên đĩa cũng mang hàm ý tưởng nhớ đến mẹ Âu Cơ khi sinh ra bọc trăm trứng, thể hiện người dân Việt Nam nhớ rõ cội nguồn con rồng cháu tiên của mình"
Mặt khác, với bản chất duy tính, người Việt luôn đề cao các yếu tố tâm linh cho nên mâm lễ gia tiên của người Việt trong Tết Hàn thực cũng có những quy chuẩn về món ăn và cách thức bày biện mang đậm nét văn hóa Việt. Điều đặc biệt là trên mâm cúng Tết Hàn Thực không thể thiếu bánh trôi, bánh chay. Luôn phải có 5 hoặc 3 đĩa bánh trôi, 3 bát bánh chay dâng lên bàn thờ. Bởi lẽ, người xưa quan niệm số lẻ là số tâm linh, không được dùng số chẵn.
Hình ảnh về những lễ vật người Việt thường dâng lên bàn thờ gia tiên ngày Tết Hàn thực (3/3 âm lịch)
Tết Hàn thực trong văn hóa người Việt là một nét truyền thống đẹp và cần được duy trì, nhân bản bởi tính nhân văn. Dù ở nơi đâu, vào 3/3 âm lịch hằng năm trong tiềm thức người Việt luôn in hình bóng gia đình, quê hương và dân tộc.
Hồng Nhung
Cùng chuyên mục
Bình luận