Thanh Hà vươn mình thành điểm đến du lịch sinh thái nông nghiệp
(Sóng trẻ) - Không chỉ nổi tiếng với đặc sản vải thiều, Thanh Hà (Hải Dương) đang chuyển mình thành điểm đến hấp dẫn với mô hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp.
Không gian sinh thái giữa vùng vải trứ danh
Cứ đến độ tháng 5, tháng 6 hàng năm, khi tiết trời oi nồng của đầu hè vừa chớm, hàng nghìn du khách đổ về Thanh Hà để tận mắt chứng kiến mùa vải vào vụ. Không ít gia đình chọn về đây vào cuối tuần để trẻ nhỏ được “trở về với thiên nhiên”, trải nghiệm cảm giác tự tay hái vải, ăn tại chỗ, nghe người nông dân kể chuyện về nghề canh tác, về cây vải tổ và những vụ mùa được mất.
Tọa lạc tại thôn Đồng Mẩn, thị trấn Thanh Hà, khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn tiêu biểu trong mô hình “du lịch nông nghiệp gắn với trái vụ”. Đây là điểm đến được quy hoạch bài bản, kết hợp giữa sinh thái, nông nghiệp và trải nghiệm theo hướng bền vững.
Ngay từ đầu vụ vải năm 2025, khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút trên 1.000 lượt du khách đến tham quan và trải nghiệm. Không chỉ đón khách nội tỉnh, khu du lịch còn là điểm dừng chân lý tưởng của nhiều đoàn khách đến từ các địa phương lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… và cả du khách quốc tế.
Vào dịp cuối tuần, lượng khách tăng mạnh, mỗi ngày ghi nhận hơn 100 lượt người đến tham quan, chụp ảnh check-in giữa mùa vải đỏ rực. Đặc biệt, dịch vụ chèo thuyền ngắm vườn ven sông rất được ưa chuộng, nhiều nhóm phải đặt trước để đảm bảo có thuyền phục vụ vào giờ cao điểm.
Trải nghiệm thực tế như tự tay thu hoạch vải hay di chuyển bằng thuyền giữa vườn cây ăn quả là điểm nhấn khiến nhiều du khách cảm thấy hài lòng khi đến với khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn. Chia sẻ về chuyến đi, chị Trần Thị Hương (32 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi từng thưởng thức vải Thanh Hà nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên được trực tiếp hái quả và ngồi thuyền ngắm vườn giữa mùa thu hoạch. Đây là một chuyến đi thư giãn và để lại nhiều kỷ niệm với tôi”.
Nhiều gia đình trẻ cũng lựa chọn đưa con nhỏ về vùng vải cuối tuần, vừa tránh nắng đô thị, vừa để các bé được tìm hiểu thêm về cây trái quê hương và đời sống nhà nông. Các hoạt động như hái vải, bắt cá, chơi trò chơi dân gian… được trẻ em đặc biệt yêu thích.
Hướng phát triển xanh và bền vững
Không chỉ có khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn, huyện Thanh Hà đang từng bước mở rộng mô hình du lịch nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững. Chính quyền địa phương khuyến khích người dân phát triển mô hình kết hợp giữa vườn cây ăn quả và homestay, đồng thời xây dựng các hợp tác xã kết nối sản phẩm nông sản với dịch vụ và văn hóa bản địa. Một số điểm đến mới như vùng vải hữu cơ xã Cẩm Chế, tuyến du lịch đường sông Hương cũng đang được đưa vào khai thác, kết nối với các tour trải nghiệm từ Hải Dương, Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Anh Nguyễn Văn Lập, một trong những hộ dân tiên phong chuyển đổi sang mô hình phát triển du lịch ở thôn Đồng Mẩn chia sẻ: “Ban đầu, chúng tôi còn khá bỡ ngỡ với mô hình làm du lịch. Nhưng nhờ chính quyền xã tổ chức tập huấn và hỗ trợ nên bà con dần mạnh dạn hơn. Người trẻ thì phụ trách quảng bá, truyền thông, người lớn tuổi thì chăm sóc vườn và nấu ăn phục vụ khách. Làm du lịch theo mô hình mới giúp chúng tôi có thêm thu nhập và giới thiệu vải thiều của quê hương đến với mọi người”.
Đại diện UBND huyện Thanh Hà cho biết: “Chúng tôi xác định du lịch nông nghiệp là hướng đi chiến lược, vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản theo hướng bền vững, vừa nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời đây cũng là cơ hội để quảng bá thương hiệu vải thiều Thanh Hà ra thị trường trong và ngoài nước. Việc hình thành các điểm đến như Đồng Mẩn là bước đi ban đầu để biến tài nguyên nông nghiệp thành nguồn lực phát triển du lịch”.
Sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền và sự hưởng ứng tích cực từ người dân, cùng với lợi thế về đặc sản và cảnh quan sẵn có, đang mở ra cơ hội để Thanh Hà vươn lên trở thành điểm đến du lịch nông thôn tiêu biểu ở miền Bắc. Từ vùng chuyên canh nông nghiệp truyền thống, khu vực này đang từng bước phát triển du lịch. Người nông dân không chỉ canh tác mà còn tham gia làm dịch vụ, trở thành những “người làm du lịch” ngay trên chính mảnh đất của mình.