Tiếp nối và phát huy tinh hoa truyền thống trong nghệ thuật Thư pháp
(Sóng trẻ) - Nghệ thuật thư pháp đặc biệt là thư pháp Hán Nôm đã có thời gian bị lãng quên. Tuy nhiên, những người yêu thư pháp vẫn đã và đang âm thầm bảo tồn nó như một nỗ lực nhỏ để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Nằm ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Nhân Mỹ học đường là cơ sở đào tạo thư pháp Hán Nôm miễn phí, vừa là nơi giao lưu, trao đổi về nghệ thuật thư pháp.
Thư pháp ban đầu không phải là nghệ thuật, đơn giản chỉ là viết chữ, công cụ để giao tiếp và ghi lại thông tin. “Pháp” là phép, “thư” là chữ, thư pháp là cách viết chữ. Tuy nhiên, sau khi chúng ta viết đúng cách, sau đó trình bày tác phẩm phát triển để tượng trưng, treo để làm đẹp, người viết thư pháp tập trung vào đường nét, sự cân đối và sự biểu đạt tính cách qua từng nét chữ thì khi đó nó trở thành nghệ thuật độc đáo, gọi là nghệ thuật thư pháp.
Từ lúc thành lập đến nay đã gần 20 năm, Nhân Mỹ học đường vẫn duy trì được các lớp Hán Nôm và Thư pháp, thu hút nhiều lứa tuổi học viên tham gia, tạo sân chơi cho những người có niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật này. Đặc biệt, những năm gần đây rất nhiều bạn trẻ có xu hướng tìm lại về những giá trị truyền thống ngày xưa của cha ông từ nhiều khía cạnh như văn hoá, đời sống, bao gồm cả bộ môn thư pháp.
Thầy Lê Đình Sơn - Giảng sư thư pháp tại Nhân Mỹ học đường cho biết: “Mục đích đầu tiên là nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống của nghệ thuật thư pháp. Bởi vì thư pháp chữ Hán nói riêng hay văn hóa về truyền thống nói chung nó có một thời gian tồn tại ở dân tộc Việt Nam từ rất là lâu rồi. Nhưng mà đến sau này khi chữ Quốc ngữ tuồn vào và dần thay thế chữ Hán, chữ Hán dần mất đi vai trò của mình và sau này khi giáo dục quốc dân, giáo dục chữ Quốc ngữ không phải là chữ Hán cũng như là văn hóa Hán thì về cơ bản là nó bị đứt mạch về văn hóa. Bây giờ cũng gần như rất ít người vỗ về những giá trị trước đây. Thế thì để cho dòng văn hóa của cha ông ta không bị đứt, Nhân Mỹ học đường chính là nơi dám vươn mình ra để gánh vác trọng trách lớn đấy.”
Thư pháp là bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ từ người viết và hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ mà nó biểu đạt. Nói về thư pháp chữ Hán, đầu tiên muốn viết được thì người viết phải có nền tảng tri thức chữ Hán trước, về văn tự học chữ Hán, về các tri thức văn hoá, bối cảnh theo chữ Hán đấy.
Lê Thị Thúy Hậu, 25 tuổi, học viên của Nhân Mỹ học đường chia sẻ: “Bây giờ nhìn lại quá trình học của mình, thời điểm mà mình mới viết chữ, mình mới cầm bút, mình thấy mình thay đổi rất nhiều. Mình nhận được những giá trị trong viết chữ cũng như trong cuộc sống, mình nhận thấy rằng mình phải kiên nhẫn, kiên nhẫn với chính mình, kiên nhẫn với những con chữ của mình. Bên cạnh đó, phải trau dồi nhiều hơn và phải tìm hiểu nhiều hơn nữa, điều đó cũng rèn chính cái khí chất, cái tinh thần của mình, phải nhẫn nại, từ tốn và sâu sắc để có những hiểu biết sâu sắc hơn”.
Không chỉ đào tạo chữ Hán và thư pháp theo cách thông thường, chỉ biết viết, biết đọc, các thầy ở đây đã truyền dạy rất nhiều những tư tưởng văn hoá của cha ông ngày trước để học viên hiểu sâu sắc hơn về đời sống tri thức ngày xưa, ông cha ta đã học tập, viết chữ như thế nào, các kì thi khoa cử tổ chức ra sao và thông qua việc dạy chữ Hán thì học viên có thể tiếp cận rõ hơn với những văn bản cổ tạo sự hiểu biết nhiều hơn về lịch sử, đời sống văn hoá Việt Nam thời kỳ trước.
“Lớp mình buổi sáng học thư pháp, buổi chiều học Hán văn thì có học kinh điển Nho gia, để tiếp cận được những tư tưởng của Nho giáo. Ngoài ra, còn học những học vấn khác ví dụ như Hán văn Lý, Trần. Mình được tiếp xúc với những thơ văn đời Lý, Trần của các ông cha ta để lại, điều đó giúp mình hiểu hơn về lịch sử giai đoạn đấy ra sao, bởi vì văn chương phản ánh lịch sử văn hoá mà. Mình cũng trau dồi thêm được rất nhiều kiến thức”, Thúy Hậu chia sẻ thêm.
Nói về những khó khăn trong quá trình dạy thư pháp, giảng sư Bùi Quang Tuấn - Nhân Mỹ học đường cho hay: “Cái khó khăn ở Nhân Mỹ học đường chính là học viên có nhiều lứa tuổi, tầng lớp, nam, nữ, già, trẻ nên không thể có một phương án chung cho tất cả. Chính vì thế thì người dạy gọi dạy chung nhưng thật ra là dạy riêng, phải biết được học trò mình có những cái riêng để dạy”.
Mỗi buổi học không chỉ là sự truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để kết nối với quá khứ, với những giá trị truyền thống mà nghệ thuật thư pháp đại diện. Những người dạy thư pháp ở Nhân Mỹ học đường cùng các học viên vẫn đang từng ngày bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống đó, là cầu nối mang những giá trị nghệ thuật của ông cha ta đến với nhiều người hơn.