Tình hình dịch COVID-19 thế giới ngày 24/6: Mỹ chuyển 3 triệu liều vắc xin cho Brazil
(Sóng trẻ) – Theo số liệu trên trang Worldometer, tính đến 20h00 ngày 24/6, toàn thế giới có 180.458.293 ca dương tính với COVID-19, trong đó gồm 3.909.477 trường hợp tử vong, 165.167.171 ca hồi phục.
Mỹ chuyển 3 triệu liều vắc xin cho Brazil
Ngày 23/6, một quan chức Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ chuyển 3 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Johnson & Johnson cho Brazil, nước hiện đang có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao thứ hai thế giới.
Tại Washington, vị quan chức trên cho hay, đây là một phần trong cam kết của Washington tài trợ 80 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho các nước thế giới.
Hiện tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Brazil đang diễn biến phức tạp với hơn 18 triệu người nhiễm và hơn 500.000 người đã tử vong. Dịch bệnh cũng là nguyên nhân gây chia rẽ sâu sắc dư luận nước này trước cuộc bầu cử Tổng thống tại nước này vào năm 2022.
Cùng ngày, Mexico thông báo sẽ tài trợ 400.000 liều vắc xin phòng COVID-19 cho các nước thuộc Tam giác Bắc Trung Mỹ gồm Guatemala, Honduras và El Salvador. Bộ Ngoại giao Mexico cho biết, số vắc xin trên sẽ được chuyến bằng máy bay quân sự, trong đó Guatemala và Honduras mỗi nước sẽ nhận 150.000 liều, trong khi El Salvador được nhận 100.800 liều.
Theo thống kê, hiện mới chỉ có 3,8% dân số Guatemala được tiêm ít nhất một mũi vắc xin, trong khi tỷ lệ này tại Honduras và El Salvador lần lượt là 4,9% và 22,3%.
Diễn biến dịch COVID-19 tại Nga phức tạp
Ngày 24/6, Nga thông báo ghi nhận thêm 20.182 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất theo ngày kể từ ngày 24/1.
Cũng trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 568 ca tử vong, trong đó Moskva và St Petersburg có số ca tử vong cao nhất trong 1 ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Theo nhà chức trách, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự xuất hiện của biến thể Delta, được cho là có tỷ lệ lây lan nhanh hơn và tỷ lệ người dân tiêm chủng còn thấp.
Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho biết biến thể Delta chiếm hơn 90% số ca nhiễm mới ở thành phố này.
Nhật Bản nới lỏng quy định cách ly cho du khách châu Âu và Trung Đông
Ngày 24/6, Nhật Bản bắt đầu nới lỏng các quy định cách ly đối với những người đến từ một số nước châu Âu, khu vực Trung Đông và 6 bang của Mỹ.
Cụ thể, những người đến từ Cộng hòa Séc, Hungary, Liban và 6 bang của Mỹ gồm Connecticut, Iowa, Michigan, New York, Rhode Island và Tennessee sẽ không phải cách ly ở các cơ sở do Chính phủ Nhật Bản chỉ định sau khi nhập cảnh.
Theo Japan Times, trước đó, những người đến từ các quốc gia và khu vực trên phải cách ly ở các cơ sở do Chính phủ Nhật Bản chỉ định trong vòng 3 ngày và phải trải qua xét nghiệm vào ngày cuối cùng ở cơ sở cách ly.
Với những thay đổi về quy định cách ly, những người đến từ các quốc gia và khu vực trên có thể tự cách ly ở nhà hoặc các cơ sở khác do họ lựa chọn trong vòng 14 ngày. Tuy nhiên, họ vẫn cần phải báo cáo về tình hình sức khỏe và nơi ở hằng ngày.
Kể từ ngày 24/6, các du khách đến từ những quốc gia và khu vực này sẽ được yêu cầu cách ly ở cơ sở chỉ định do chính phủ trong vòng 3 ngày và 11 ngày còn lại ở nhà, đồng thời tiến hành hai lần xét nghiệm sau khi nhập cảnh vào Nhật Bản.
Các quốc gia và khu vực này gồm: Nam Phi, Estonia, Kyrgyzstan, Peru, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), bang Arkansas của Mỹ và bang Parana của Brazil.
Số ca nhiễm mới ở Indonesia tăng mạnh
Hiện Indonesia là nước có số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, với 2.053.995 ca nhiễm, trong đó có 55.949 ca không qua khỏi.
Cũng trong ngày 24/6, Philippines ghi nhận thêm 6.043 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.378.260 ca.
Trong khi đó, số ca tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này cũng vượt mốc 24.000 lên 24.036 ca, sau khi ghi nhận thêm 108 ca tử vong.
Hiện Philippines đã tiêm được 8,4 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19, chủ yếu cho các nhân viên y tế tuyến đầu, người già và những người có bệnh lý nền.
Nguồn: Tổng hợp