Tình hình dịch COVID-19 thế giới ngày 25/6: Malaysia phát hiện thêm các biến thể mới
(Sóng trẻ) – Theo số liệu trên trang Worldometer, tính đến 20h00 ngày 25/6/2021, toàn thế giới có 180.867.241 ca dương tính với COVID-19, trong đó gồm 3.918.236 trường hợp tử vong, 165.504.674 ca hồi phục.
Israel tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang
Chỉ sau 10 ngày gỡ bỏ, ngày 25/6, Bộ Y tế Israel tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng có không gian kín sau khi nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng vọt trong vài ngày qua.
Israel là một trong những quốc gia hiện có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 tính trên đầu người cao nhất thế giới.
Bộ Y tế Israel kêu gọi người dân nước này đeo khẩu trang tại các khu vực ngoài trời tập trung đông người, cụ thể là tại lễ diễu hành thu hút hàng nghìn người tham gia dự kiến diễn ra vào cuối tuần này.
Fiji bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai
Ngày 25/, Fiji ghi nhận dịch COVID-19 đang lây lan rộng trong cộng đồng ở nước này.
Bộ trưởng Y tế thường trực của Fiji, ông James Fong cho biết, có 308 ca nhiễm mới ở nước này trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm trong làn sóng dịch thứ hai bùng phát từ đầu tháng 4 vừa qua lên gần 2.800 ca.
Tuy nhiên, nhà chức trách Fiji vẫn chưa áp đặt phong tỏa toàn quốc, nhấn mạnh rằng ý thức tuân thủ các quy định phòng dịch của người dân kém, khiến biện pháp phong tỏa không có tác dụng.
Khi số ca tiếp tục tăng cao, gấp đôi chỉ sau 9 ngày, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Sức khỏe của chính phủ, bà Aalisha Sahukhan thừa nhận: “Các bằng chứng cho thấy dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng," đồng thời cảnh báo "số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng và sẽ có nhiều ca nặng, cũng như ca tử vong.”
Bà Sahukhan kêu gọi cần chuẩn bị cho kịch bản các bệnh viện sẽ rơi vào tình trạng quá tải.
Chiến lược của Fiji hiện nay là áp đặt phong tỏa từng địa phương để hạn chế dịch, trong khi đẩy mạnh tiêm phòng toàn dân. Tuy nhiên, hiện chỉ 1% dân số Fiji được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Hội Chữ thập Đỏ lý giải tỷ lệ thấp này là do thông tin sai lệch về tiêm phòng lan truyền trên mạng xã hội.
Tổng thống Joiji Konrote kêu gọi người dân Fiji đi tiêm phòng, khẳng định: “Đây là một trong những hy vọng kiểm soát được sự lây lan của virus.”
Malaysia phát hiện thêm các biến thể mới
Trong một tuyên bố tại buổi giao ban về tình hình COVID-19 hàng ngày, Tổng giám đốc y tế Malaysia, Tiến sỹ Noor Hisham Abdullah cho biết VOC đã được phát hiện trong khoảng thời gian từ ngày 20-22/6.
Theo đó, 5 VOC là biến thể Beta (B.1.351) và 1 VOC khác là biến thể Delta (B.1.617.2).
Theo ông Hisham, sự xuất hiện của 6 VOC đã nâng tổng số biến thể đáng quan tâm (VOI) lên 189.
Cụ thể, có 173 trường hợp là VOC và 16 trường hợp là VOI. Cả VOC và VOI đều có khả năng lây lan nhanh hơn, với nguy cơ tử vong cao hơn.
Tại buổi giao ban, Tiến sỹ Noor Hisham nhấn mạnh rằng, việc thực hiện nghiêm ngặt chính sách kiểm dịch đối với du khách nhập cảnh đến Malaysia là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 từ nước ngoài.
Số bệnh nhân tử vong tại Campuchia vượt ngưỡng 500 ca
Tại Phnom Penh, số ca tử vong vì COVID-19 tại Campuchia tiếp tục tăng nhanh và vượt ngưỡng 500 ca kể từ đợt bùng phát dịch lần thứ ba sau “sự cố cộng đồng ngày 20/2”. Trước sự kiện này Campuchia không có ca tử vong vì COVID-19.
Ngày 25/6, Bộ Y tế Campuchia xác nhận, trong 24 giờ qua có thêm 16 ca bệnh không qua khỏi, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại đây lên 509 ca.
Như vậy, tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 46.065 ca mắc COVID-19, trong đó 40.769 người đã khỏi bệnh.
Trong nỗ lực đẩy mạnh tiêm phòng để giảm lây nhiễm và tử vong vì COVID-19, Bộ Y tế Campuchia công bố số liệu cho thấy tính đến ngày 24/6, nước này đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho 3.715.751 người từ 18 tuổi trở lên, tương đương 37,16% trong tổng số 10 triệu người cần được tiêm phòng để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Phát ngôn viên Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cho biết, số người được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại nước này có thể đạt mức 4 triệu người trong một tuần nữa, sớm hơn mục tiêu của chính phủ đề ra.
Vắc xin này có thể giúp làm giảm biến chứng nghiêm trọng, cũng như làm giảm khả năng phải nhập viện và giảm nguy cơ tử vong do dịch COVID-19.
Nguồn: Tổng hợp