Tô Lịch tương lai về đâu - Kỳ 1: Dòng sông lịch sử, huyết mạch kinh thành Thăng Long
(Sóng trẻ) - Tô Lịch là một con sông nổi tiếng của Hà Nội. Nổi tiếng vì ô nhiễm, vì những bí ẩn “thánh vật”. Nhưng sông Tô Lịch bắt nguồn từ đâu, lịch sử ra sao thì ít ai biết đến.
Là một con sông nhỏ, một phân lưu của sông Hồng thông thủy với Hồ Tây thơ mộng trữ tình, từ trước thế kỷ XI, sông Tô có hai cửa – phía Bắc hồ Tây và Hương Bài chợ Gạo (sau đổi thành Hà Khẩu). Dẫu cho ngày nay diện tích sông tuy đã eo hẹp hơn chính thể ban đầu song với người dân Thủ đô, Tô Lịch vẫn là nhân chứng sống, là huyết mạch tạc tựa ký ức lịch sử nơi phố thị, là con sông đẹp và thơ mộng bậc nhất chảy giữa kinh thành Thăng Long.
Trong các tài liệu lịch sử đều khẳng định rằng Tô Lịch là một tuyến đường sông quan trọng, có giá trị lớn về mặt giao thông đường thủy và là ranh giới tự nhiên của kinh thành Thăng Long với các khu vực khác. Sông Tô có tuyến chảy quanh co đặc biệt, cửa sông bắt đầu từ phố Chợ Gạo thông ra sông Hồng, chảy qua các phố Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch, rồi rẽ vào Hàng Cá, quặt ra Hàng Lược.
Đi hết Hàng Lược, dòng sông vòng theo hướng Phan Đình Phùng rẽ Thụy Khuê rồi rẽ xuống đoạn sông Tô Lịch hiện thời, từ phố Nguyễn Đình Hoàn giáp với đường Hoàng Quốc Việt. Dòng chảy chính thông suốt các tuyến phố huyết mạch bởi lẽ vậy như điều hẳn nhiên, Tô Lịch còn được nhắc tới là đường bao của kinh đô Thăng Long xưa, là một cạnh của tứ giác nước ta bấy giờ, mang lại giá trị lớn về thông thương và nhiều tiềm năng khác.
Trải qua các giai đoạn, dòng sông mang nhiều tên gọi khác nhau: Lai Tô, Hương Bìa, Địa Bảo… song với người dân Hà Thành, dòng sông vẫn thân thương với tên gọi “Tô Lịch”. Theo sử sách Việt thì Tô Lịch – là tên gọi của một vị thủ lĩnh làng – người có nhiều công với dân làng nên khi ông mất, làng Hà Nội gốc được mang tên ông, rồi được phong tước Long Đỗ Thần hay Tô Lịch Giang Thần.
Đến mùa nước lũ, nước trong đồng đổ dồn vào Sông Tô thường cao hơn nước Sông Hồng nên khi dòng nước Sông Tô chảy vào Sông Hồng kẻ địch đô hộ không biết liền gọi sông là “nghịch thủy”. Chúng đã tổ chức lễ tế Tô Lịch Giang Thần ở Đền Bạch Mã và phong ông là “Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân”.
Dưới thời Lý - Trần, một ngôi chợ được hình thành ngay gần Cửa phía Đông thành (ở phía xa bản đồ). Phía trước mặt là đền Bạch Mã. Bên phải là sông Tô Lịch và cây cầu Đông bắc ngang nơi hiện nay là phố Hàng Đường. Ngay từ thế kỷ 11, 4 ngôi chợ lớn đã họp theo phiên ở các cửa ô kinh thành để cung cấp các loại sản phẩm cho triều đình. Các thương nhân đến từ các làng xung quanh Hà Nội. Chợ quan trọng nhất trong số 4 chợ này là chợ Cửa Đông (sau này là khu phố buôn bán) và những thương nhân của chợ này dần dần đều đến định cư ở đây.
Người tiền sử đã tìm đến, chọn chỗ đó làm đất định cư, xây làng, lập chợ, Làng Long Đỗ cũng chính là ngôi làng đầu tiên của đất Thăng Long trong lịch sử và Hà Nội ngày nay được xưng là Long Đỗ Hương. Người đứng đầu của ngôi làng đó, ấy là một người họ Tô tên Lịch.
Sử cũ viết về thời đầu Công Nguyên có chép rõ: "Đây là người đứng đầu Long Đỗ Hương. Có lòng nhân ái, không những cai quản tốt mà gặp lúc đói kém, Tô Lịch đã xuất của trong nhà ra giúp cho nạn dân. Vì thế rất được tin phục. Đến khi chết thì được tôn làm thành hoàng." Và lấy tên ông đặt tên cho dòng nước uốn quanh Long Đỗ Hương.
Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Bởi chỉ có Đại La với trung tâm là điểm Rốn Rồng đó mới có sông Tô để làm hào sâu vừa để phòng ngự vừa để che chở. Và thực tế sông Tô suốt nghìn năm qua luôn là một hào nước lớn của thành Đại La - Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội có nhiệm vụ phòng ngự cho kinh thành.
Vào thời Nguyễn, Tô Lịch vẫn là một dòng sông quan trọng, dù khi đó sông Hồng chuyển dòng sang phía tả ngạn, cửa sông Tô Lịch bị bồi tụ, nước sông Hồng không vào được và dần dần Tô Lịch mất đi vị thế của mình.Bản đồ Hà Nội cuối thế kỷ 19 trong Đồng Khánh Địa Dư Chí cũng thể hiện sông Tô Lịch còn vẹn nguyên và ôm trọn, cùng với sông Cái (sông Hồng) tạo thành 3 mặt bảo vệ thành Thăng Long.
Tới cuối thế kỷ 19, dòng sông Tô Lịch cũng là nhân chứng cho việc người Pháp hai lần chiếm đánh thành Hà Nội. Tất cả những lần chiếm Hà Nội của người Pháp đều phải dùng thuyền chiến có trang bị các loại pháo hạm tầm xa di chuyển từ cửa biển ngược dòng sông Hồng rồi vào sông Tô Lịch mà nã pháo, chiếm thành. Cổng thành Cửa Bắc ngày này nằm trên phố Phan Đình Phùng. Con đường đó có được là bởi người Pháp sau khi chiếm Hà Nội đã cho lấp đoạn sông Tô chảy qua.
Phố thị cần có đường ống thoát nước từ trong nội thành ra ngoài chợ Bưởi, do đó phải lấp sông Tô. Dưới bàn tay thực dân Pháp bấy giờ, Tô Lịch trở thành phố phường sầm uất, trên bến dưới thuyền thông thương hàng hóa. Không còn khung cảnh thanh bình yên ả nơi cố đô mà thay vào đó là sự tấp nập, đông đúc.
Năm 1889, khúc sông gần Hàng Chiếu bị lấp để xây chợ Đồng Xuân. Từ khu chợ, thực dân Pháp cho đặt nguồn cống ngầm kéo dài tới tận trường Chu Văn An, đây cũng được biết đến là tuyến cống thoát nước đầu tiên ở Hà Nội.
Tới năm 1958, nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên phía tây nam Hà Nội. Sự phát triển của công nghiệp nhưng không đi kèm các biện pháp xử lý chất thải đã tiếp tay để sông Tô chết dần chết mòn bởi những cơ sở này đã xả thẳng nước thải ra dòng sông.
Chẳng những vậy, ở những vùng ven đô, đầu nguồn sông, người dân sinh sống nơi đây cũng xả thải trực tiếp dẫu cho mức độ ô nhiễm khi đó chưa nhìn thấy rõ rệt nhưng chắc chắn nó vẫn là “con sâu làm rầu nồi canh” tích tụ hàng ngày hàng giờ.
Trong kí ức của người dân Hà Thành, Tô Lịch là một dòng sông trong vắt, thơ mộng, là nơi vui chơi, nô đùa của đám trẻ, là nơi nhiều hộ gia đình nuôi cá nuôi tôm chắt bóp, dành dụm cái ăn qua ngày. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, trải qua 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính tại Thủ đô, diện tích tăng lên 22 lần và dân số tăng gấp 14 lần, dân tăng sức ép đô thị lên khiến hệ thống thoát nước cũng tăng theo cấp số nhân.
Theo thống kê, sông Tô Lịch bây giờ là hệ thống thoát nước dài 14km, mỗi ngày hứng 150.000 m3 nước thải của các khu dân cư. Sông bắt đầu từ Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy xuyên các tuyến nội thành rồi đổ ra sông Nhuệ ở làng Hữu Từ (Thanh Trì).
Không còn là “Tô Lịch nước chảy quanh co, Cầu Đông sương sớm Quán Giò trăng khuya”, trong tâm trí người dân thành thị bây giờ khi nhắc tới hai từ Tô Lịch chỉ là một danh từ ám chỉ sự hôi thối bốc mùi cần phải tránh.
Quá khứ huy hoàng khi là nhân chứng sống cho những dấu ấn lịch sử hào hùng, hào hoa, ngày nay, Tô Lịch lại là nhân chứng sống trong vấn nạn ô nhiễm môi trường - mặt trái của sự đô thị hóa nhanh chóng. Nhiều năm qua, thành phố Hà Nội loay hoay tìm cách hồi sinh dòng huyết mạch thành thị này dẫu vậy vẫn là bài toán bỏ ngỏ.
Năm 2009, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đề xuất dùng nước sông Hồng pha loãng mức độ ô nhiễm, làm sống lại sông Tô. Cùng với đề án này, Sở còn đề xuất xây dựng 2 trạm xử lý nước thải với công suất 25.000 m3/ngày đêm ở cống Bưởi và 15.000 m3/ngày đêm tại Cống Vị. Dự kiến hai công trình này khởi công vào năm 2010 song tới nay vẫn còn là dự án trên giấy tờ.
Bên cạnh dự án bỏ ngỏ, thành phố đã thực hiện thử nghiệm nhiều phương án để “giải cứu” Tô Lịch, cố gắng cứu vớt lấy huyết mạch nơi thành thị phồn hoa: bờ kè được xây dựng, nạo vét diễn ra thường xuyên, trồng nhiều cây xanh, phượng vĩ bằng lên bên bờ sông nhằm làm dịu bớt sự bức bối của dòng sông.
Dẫu vậy đó chỉ là những tác động đủ để làm dịu bớt cảm quan bên ngoài trước thực trạng thực tế ô nhiễm đáng báo động của dòng sông. Khi nào sông Tô hồi sinh? Khi nào sông Tô trở lại những ngày còn xanh như thuở ban đầu sơ khai? Đây vẫn là những trăn trở lớn, là bài toán hàng ngày hàng giờ cần tìm lời giải đáp.