Toạ đàm “Giới tính không giới hạn”: Đẩy lùi định kiến giới trên báo chí - truyền thông
(Sóng trẻ) - Chiều 27/2, dự án phi lợi nhuận Gender No Limit tổ chức thành công tọa đàm “Thực trạng bình đẳng giới trên báo chí - truyền thông tại Việt Nam” với sự tham gia của các diễn giả có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về bình đẳng giới.
Dự án “Giới tính không giới hạn” nằm trong khuôn khổ dự án "Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam" do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, tổ chức Oxfam điều phối, quản lý, được Viện CISDOMA phối hợp cùng Học viện và Báo chí Tuyên truyền thực hiện. Với mục đích thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ định kiến giới ở Việt Nam, dự án “Gender No Limit” đã nghiên cứu, khảo sát và sàng lọc những định kiến về giới còn tồn tại trên lĩnh vực báo chí - truyền thông.
Buổi tọa đàm “Giới tính không giới hạn” là hoạt động thực tiễn của dự án nhằm cung cấp những kiến thức về bình đẳng giới cho các bạn sinh viên theo học lĩnh vực báo chí - truyền thông nói riêng và các bạn trẻ nói chung. Tham dự buổi tọa đàm có sự xuất hiện của TS. Trương Thúy Hằng - Giảng viên khoa Giới và Phát triển (Học viện Phụ nữ Việt Nam) và ThS. Nguyễn Phương Chi - Giảng viên khoa Giới và Phát triển (Học viện Phụ nữ Việt Nam). Hai diễn giả là những chuyên gia có kiến thức sâu rộng về các vấn đề giới và đa dạng giới.
Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Trương Thuý Hằng cho biết: “So với nam giới, nữ giới xuất hiện khá khiêm tốn trên các phương tiện báo chí, truyền thông với con số vỏn vẹn 20%. Điều này cho thấy định kiến giới vẫn còn tồn tại và chưa được kiểm duyệt chặt chẽ trên báo chí".
Theo khảo sát của Gender No Limit, có đến 31 bài báo có tồn tại các chi tiết bất bình đẳng giới trong 2 tháng thực hiện dự án. Khảo sát trên cho thấy tình trạng định kiến giới trên báo chí - truyền thông tại Việt Nam vẫn là một vấn đề đáng chú ý. Bên cạnh những bài báo tích cực, thúc đẩy bình đẳng giới vẫn còn tồn tại sự kỳ thị và định kiến với cả nam giới và nữ giới. Việc thúc đẩy một phong thái báo chí tích cực, không kỳ thị giới tính và tôn trọng đa dạng giới tính là rất quan trọng để xây dựng một xã hội công bằng.
Tham gia bàn luận tại toạ đàm, ThS. Nguyễn Phương Chi chia sẻ: “Mỗi cá nhân cần chủ động thay đổi nhận thức của bản thân, chuyển biến định kiến thành hành động thông qua các hoạt động nghiên cứu, tham gia toạ đàm hoặc lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong chương trình đào tạo báo chí - truyền thông”.
Tại buổi toạ đàm, các diễn giả đã cùng nhau thảo luận và làm rõ thực trạng bình đẳng giới tại Việt Nam, đặc biệt là thực trạng trên các nền tảng báo chí - truyền thông. Từ đó rút ra những chuyển biến tích cực về giới và bình đẳng giới trên báo chí hiện nay và có những ý kiến trao đổi về vai trò của người trẻ và báo chí - truyền thông trong việc xoá bỏ định kiến giới.
Tham dự toạ đàm, bạn Nam Phương (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Mình ấn tượng với định hướng của hai diễn giả về vai trò của những người làm báo chí - truyền thống trên mặt trận chống bất bình đẳng giới. Đây sẽ là những lời khuyên bổ ích cho mình khi làm nghề trong tương lai”.
Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí sôi nổi với những chia sẻ từ các diễn giả cùng các câu hỏi nhằm nâng cao kiến thức và nhận thức về giới và bình đẳng giới trên báo chí - truyền thông từ các bạn sinh viên.
“Gender No Limit” là dự án phi lợi nhuận, nằm trong khuôn khổ dự án “Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam” do tổ chức Cisdoma phối hợp cùng Học viện và Báo chí Tuyên truyền thực hiện nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ định kiến giới ở Việt Nam.
|