Tọa đàm: "Bảo vệ quyền riêng tư trong tác nghiệp báo chí"

(Sóng trẻ) - Ngày 18/11, Trang tin điện tử Sóng trẻ tổ chức buổi tọa đàm “Bảo vệ quyền riêng tư trong tác nghiệp báo chí” với sự góp mặt của các nhà báo, luật sư dày dặn kinh nghiệm.

Trong bối cảnh truyền thông hiện đại, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội đã làm thay đổi sâu sắc cách tiếp cận và lan tỏa thông tin. Báo chí, với vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin trung thực và khách quan, không thể đứng ngoài cuộc cách mạng số này. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là những thách thức không nhỏ, đặc biệt liên quan đến việc bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân trong quá trình tác nghiệp báo chí.

Buổi tọa đàm với chủ đề "Bảo vệ quyền riêng tư trong tác nghiệp báo chí", không chỉ nhằm nâng cao nhận thức mà còn là cơ hội để nghiên cứu và đưa ra các giải pháp bảo vệ quyền riêng tư một cách hiệu quả, đảm bảo rằng hoạt động báo chí luôn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp và góp phần xây dựng một nền báo chí chuyên nghiệp, minh bạch, và có trách nhiệm.

z6043334357984_6ac6b423cfdb345ff5d668f5cb60fc6c.jpg
Ba vị khách mời chính của chương trình. (Ảnh: BTC)

Để có cái nhìn đa chiều khi tiếp cận với chủ đề "Bảo vệ quyền riêng tư trong tác nghiệp báo chí" từ góc độ pháp luật, góc độ thực tiễn tác nghiệp báo chí, tạo đàm có sự hiện diện của ba vị khách mời: Luật sư Phạm Thị Thu Hà - Nguyên thẩm phán Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội; Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Nông Thôn Ngày Nay (Dân Việt); Nhà báo Nguyễn Hồ Trí - Đài truyền hình Việt Nam.

Đến tham dự buổi tọa đàm, có sự góp mặt của ThS. Trần Thị Phương Lan - Giảng viên Viện Báo chí - Truyền thông; ThS. Phạm Quỳnh Trang - Giảng viên Viện Báo chí - Truyền thông, cùng các giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các bạn sinh viên có mặt trong hội trường, những khán giả đang theo dõi trên trang tin điện tử Sóng trẻ cũng như livestream trên fanpage của Trang tin.

MC: Để bảo vệ được quyền riêng tư trong tác nghiệp báo chí, trước hết chúng ta cần phải biết quyền riêng tư là gì? Luật sư có thể giải đáp thắc mắc này tới các bạn khán giả tại trường quay cũng như khán giả theo dõi livestream trong chương trình ngày hôm nay.

Luật sư Phạm Thị Thu Hà: Theo tôi quyền riêng tư có rất nhiều khái niệm, quyền riêng tư là quyền giữ kín, bất khả xâm phạm về thân thể, hình ảnh, thư tín, điện tử, trừ trường hợp cá nhân chia sẻ hoặc cơ quan có thẩm quyền.

MC: Qua chia sẻ của Luật sư có thể thấy quyền riêng tư rất quan trọng và đã được quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam. Luật sư có thể giải thích cho khán giả biết những điểm chính về bảo vệ quyền riêng tư được quy định trong luật được không ạ? Đặc biệt là quyền riêng tư trong hoạt động báo chí?

Luật sự Phạm Thị Thu Hà: Tôi nghĩ rằng điều này đã được quy định trong hiến pháp từ khi nước Cộng hòa Dân chủ ra đời năm 1945, Hiến pháp 2013 đã quy định quyền riêng tư. Trong tác nghiệp, quyền riêng tư được thể hiện ở các bộ luật dân sự, hình sự, luật báo chí, đó là những chế tài được thể hiện tại điều 149 hình sự 2015, quy định cụ thể nếu xâm phạm quyền tư, tùy theo hình thức sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.

z6044105383441_144dd99ec06cbabde684647f7c20e900.jpg
Luật sư Phạm Thị Thu Hà chia sẻ những quy định của pháp luật về việc bảo vệ quyền riêng tư (Ảnh: BTC)

MC: Vậy nhà báo có thể chia sẻ nguyên tắc của mình khi bảo vệ quyền riêng tư cho nhân vật?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi không biết nhà báo Hồ Trí cảm thấy thế nào, khi tác nghiệp tôi luôn đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật. Nếu tôi được ca ngợi với hình ảnh đẹp nhưng tôi không đẹp thì tôi cũng không cảm thấy vui. Đằng sau những trang viết của bạn là danh dự, thậm chí là sinh mạng chính trị của người khác.

MC: Trong quá trình tác nghiệp, nhà báo thường bảo vệ quyền riêng tư của đối tượng nào? Đối tượng nào được nhà báo quan tâm và ưu tiên bảo vệ nhất? 

Nhà báo Hồ Trí: Khi thực hiện đề tài về những nhóm đối tượng yếu thế thông tin cần phải được thực hiện khéo léo, không ép buộc, và phải tạo ra một môi trường an toàn, thoải mái. Đồng thời, thông điệp về trách nhiệm xã hội và lợi ích cộng đồng là yếu tố quan trọng để giúp họ nhận ra giá trị của việc chia sẻ câu chuyện của mình.

z6043717428638_ffe388f035c7801cbb3a6f341f5ca6b2.jpg
Nhà báo Hồ Trí chia sẻ về quá trình tác nghiệp của bản thân. (Ảnh: BTC)

MC: Thưa luật sư Thu Hà, khi nghiên cứu tài liệu để làm chương trình thì chúng tôi thấy rằng bên cạnh quyền riêng tư thì pháp luật cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác của con người như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Vậy các quyền này có sự xung đột gì với quyền riêng tư? Những tình huống nào thường xảy ra mâu thuẫn giữa quyền được thông tin và quyền riêng tư?

Luật sư Phạm Thị Thu Hà: Mỗi một văn bản pháp luật bộ luật có những quy định chung về phạm vi đối tượng, khi xây dựng luật đã tìm hiểu đề ra những quy định sát với thực tế. Thời điểm xây dựng bộ luật thì những nhà làm luật phải tìm hiểu kỹ và đề ra những quy định rất sát với thực tế đời sống hàng ngày, để bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân. Chỉ có những người áp dụng pháp luật sai thì mới phải chịu những chế tài pháp luật.

MC: Như đã đề cập ở phần mở đầu chương trình, trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Vậy, trong thực tiễn nghề nghiệp của mình, các nhà báo đã giải quyết mối quan hệ này như thế nào để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn bảo vệ được quyền riêng tư của nhân vật?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Nếu việc gì cũng sợ quyền riêng tư thì sẽ không dám viết. Có rất nhiều câu chuyện xảy ra nhưng phải có luật báo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo. Nếu được giao viết về đề tài nhạy cảm như mại dâm thì nên viết như thế nào, bạn không thể trực tiếp đặt câu hỏi cho người hành nghề mại dâm, hoặc khi tiếp cận với người nghiện không thể trực tiếp đến xin họ cho mình tác nghiệp.

Chúng tôi gần đây đã bị một doanh nghiệp kiện vì trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi đưa tin về những trường hợp lao động trẻ tuổi bị lợi dụng khi chưa đủ tuổi. Là nhà báo, nhiệm vụ của chúng tôi là phơi bày những mặt tối của xã hội để cộng đồng có thể nhận thức và hành động. Tuy nhiên, có những người trong những vấn đề nhạy cảm lại yêu cầu chúng tôi xóa thông tin, vì họ lo ngại về quyền riêng tư và sợ bị lộ danh tính. Một số người thậm chí còn nói rằng nếu thông tin bị công khai, họ sẽ tự tử.

Chúng tôi hiểu rằng nếu xóa hết thông tin, chúng tôi sẽ không thể phơi bày được những vấn đề nhức nhối này cho xã hội. Tuy nhiên, nếu không xóa và hậu quả là người ta có thể tự hại mình, chúng tôi lại cảm thấy có lỗi. Vì vậy, chúng tôi buộc phải cân nhắc rất kỹ giữa việc đăng thông tin để vạch trần sự thật, và việc bảo vệ tính mạng, quyền lợi của những người liên quan. Đây là một sự băn khoăn lớn giữa quyền tác nghiệp của nhà báo và quyền riêng tư của những người trong câu chuyện.

z6044101370185_4dafc60a5907dc380b37c1d0a0a20e6f.jpg
Nhà báo Doãn Hoàng chia sẻ những nỗi băn khoăn giữa quyền tác nghiệp của nhà báo và quyền riêng tư của nhân vật. (Ảnh: BTC)

MC: Cái khó của truyền hình so với các loại hình báo chí khác là phải có hình ảnh. Là một người hoạt động trong lĩnh vực báo chí truyền hình, vậy thưa nhà báo Hồ Trí khi ghi hình, ở không gian, khu vực nào nhà báo sẽ xin phép nhân vật và ở khu vực nào ghi hình không cần xin phép?

Nhà báo Hồ Trí: Tùy vào quốc gia và hoàn cảnh tác nghiệp, có những quy định và yêu cầu khác nhau. Khi tôi lần đầu tác nghiệp ở nước ngoài, tôi nhận thấy rằng khi làm việc với phiên dịch viên, nếu họ tỏ thái độ gay gắt và từ chối, dù có đang ăn hay chơi thì cũng phải xin phép trước mới được phép quay. Tuy nhiên, có những hành vi cần phải quay lén, và điều này không phải lúc nào cũng có thể xin phép được.

Ở Việt Nam, tự do báo chí có phần thoáng hơn, đặc biệt là trong việc sử dụng hình ảnh và yếu tố cá nhân. Tuy nhiên, khi quay ở các khu vực công cộng hay khu vực riêng tư, việc xin phép vẫn phụ thuộc vào hoàn cảnh.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Chúng ta có quyền sử dụng flycam riêng và quyết định quay ở đâu, ở những địa điểm công cộng. Tuy nhiên, nếu quay ở một số khu vực đặc thù, như khu vực có bảo vệ hoặc khu vực cần sự đồng ý của quản lý, chúng ta vẫn phải xin phép. Ví dụ, nếu quay buổi sáng tại một địa điểm nào đó, khi nhân vật thoải mái chia sẻ về nét đẹp cuộc sống, đó là câu chuyện đẹp và dễ lan tỏa, nhưng nếu nhân vật phản ứng không thoải mái, ta có thể thay đổi góc máy để quay mà không làm họ cảm thấy bị xâm phạm. Điều quan trọng là quay công khai, không lén lút, và chỉ cần xin phép nếu ở các khu vực yêu cầu. 

MC: Dựa trên góc độ pháp luật, Quan điểm của luật sư về vấn đề này như thế nào?

Luật sự Phạm Thị Thu Hà: Như những gì nhà báo Hoàng đã nói chúng ta nên xem xét không gian và địa điểm ghi hình cụ thể. Căn cứ vào những yếu tố này, bạn sẽ quyết định cách thức thực hiện. Sản phẩm mà bạn làm là của chính mình, bạn sẽ chịu trách nhiệm về chúng.

MC: Thưa nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, có thể thấy trong quá trình gắn bó với nghề, nhà báo đã có rất nhiều những tác phẩm đặc sắc về các vấn đề nóng trong xã hội. Và tôi rất ấn tượng với loạt bài "Hành trình rượt đuổi quỷ ấu dâm".

Vậy Nhà báo có thể chia sẻ về quá trình thực hiện tác phẩm và trong quá trình thực hiện tác phẩm Nhà báo và cộng sự đã gặp phải những khó khăn gì trong việc phơi bày sự thật đến công chúng nhưng vẫn phải đảm bảo quyền riêng tư của các nạn nhân, vì chủ yếu nạn nhân là trẻ em, còn trong độ tuổi vị thành niên?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Cái khó nhất là tất cả đều là vị thành niên, đặc biệt, trong truyền hình ngại nhất là yếu tố trẻ em, đề tài rất nhân văn, để an toàn cho cháu bé không thể không làm, để làm được không thể vi phạm. Chúng tôi đã mời luật sư trực tiếp đi cùng vào Quảng Nam trong thời kỳ Covid, cần rất nhiều giấy tờ và gần như là giam lỏng.

Với vấn đề luật pháp phải báo cáo với cục hình sự thì mới có thể bắt được đối tượng, chúng tôi không thể đến trường, đến nhà vì sẽ nguy hiểm đến cháu bé, chúng tôi phải theo dõi cháu bé và báo với các cơ quan để cứu cháu bé hợp tác tìm ra người đã hãm hiếp cháu. Và cháu chỉ đồng ý nói chuyện với mình tôi, chúng tôi phải làm tư vấn viên với gia đình cùng các cháu đi xét nghiệm HIV. Nếu bắt tội phạm liệu có quy chúng vào tội lây nhiễm cho các cháu hay không thì phải tìm cách chứng minh được.

Dù đã kết hợp với công an nhưng vẫn không tìm ra dấu vết, chúng tôi phải soi camera để tìm ra bằng chứng đối tượng để đi xét nghiệm và đưa đối tượng vào kịch khung. Muốn kịch khung phải thống kê được số lượng nạn nhân, sáu nạn nhân và chúng tôi đã chứng minh được hành vi phạm tội của đối tượng.

z6044130557249_fc5e21a5fa6267377c5d6d2c9b5f0ca0.jpg
Dàn khách mời giao lưu với khán giả tại trường quay. (Ảnh: BTC)

MC: Đối với nhà báo điều tra, các thiết bị ghi hình, ghi âm ẩn là không thể thiếu, nếu không sử dụng thì rất khó để hoàn thành một tác phẩm. Vậy dưới góc độ pháp luật, Luật sư Thu Hà có chia sẻ gì về vấn đề này?

Luật sư Phạm Thị Thu Hà: Về mặt pháp luật, tôi luôn tôn trọng các quy định và rất kính trọng các nhà báo có trách nhiệm trong việc ghi hình, ghi âm. Tuy nhiên, hình ảnh chân thực đôi khi có thể được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt là về cảm xúc. Có những người cho rằng việc ghi lại những cảnh tượng như vậy là tàn nhẫn và ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của người khác. Nhưng nếu nhìn từ một khía cạnh khác, chúng ta sẽ hiểu được giá trị của những hình ảnh này.

Chẳng hạn, vào năm 1972, cô bé 9 tuổi, chạy trốn trong hoạn nạn và bị dính bom. Hình ảnh của cô đã để lại vết sẹo mãi mãi và trở thành một biểu tượng mạnh mẽ của cuộc chiến tranh tàn khốc. Đó là bức ảnh trong bộ phim tài liệu quý giá, ghi lại sự đau thương của cuộc chiến Việt Nam. Khi tôi xem lại những hình ảnh này, tôi không thể không rơi nước mắt. Những hình ảnh như vậy có sức mạnh để chứng minh những hành vi tội ác, để thế giới có thể nhìn thấy sự thật và hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh.

MC: Các nhà báo có những "bài học xương máu" nào hay lời khuyên nào cho những nhà báo trẻ về việc tôn trọng và bảo vệ quyền riêng tư của nhân vật trong quá trình tác nghiệp không?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong công việc, và cũng không ít lần gặp phải sự thù oán vì những tác nghiệp chính đáng của mình. Tuy nhiên, tôi luôn làm đúng theo pháp luật, nên họ không thể kiện tôi. Một lần, có một cô gái làm nghề mại dâm đến xin tôi gỡ bài. Tôi cũng đã đến cơ quan và trình bày sự việc, nhưng khi ban biên tập hỏi thì tôi cũng rất thương cảm, bởi cô ấy là người bị đưa tin, và cô đã bị tuyên án đi tù vì hành vi của mình. Bài báo tôi viết rất chi tiết về cô, nhưng khi biết hoàn cảnh của cô, tôi đã suy nghĩ lại.

Sau khi cô lấy chồng và có con, gia đình cô luôn phải sống trong ám ảnh vì bài báo đó. Cô xin tôi gỡ bài để có thể có một cơ hội sống mới. Dù rất khó khăn, ban biên tập cuối cùng cũng đồng ý gỡ bài. Đôi khi, làm báo không phải lúc nào cũng chỉ chăm chăm vào quyền lợi báo chí. Chúng tôi cũng phải làm việc vì lương tâm, đặt mình vào hoàn cảnh của những người bị đưa tin, để có thể hiểu và hành động một cách công tâm và nhân văn.

Nhà báo Hồ Trí: Một lần, khi phản ánh về một đơn vị lừa đảo trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, họ đưa phụ nữ sang Ả Rập để giúp việc nhà, nhưng lại bị xâm hại. Tôi đã ghi hình tại đơn vị tổ chức xuất khẩu lao động này. Bên này đã liên hệ lãnh đạo yêu cầu không đề cập đến tên và che mờ thông tin của công ty khi lên sóng. Tuy nhiên, tôi đã không làm theo yêu cầu đó vì công chúng có quyền biết được sự thật, đơn vị này xứng đáng bị công kích vì hành vi vi phạm của mình.

z6043341104840_c3e9e721c7678358a1352c235233e35e.jpg
Khán giả đặt câu hỏi cho khách mời. (Ảnh: BTC)

Cảm ơn Luật sư Phạm Thị Thu Hà, Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Nhà báo Hồ Trí đã chia sẻ những trải nghiệm và quan điểm của mình. Những góc nhìn hôm nay sẽ là nguồn cảm hứng cho các bạn sinh viên đang theo đuổi nghề báo. Cảm ơn các bạn khán giả đã theo dõi! Hẹn gặp lại trong các buổi tọa đàm tiếp theo. 

z6043789720888_7ff0acfe8494b85402ad9a541c6c15cd.jpg
Ba vị khách mời giao lưu, chụp ảnh kỷ niệm cùng giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: BTC)

Vì thời lượng có hạn nên các khách mời của chương trình khó có thể trả lời hết câu hỏi của độc giả. Ban biên tập sẽ tổng hợp câu hỏi của quý độc giả và gửi tới các vị khách mời để có thể giải đáp cho quý độc giả vào thời gian tới.

Độc giả có thể đặt câu hỏi cho khách mời qua email songtre[email protected].

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN