Tọa đàm: Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa
(Sóng trẻ) - Buổi tọa đàm được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) vào ngày 7/9, nhân dịp ra mắt tác phẩm cùng tên của Minh Đức Hoài Trinh, Linh Bảo và Băng Thanh. Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả: nhà văn Ngô Thảo, ông Jean Noel Poirier, nguyên Đại sứ Pháp tại Việt Nam và đại diện NXB Hội Nhà văn Việt Nam – nhà văn Đào Bá Đoàn.
“Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa” là tập hợp ba phong cách viết của ba chị em ruột, con gái quan Tổng đốc cuổi cùng của Thừa Thiên Huế - Võ Chuẩn. Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Phê nhận định: “Với Huế, có thể nói đây là một cuốn sách khá đặc biệt. Có lẽ là lần đầu tiên, ba chị em, ba tiểu thư của một gia đình đại quan nổi tiếng ở Huế từ thế kỷ trước, từ ba “phương trời xa”, rất xa Huế (hai trong ba tác giả đã bước sang “thế giới khác” từ vài năm nay rồi), lại in chung một tuyển tập đậm đà phong vị và lịch sử Huế xưa".
“Những câu chuyện này muốn thể hiện lại những giá trị từ ngàn đời xưa với mong muốn nhắn nhủ cho thế hệ sau là phải gìn vàng giữ ngọc, cần phải bảo tồn một truyền thống của từng gia tộc, vì truyền thống đó nằm trong cả nền văn hóa chung của dân tộc chăng?” – Trích trong lời tựa cuốn sách “Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa”
Tại tọa đàm, các diễn giả đã làm rõ nhiều vấn đề liên quan tới cuốn sách “Lời thì thầm của người con gái Huế xưa”. Trong đó, chủ yếu làm nổi bật tình hình đất nước trong giai đoạn Pháp sang xâm lược Việt Nam cũng như Đông Dương; giá trị tác phẩm và quá trình biên tập, xuất bản ra cuốn sách.
Trả lời về lý do chọn lựa “Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa” để biên tập và phát hành, đại diện NXB Văn Học cho biết: “NXB Văn Học là nơi có lượng xuất bản các tác phẩm văn học nhiều nhất, đây cũng là khuynh hướng không đổi của đơn vị. Thứ hai, trong xu hướng chung của ngành xuất bản là cho in ấn các tác phẩm trước năm 1975, NXB Văn Học cũng để ý nhiều hơn tới các sáng tác thuộc thời kỳ này. Hơn nữa, đây là một cuốn sách rất hay, từ bản thảo đã có sự chuẩn chu về nội dung rồi nên gần như chúng tôi không có một chút lăn tăn gì khi cho xuất bản và phát hành tác phẩm này".
Nhà văn Đào Bá Đoàn – đại diện NXB Văn Học chia sẻ câu chuyện “bếp núc” của cuốn sách
Chia sẻ thêm về những nét đặc sắc trong cuốn sách, nhà văn Đào Bá Đoàn cho hay: “Với các bạn trẻ sinh sau những năm 2000, các bạn sẽ ít gặp những tình huống chuyện như nam năm thê bảy thiếp, rồi vợ cả đi hỏi vợ giúp chồng – những tình huống được thể hiện thành trong cuốn sách này… Các câu chuyện dù hư cấu và vấn đề được đề cập là khá nổi bật trong thời kỳ xã hội xưa nhưng khi đọc, ta cảm nhận được giọng văn nhỏ nhẻ, bình tĩnh, dịu dàng của các tác giả".
“Lúc đầu, tác phẩm có tên là “Lời thì thầm của ba người con gái sông Hương”, bản thân tôi thấy đây là một cái tên rất dài… Nhưng sau đó, gia đình tác giả đã bàn bạc và đổi thành “Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa”. Tôi cho rằng đây là một cái tên phù hợp, phù hợp với kết cấu, bố cục, phù hợp với câu chuyện được kể và phù hợp với cả giọng văn như tôi đã nói ở trên", đại diện NXB Văn Học cho biết thêm.
Khẳng định những giá trị mà cuốn sách đem lại, nhà văn Ngô Thảo nhấn mạnh: “Ba người con gái của ba nữ sĩ này mong muốn những tác phẩm của mẹ mình được xuất bản, coi đó là kỷ niệm gia đình. Tuy nhiên, với những biến động thăng trầm của lịch sử trong hơn 100 năm qua thì dù đó là di sản của gia đình, dòng tộc, đó cũng chính là di sản của cả một đất nước. Tác phẩm giúp ta hiểu hơn thân phận của con người Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh và cả nỗi đau, sự thiệt thòi của người phụ nữ trong giai đoạn ấy…”
Nhà văn Ngô Thảo khẳng định giá trị to lớn của cuốn sách và chia sẻ những thông tin về cuộc đời và con người của “ba người con gái Huế xưa”
Trước đó, khán giả đã có cơ hội thưởng thức những tước phim quý giá mà gia đình ba tác giả cung cấp về một thời Việt Nam xưa, những hoạt động, những trò chơi và những nghi lễ có ở thời Pháp thuộc. Bên cạnh đó, lời chia sẻ của vị nguyên đại sứ Pháp - ông Jean Noel Poirier, đã giúp khán giả được hiểu hơn về một khoảng thời gian biến động của lịch sử nước nhà, hiểu hơn về ngài Tổng đốc Võ Chuẩn, một người dù thuộc dòng dõi quan lại nhưng vô cùng yêu nước, có tu tưởng tiến bộ và đã làm được những hoạt động góp phần canh tân đất nước.
Ngài Jean Noel Poirier, nguyên đại sứ Pháp, chia sẻ tại sự kiện
Cuối buổi tọa đàm, các diễn giả trả lời câu hỏi mà những người tham dự đặt ra. Họ bật mí, gia đình các tác giả đang có ý định dịch một phần cuốn sách ra tiếp Pháp và tiếng Anh để chia sẻ rộng rãi hơn câu chuyện trong tác phẩm, như những nguồn tư liệu của một thời đã qua.
Gia đình các tác giả và nhiều bạn trẻ tham dự tọa đàm
Đắc Quang
Cùng chuyên mục
Bình luận