Trải nghiệm Tết Nhật giữa lòng Thủ đô
(Sóng Trẻ) – Đến với Lễ hội Oshougatsu 2017, hàng nghìn bạn trẻ đã được trải nghiệm những trò chơi, hoạt động đa dạng, đặc trưng cho ngày tết truyền thống của xứ sở Mặt trời mọc.
Được tổ chức vào ngày 8/1 tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Lễ hội Oshougatsu là chương trình thường niên, phi lợi nhuận nhằm tái hiện lại không khí ngày tết truyền thống Oshougatsu của Nhật Bản tại Việt Nam. Sự kiện cũng hướng tới mục đích phát triển hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam – Nhật Bản.
Sự kiện thu hút hàng nghìn bạn trẻ Thủ đô
Đến với lễ hội Oshougatsu 2017, khách tham quan đã có cơ hội hòa mình vào một không gian văn hóa sôi động, tươi vui, thông qua những trò chơi, hoạt động mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống.
Đấu sumo
Sumo là môn võ truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản, với các võ sĩ có tầm vóc khổng lồ, nhưng lại nhanh nhẹn tuyệt vời khi bước vào trận đấu. Thực tế, để trở thành một võ sĩ Sumo và được bước lên võ đài, không phải là điều đơn giản. Người nhập môn phải hội đủ các điều kiện về sức khoẻ, trọng lượng và chiều cao, tiếp đó là phải khổ công tập luyện.
Ở Lễ hội Oshougatsu 2017, các “võ sĩ” không cần đáp ứng những đòi hỏi khắt khe đó. Những trận đấu được tái hiện với nhiều nét cách điệu sáng tạo, đã đem lại trải nghiệm “mướt mồ hôi” cho người chơi, và cả tiếng cười cho đám đông khán giả.
Võ sĩ Sumo thực sự với những đòi hỏi khắt khe
Với một bộ sumo nặng tới 10kg…“võ sĩ còi” cũng có thể nhập cuộc
Cung đạo Kyudo
Về hình thức tiến hành, có thể Kyudo như bộ môn bắn cung. Trước đây, Kyudo vốn được sử dụng trong các buổi lễ, thi đấu, săn bắn và chiến tranh. Tuy nhiên, hiện nay, Kyudo chủ yếu được tập luyện với mục đích rèn luyện thể chất và tinh thần.
Người Nhật không coi Kyudo là một môn thể thao mà là cả một nghệ thuật. Người tập cần có sự hòa hợp hoàn hảo của thái độ, sự chuyển động và kĩ thuật. Không phải chỉ cần bắn trúng đích là được mà còn cần cả sự kiên trì hoàn thiện từng động tác, từ đó, tôn lên vẻ đẹp hình thái và tâm hồn của người rèn luyện.
Các bạn trẻ muốn thử sức với Kyudo đều nhận được sự hướng dẫn tận tình của những nghệ nhân đến từ
Nhật Bản.
Kendama
Kendama là một loại đồ chơi bằng gỗ truyền thống ở Nhật Bản, có cấu tạo khá đơn giản. Nó tạo ấn tượng ban đầu về một trò chơi không phức tạp. Nhưng thực chất, kendama có tới hơn 1000 kĩ thuật đi kèm. Điều chỉnh quả bóng đi đúng theo ý của mình là một điều không hề dễ dàng, thậm chí có độ khó cao.
Kendama có cấu tạo đơn giản
Chỉ chiếm một diện tích rất nhỏ trong không gian lễ hội, kendama vẫn góp phần tạo nên bầu không khí sôi động. Thử thách điều khiển quả bóng trên trục gỗ khiến các bạn trẻ háo hức thử sức.
...nhưng cách chơi không hề đơn giản
Vẽ mặt nạ giấy
Làm mặt nạ giấy cũng được xem là một nét văn hóa đặc sắc trong ngày tết của đất nước Mặt trời mọc. Lễ hội Oshougatsu năm nay đem đến cho các bạn trẻ vẽ hình lên mặt nạ. Ban Tổ chức đã chuẩn bị mặt nạ với nhiều hình dạng khác nhau cho khách tham quan thỏa sức lựa chọn và trang trí để có chiếc mặt nạ như ý.
Tuy chỉ đơn giản là việc tô vẽ, hoạt động này cũng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.
Các bạn trẻ ngồi hàng giờ liền, tỉ mỉ hoàn thành chiếc mặt nạ
Bên cạnh những trò chơi truyền thống kể trên, tại không gian lễ hội, các bạn trẻ còn được trải nghiệm nhiều hoạt động đã trở nên quen thuộc, như: diễu hành Yosakoi; làm búp bê cầu mưa, cầu nắng Teri Teri; gấp giấy Origami; mặc thử Yukata; thưởng thức các món ăn Nhật Bản, những điệu nhày Yosakoi sôi động hay chụp ảnh với các Cosplayers.
Chụp ảnh với các Cosplayers
Làm búp bê Teri Teri
Diễu hành Yosakoi
Mặc thử Yukata
và thưởng thức ẩm thực Nhật Bản
Thu Hà - Thanh Thanh
Cùng chuyên mục
Bình luận