“Trầm cảm – chuyện không của riêng ai”
(Sóng Trẻ) - Trầm cảm là một loại rối loạn cảm xúc phổ biến, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người mắc trầm cảm và cả những người xung quanh. Hiểu rõ điều đó, Talk Show “Trầm cảm – Chuyện không của riêng ai” tổ chức ngày 18/01 với mục tiêu xóa bỏ định kiến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về trầm cảm nói riêng cũng như các vấn đề sức khỏe tâm thần nói chung.
Buổi Talk Show nằm trong dự án Mạng lưới Nâng cao Hiểu biết về Sức khỏe Tâm thần Việt Nam (VMHLN) với sự tham gia của PGS. TS. Nguyễn Kim Việt, Nguyên trưởng bộ môn tâm thần, ĐH Y Hà Nội, Nguyên Giám đốc Viện Sức khỏe tâm thần - BV Bạch Mai; TS. Isaac Woods, Học giả Fullbright, tốt nghiệp chương trình Tiến sĩ Tâm lý học Trường học, Đại học Memphis, Hoa Kỳ; MC Phan Anh cùng nhiều nhà chuyên môn trong ngành Tâm lý học.
Các bạn trẻ đăng ký tham gia Talkshow
Buổi nói chuyện hướng tới chủ đề Trầm cảm – một loại rối loạn cảm xúc tưởng chừng như không có gì nghiêm trọng nhưng có thể gây ảnh hưởng tới mọi người, từ mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp.
Bà Đặng Hoàng Minh, Giám đốc dự án phát biểu khai mạc lễ ra mắt “Mạng lưới Nâng cao Hiểu biết về Sức khỏe Tâm thần Việt Nam” (Ảnh: BTC)
Theo những thống kê mới đây của Tổ Chức Y tế Thế giới, số lượng người bị mắc trầm cảm hoặc rối loạn lo âu đã tăng lên gần 50 % (từ năm 1990 đến năm 2013). Trầm cảm gây ra những cản trở rất lớn trong cuộc sống của người mắc trầm cảm và cả những người xung quanh. Vào năm 2012, trầm cảm gây ảnh hưởng đến 350 triệu người trên thế giới (thống kê của Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần Thế giới).
Đối với cá nhân, trầm cảm có thể ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày; làm mất động lực, hứng thú trong công việc; ảnh hưởng các mối quan hệ xã hội và tăng khả năng mắc các bệnh về thể chất… Đối với gia đình, trầm cảm gây áp lực, căng thẳng cho các thành viên trong gia đình; trầm cảm ở mẹ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Không những vậy, trầm cảm còn gây ảnh hưởng tới kinh tế xã hội, là gánh nặng lớn về bệnh tật…
Các khách mời tham gia Talkshow (Ảnh: BTC)
Tại buổi nói chuyện, các khách mời là các chuyên gia đã mang tới những góc nhìn đa chiều về trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần. Tham gia buổi Talk Show, mọi người biết được cách nhận diện các dấu hiệu của trầm cảm, những ảnh hưởng của nó tới người mắc trầm cảm và cách chăm sóc cho bản thân, người thân, bạn bè khi mắc trầm cảm.
PGS. TS. Nguyễn Kim Việt – nguyên Trưởng Bộ môn Tâm thần – ĐH Hà Nội, nguyên Giám đốc Bệnh viện Sức khỏe tinh thần – Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh những hệ lụy của trầm cảm: “Trầm cảm nặng có thể dẫn tới những suy nghĩ tự ti, hành động gây tổn thương cho mình và người khác, nặng nề hơn có thể dẫn tới giết người thân và tự sát. Trầm cảm do stress hay do các bệnh lý cơ thể nên được điều trị sớm, nếu không được chữa trị kịp thời bệnh có thể tái đi tái lại, thời gian mang bệnh sẽ rất dài, không thể tập trung học tập, công tác, hay xây dựng ra đình.”
Những người tham gia sự kiện đã có cơ hội thảo luận, đặt câu hỏi với các khách mời về những hiểu nhầm, định kiến thường gặp về trầm cảm nói riêng và các vấn đề sức khỏe tâm thần nói chung. Bằng những hiểu biết về sức khỏe tâm thần, các khách mời đã chia sẻ cách vượt qua những định kiến, nói chuyện cởi mở hơn về trầm cảm và giúp cho những người trầm cảm không còn cảm thấy bị cô lập và được hỗ trợ kịp thời. Các câu hỏi của người tham gia chủ yếu xoay quanh vấn đề như : “Dấu hiệu nhận biết trầm cảm?”; “Cách để chăm sóc cho người mắc trầm cảm?” hay “Khi bản thân hay bạn bè mắc trầm cảm, chúng ta nên làm gì?”…
Từng nhận thấy bản thân và một số người xung quanh cũng có dấu hiệu trầm cảm, Bạn Nguyễn Thị Thảo – sinh viên Đại học Công Đoàn đã chia sẻ: “Đến với talkshow này, mình muốn hiểu rõ hơn về trầm cảm, nhìn nhận xem bản thân mình liệu có rơi vào trầm cảm hay không. Những trao đổi của các chuyên gia thực sự rất hay và đem lại nhiều thông tin hữu ích. Mình hy vọng là Mạng lưới Nâng cao hiểu biết về Sức khỏe Tâm thần Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, lan rộng hơn để trầm cảm không còn là câu chuyện của riêng ai”.
Mỗi người trong chúng ta, ai cũng có thể có nguy cơ mắc trầm cảm. Nó không tự biến mất nếu không được điều trị đúng cách. Một sô phương pháp điều trị tốt nhất theo lời khuyên của các chuyên gia: trị liệu tâm lý đối với trầm cảm nhẹ hoặc trung bình; đối với trầm cảm nặng thì cần có sự kết hợp điều trị thuốc và liệu pháp tâm lý. Tuy nhiên, trầm cảm ảnh hưởng khác nhau tới mỗi cá nhân nên cần có những phương pháp cụ thể riêng để phù hợp nhất với mình.
Trần Ngà – Phan Loan
Cùng chuyên mục
Bình luận