Trần Đặng Đăng Khoa và hành trình “dịch chuyển” vòng quanh thế giới
(
(Sóng Trẻ) - “Chọn dịch chuyển là chọn cách khám phá bản thân mình” – Lời chia sẻ của chàng trai đi vòng quanh thế giới bằng chiếc xe máy Trần Đặng Đăng Khoa đã thắp lửa cho khát khao đam mê “dịch chuyển”
của các bạn trẻ trên khắp Việt Nam
Ai cũng có kho báu của riêng mình nhưng ít ai dám tỉnh dậy và đi tìm nó như chàng trai chăn cừu Santia trong tác phẩm nổi tiếng “Nhà giả kim” của Paulo Coelho. Nhưng, điều tưởng chừng như không thể đó lại tồn tại và hiện hữu ngay trên những con người bình thường như Trần Đặng Đăng Khoa. Ước mơ “dịch chuyển” của một người trẻ khao khát sống chứ không chỉ đơn giản là tồn tại đã thôi thúc anh đứng dậy đi vòng quanh thế giới với một tâm thế tự do và đầy bình thản trên chiếc xe máy gắn bó với anh từ những ngày còn đi xin việc.
Hành trình vượt qua 33 nghìn cây số trên 3 châu lục, qua 30 nước từ Á, Âu đến Nam Mỹ của Khoa đã mang tới cho chúng ta thông điệp về ước mơ trong cuộc sống: “Khi bạn thực sự mong muốn một điều gì, cả vũ trụ hợp lại giúp bạn đạt được nó” (Paulo Coelho).
“Không phải nói đi là mai đi luôn, hành trình đó phải chuẩn bị trong nhiều năm trời”
Đó là lời chia sẻ rất đỗi chân thành của Khoa khi được mọi người hỏi về chuyến đi “không tưởng” của mình.
Nuôi dưỡng đam mê trong suốt hơn 20 năm, Trần Đặng Đăng Khoa (sinh năm 1987 tại Tiền Giang) đã một mình lên đường chinh phục hành trình “phượt” xuyên lục địa từ ngày 1/6 cách đây một năm với điểm xuất phát là TP.HCM.
Nhưng, hành trình thực hiện hoá ước mơ đâu phải là điều dễ dàng, chàng trai gốc Gò Công đã chuẩn bị kỹ càng trong khoảng 2 năm. Trong khoảng thời gian đó, anh không ngừng mày mò nghiên cứu thông tin về các thủ tục pháp lí, các giấy tờ cần thiết cũng như tranh thủ đọc về cách thức di chuyển, khí hậu, văn hoá tại các điểm đến,… để bản thân không trở nên chênh vênh khi những trở ngại ập đến.
Trần Đặng Đăng Khoa xin visa Mỹ (tại đại sứ quán Mỹ từ thủ đô Bota của Colombia) và dấu visa Canada trên tấm hộ chiếu của mình)
Đặc biệt, để lên giây cót cho ước mơ lớn nhất cuộc đời mình, anh chú ý đến vấn đề tài chính của bản thân và tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ các nhà tài trợ. Một thời gian dài trước khi đi, Khoa làm khá nhiều công việc cùng lúc để vừa có tiền tiết kiệm thực hiện ước mơ, vừa có tiền gửi về cho gia đình.
Mỗi buổi tối sau chuyến đi dài, anh lại thống kê chi tiêu trong ngày theo các mục: tiền ăn uống, tiền xăng, chi phí cho xe và các chi phí khác. Anh kiểm soát “ngân quỹ” rõ ràng theo từng mục. Trong đó, tiền lưu trú tốn 25% tổng chi phí, xăng xe chiếm 9%, bảo dưỡng xe cộ 6%, chí phí khác 40%, tiền ăn uống 20%.
Để thực hiện chuyến đi, anh chỉ xin 3 visa: Ấn Độ, Pakistan và visa Schengen (dành cho những nước thuộc Hiệp định Schengen tại châu Âu). Còn lại, anh xin “cuốn chiếu”, hoặc xin visa online (e-visa) để đảm bảo lộ trình. Đăng Khoa chi biết tuy đi qua 30 nước, nhưng không phải đến nước nào anh cũng cần phải xin visa của quốc gia đó. Trong đó, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á miễn visa cho người Việt.
Giấy tờ cho “người bạn đồng hành” của khoa cũng không hề phức tạp như nhiều người nghĩ. Chỉ cần có bằng lái xe quốc tế và giấy thông hành xe máy quốc tế là có thể đem xe tới nhiều nước mà không gặp phải trở ngại pháp lý.
Có thể nói, Khoa không phải là một “kẻ khờ mơ mộng”, vượt thoát thực tại để đi tìm những điều xa vời, thực hiện ước mơ mà thiếu đi những trang bị cần thiết. Với anh, xách ba lô lên nghĩa là đi với một trái tim nóng và một cái đầu tỉnh táo: “Đi không phải là bỏ hết tất cả lại mà đi đâu, cũng phải cân nhắc xem mình đi thì thu nhập từ đâu, có tiền mới đi được chứ. Rồi cũng phải được sự đồng ý của gia đình mới đi”.
Vượt qua khó khăn
Hành trình “xê dịch” bằng xe máy đi vòng quanh thế giới của Trần Đặng Đăng Khoa chia thành 2 chặng. Khoảng tháng 10/2017, Khoa đã kết thúc chặng đầu tiên với quãng đường dài 20.000 km trong vòng 150 ngày, tiêu thụ 500 lít xăng, 25 chai nhớt, 1 cặp vỏ xe, 23 quốc gia lớn nhỏ từ Việt Nam đến Pháp.
Những bức ảnh “sống ảo” đẹp rụng rời của chàng trai Gò Vấp ở những nơi anh từng đặt chân đến)
Chặng thứ hai, chàng trai đã thực hiện lộ trình từ Pháp sang Bỉ, Hà Lan, Đức, Đan Mạch xong tới cảng Hamburg. Từ ngày 1/1/2018, Khoa bắt đầu hành trình khám phá Nam Mỹ, Trung Mỹ (có thể cả Bắc Mỹ), rồi sang Úc, quay về Đông Nam Á và rồi trở về quê nhà - Việt Nam.
Tròn 1 năm sau ngày lên đường đầu tiên, anh chia sẻ về chuyến đi của mình say mê và tràn đầy cảm hứng: “Năm vừa rồi chắc chắn sẽ là năm thú vị nhất trong cuộc đời vừa hơn 30 tuổi của mình mà mình chắc chắn sẽ không thể nào quên. Sao mà quên được những ngày nắng đổ lửa ở Bắc Ấn, rồi cái ôm chân tình và sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè ở Pakistan, lần ráng chạy hết ga để theo kịp xe cảnh sát hộ tống qua vùng nguy hiểm ở Iran, rồi những ngày lênh đênh trên tàu qua biển Đen, đêm say bí tỉ với những người bạn Bulgaria, mấy phút sửa xe với mấy anh thợ tay mơ ở Georgia làm không được rồi vừa khóc vừa cười, mấy kilomet lết từng mét một để leo qua dãy Alps ở Thụy Sỹ, những đêm chạy xe lạnh thấu xương ở Pháp và Hà Lan, những ngày cô đơn lẻ loi băng ngang sa mạc Atacama ở Chile rồi ngỡ ngàng trước cánh đồng muối ở Uyuni, ngày chạy xe băng ngang con đường tử thần ở Bolivia, đắm chìm trong lễ hội Carnival hay đêm giao thừa ấm tình người với anh chị em người Việt ở Peru, những đêm bị muỗi cắn nát người ở Amazon, rồi vô vàn những ngày lạc lối trong dãy Andes xuyên suốt Nam Mỹ cùng vô vàn trải nghiệm khác không kể xiết. Tất cả là những kỉ niệm đẹp và những trải nghiệm đáng giá khó tìm lại được lần thứ hai”.
Cô bé với nụ cười tươi rói mà Khoa tình cờ gặp ở Salar De Uyuni được anh chia sẻ trên trang cá nhân
Trên chặng đường dài đó, luôn tồn tại những góc khuất Khoa phải đối mặt mà ít người có thể hình dung được. Nài những nguy hiểm rình rập đã kể trên về những miền đất còn nhiều “bất ổn” chính trị, những tò mò và háo hức của ngày đầu dần tan biến để nhường chỗ cho những suy nghĩ, trăn trở khác. Khoa chia sẻ: “Mỗi ngày đều phải cố gắng tìm tòi cái mới và đẹp hơn thì mới còn động lực để đi tiếp”.
“Sáng thức dậy ở một nơi xa” – đó có thể là điều mà anh từng ao ước khi tỉnh dậy và tìm kho báu của đời mình. Nhưng trên hành trình đấy, dù là bất kì ai cũng không thoát khỏi quy luật của sự nhớ nhà. Quay về hay đi tiếp? Trước hàng ngàn áp lực bủa vây, không ít lần Khoa tự hỏi mình điều này và mỗi lần như vậy, anh lại tìm về lí do mình bắt đầu câu chuyện của cuộc đời mình.
Anh tâm niệm: “Nếu không thể thay đổi được ngọn gió thì hãy điều chỉnh cánh buồm để nương theo làn gió, sau lưng là bờ, phía trước cũng là bờ, chỉ là xa hơn mà thôi. Vậy, một khi đã quyết định ra khơi thì cứ cố gắng hoàn thành nốt”.
Sống hết mình với tuổi trẻ
30 tuổi – Khoa quyết định bắt đầu viết câu chuyện đời ở độ tuổi không còn là quá sớm, dù trước đó anh cũng từng thử sức mình với những chuyến đi phượt ngắn ngày, hoặc dài nhất là 1 tháng. Bắt đầu cung đường trong mơ, anh phải từ bỏ công việc văn phòng với mức lương được xem là ổn định. Từ bỏ cuộc sống an nhàn, luôn quẩn quanh với nỗi lo cơm – áo – gạo – tiền để thực hiện chuyến đi “không hẹn ngày về”.
Khoa thẳng thắn: “Thỉnh thoảng, mình bắt gặp những câu hỏi từ họ hàng: Còn trẻ sao không lo tập trung xây dựng sự nghiệp. Đi miết rồi tương lai sau này tính sao. Mình nghe, ậm ừ cười trừ cho qua chuyện. Nói làm sao cho họ - những người chọn cách sống khác mình hiểu bây giờ. Hơn nữa họ còn là thế hệ đi trước, trải qua trăm cuộc bể dâu, thấm đẫm giá trị của đồng tiền”.
Khi được hỏi nếu quay lại vạch xuất phát liệu có thực hiện chuyến đi này không thì Đăng Khoa khẳng định rằng chắc chắn vẫn sẽ đi vì đó là ước mơ của anh và “đây là cơ hội để đối diện với chính mình và khám phá bản thân mình một cách tốt nhất”.
Những cung đường Đăng Khoa đi qua là minh chứng cho việc tuổi trẻ là phải sống hết mình.)
Suốt 1 năm qua, chuyến đi của Khoa được anh đăng tải lên Facebook cá nhân thu hút được hàng trăm lượt theo dõi và bình luận của mọi người. Mỗi bước chân anh đi, mỗi nơi anh đến, mỗi con người anh gặp đều được mọi người thu vào tâm trí và nuôi dưỡng những ước mơ cho riêng mình. Đó không còn là chuyến đi của một mình Trần Đặng Đăng Khoa, nó đã trở thành chuyến đi của triệu người. Nguồn cảm hứng anh thắp lên từ chính tuổi trẻ của mình đã truyền lửa cho trăm tuổi trẻ khác khát khao sống, khát khao thể hiện bản thân mình: “Càng đi nhiều, tôi càng thấy những cảnh sắc đẹp đẽ choáng ngợp chỉ là cơn gió thoảng. Còn tâm hồn và câu chuyện của những con người nơi ấy mới thật sự là những thứ quý giá và đáng nhớ nhất, là những thứ giúp mình hiểu hơn về thế gian và những ngóc ngách sâu thẳm của tâm hồn con người”.
Tôi đã từng đọc qua một đoạn rất hay, có đại ý rằng: Chỉ khi còn trẻ, bạn mới nhìn thế giới một cách trực diện và đầy mê say. Tuổi trẻ cho bạn một đôi chân khỏe mạnh đủ để đi đến những miền xa. Tuổi trẻ thổi bùng trong bạn khát khao chinh phục những cung đường mới. Tuổi trẻ cho phép bạn được dùng tới những phép thử của cuộc đời, sẵn sàng bước đi mà không ngại gian khó. Tuổi trẻ cũng là khoảng thời gian tuyệt vời để say mê, nhìn ngắm, cảm nhận mọi thứ bằng trái tim nhiệt huyết và cái đầu lúc nào cũng tràn trề những lý tưởng về cuộc đời.
Tuổi trẻ của Khoa, anh chọn trải nghiệm, chọn yêu thương, nên anh chọn đi. Trên hành trình rong ruổi từ nước này qua nước khác, anh tâm sự anh cứ thế tìm được yêu thương, tìm được kho báu của đời mình, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: “Mình kiếm được tiền từ việc tham gia các hoạt động vì cộng đồng nơi mình đến, từ việc hợp tác review du lịch với các tổ chức. Dù không nhiều, không dư dả tài sản, nhưng nó đủ để duy trì cuộc sống hàng ngày. Có những lúc khó khăn, thật sự không còn xu dính túi, chán nản muốn quay về nhưng mình nhanh chóng lấy lại tinh thần. Nói không phải mê tín chứ mỗi khi lâm vào đường cùng, chỉ cần không bỏ cuộc, mình lại được giúp đỡ, bằng nhiều cách khác nhau”.
“Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” (Xuân Diệu). Mỗi người chúng ta chỉ có một cuộc đời để ngắm nhìn thế giới. Cũng chỉ có một tuổi trẻ để đi, để trải nghiệm và yêu thương.
Và, Khoa chính là minh chứng rõ nhất của câu trả lời cho câu hỏi bấy lâu: “Tuổi trẻ đi cho lắm vào rồi để làm gì?”.
Chúc cho chàng trai Trần Đặng Đăng Khoa sẽ giữ mãi được nhiệt huyết của tuổi trẻ như bây giờ, sẽ đủ bản lĩnh và tự tin để thực hiện những dự định sắp tới của mình, sẽ luôn “can đảm để sống trọn vẹn với tuổi trẻ” của anh để viết lên những cung đường mới trên “người bạn đồng hành” có một không hai.
Bài viết và Thiết kế: Đặng Linh
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cùng chuyên mục
Bình luận