Đô rê mon và những bài học đi cùng tuổi thơ
(Sóng Trẻ) - 20 năm đã qua, kế từ ngày chú mèo máy bước vào tuổi thơ của mỗi bạn trẻ Việt. Dù đã trải qua một thời gian thật dài nhưng hình tượng Doremon và những người bạn vẫn luôn hiện diện và có giá trị mạnh mẽ trong đời sống giới trẻ hôm nay.
Trong cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 42 năm 2013 với chủ đề: “Em hãy viết một bức thư để nói tại sao nước lại quý”, theo thống kê của ban tổ chức, những bức thư gửi cho Doremon, Doremi, Nobita để mượn bảo bối biến ra nhiều nước sạch cho mọi người dùng chiếm số lượng lớn nhất.
Đôrêmon là một bộ truyện tranh Nhật Bản của tác giả Fujiko Fujio được sáng tác từ năm 1969 dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Bộ truyện kể về một chú mèo máy tên là Doraemon đến từ thế kỉ 22 để giúp một cậu bé lớp 4 hậu đậu tên là Nobi Nobita. Tạp chí TIME Asia đánh giá trong số các "sản phẩm văn hóa" được nước Nhật xuất khẩu ra thế giới thì Doraemon là sản phẩm đáng yêu và giàu tính nhân bản nhất.
Kể từ khi ra đời đến nay, Đôrêmon không chỉ được coi là nhân vật và bộ truyện tranh được yêu thích hàng đầu ở Nhật Bản, nó còn trở thành một biểu tượng văn hóa, hiện diện trong đời sống tinh thần của trẻ em trên toàn thế giới.
Có nhiều lý do để Đôrêmon không chỉ phù hợp với trẻ em Nhật Bản mà còn lôi cuốn được trẻ em ở các nền văn hóa khác, đó là sự hài hước ẩn và những bài học giáo dục ẩn chứa trong mỗi câu chuyện, là những bài học về cuộc sống, là tình yêu với cha mẹ, ông bà, bạn bè và mọi thứ xung quanh. Cách nhìn tương lai với con mắt tích cực cùng những kết thúc có hậu của các cuộc phiêu lưu trong Đôrêmon đã giúp trẻ em có được niềm tin vào tương lai cùng bài học "luôn cố gắng tìm ra lời giải" cho những khó khăn gặp phải trong cuộc sống.
Niềm tin đó xuất phát từ những bài học đạo đức nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc . Đó là những bài học về bảo vệ môi trường, cứu lấy hành tinh xanh hay tình yêu với gia đình… tất cả khiến cho bộ truyện càng giàu tính nhân bản, hiện diện trong đời sống tinh thần của trẻ em như một biểu tượng văn hóa.
Cách đây không lâu, trong cuộc tranh luận xoay quanh câu chuyện về “thần đồng” Đỗ Nhật Nam với câu nói gây tranh cãi: “Truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”, rất nhiều người đã có những bài viết khẳng định truyện tranh như Đô rê mon đi suốt tuổi thơ của họ, qua đó cho thấy Đô rê mon nuôi dưỡng trí tưởng tượng, tâm hồn như thế nào: “One Piece” dạy cho tôi : Biết quý trọng bạn bè trong mọi tình huống , sẵn sàng hi sinh vì bạn bè . “Doraemon” dạy cho tôi biết quý trọng tình bạn và gia đình . “Naruto” dạy cho tôi biết thực hiện ước mơ của mình , làm tất cả vì ước mơ … Nếu được một lần quay lại thời đó, chúng tôi sẽ vẫn như thế, vẫn sẽ dành thời gian cho cái “con sâu đục phá tâm hồn” ấy.
Hơn hết, qua những câu chuyện cười, đôi khi tác giả cũng đặt nhóm bạn của Doraemon vào những chủ đề "nghiêm túc" hơn như bảo vệ môi trường, sự phụ thuộc của con người vào khoa học công nghệ hay mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình, qua đó đưa ra cho độc giả nhỏ tuổi những bài học đạo đức nhẹ nhàng. Những tập truyện dài của Đôremon đều gửi gắm những thông điệp mang tính toàn cầu: cứu lấy hành tinh xanh, robot cũng có trái tim, đừng bao giờ quên cội nguồn…
Sự hiện diện của Đôremon có mặt ở nhiều nơi trong cuộc sống, được chuyển thể thành phim, kịch…, xuất hiện trên đồ đạc hàng ngày, thậm chí còn có bộ tem, nhãn hiệu đồng hồ riêng về Đôremon. Hình tượng chú mèo máy còn được khéo léo lồng vào trong các tiết học ở trường để giáo dục cho trẻ em. Trong cuộc tranh luận gần đây về vai trò của truyện tranh trên một số báo xoay quanh sự kiện thần đồng Đỗ Nhật Nam, nhiều người đã có những bài viết khẳng định những truyện tranh như Đô rê mon đi suốt tuổi thơ của họ, qua đó cho thấy Đô rê mon nuôi dưỡng trí tưởng tượng, tâm hồn như thế nào.
Những câu chuyện về chú mèo máy Đôremon cùng với những bài học nhân sinh vẫn sẽ còn mãi trong tuổi thơ của giới trẻ ngày nay và mãi về sau này. Đó là cơ sở để hình thành nên những bài học giáo dục để phần định hướng nhân cách và giáo dục cho mỗi người về lối sống tốt đẹp, giàu ước mơ, và hơn hết là chung tay góp phần đưa bộ truyện trường tồn mãi với thời gian.
Tạ Thị Hà Trang
Lớp Báo mạng điện từ k30
Lớp Báo mạng điện từ k30
Cùng chuyên mục
Bình luận