Trần Phương Thảo: Cô giáo đa tài đa nghệ cùng niềm đam mê với nghề giáo
(Sóng trẻ) - Cô giáo Trần Phương Thảo hiện đang là giáo viên dạy Toán tại trường THPT Yên Hoà. Dù là một cô giáo trẻ, chỉ với bốn năm tuổi nghề nhưng Trần Phương Thảo lại có một tâm huyết đặc biệt đối với ngành sư phạm.
Cái duyên với nghề giáo
Cô giáo Trần Phương Thảo sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm giáo dục. Tuy gia đình cô mấy đời làm nghề gõ đầu trẻ, nhưng chưa bao giờ họ có ý nghĩ bắt ép cô con gái duy nhất theo nghề của cha mẹ.
Ngay từ thuở bé, cô Thảo đã được gia đình định hướng học những thứ thiên về nghệ thuật như múa ballet hay học violin. Nhưng cô không theo học chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật mà lại quyết định đi theo nghề sư phạm như truyền thống bao đời của gia đình.
Theo quan điểm của cô, dạy học là một nghệ thuật, chính là thứ “nghệ thuật vị nhân sinh”. Cô cho rằng: “Khi mình làm một công việc thật chỉnh chu, thật đẹp, thật tốt đã là một nghệ thuật rồi chứ không nhất thiết phải hoạt động nghệ thuật mới là làm nghệ thuật”. Đối với cô Thảo, trở thành một giáo viên sẽ cho cô có cơ hội vận dụng nhiều thứ mình biết với nhiều đối tượng trẻ tuổi và trẻ lòng.
Cô Thảo đang giảng dạy môn Toán tại một lớp học
Khi biết cô con gái lựa chọn con đường sư phạm, gia đình cô Thảo cũng không ngăn cản. Cô tâm sự: “Lúc ấy ông nại và mẹ tôi có hỏi: “Theo nghề giáo sẽ vất vả đấy, con có chắc không?”, tôi thì là đứa đã quyết làm gì thì làm bằng được nên bảo ngay: “Chắc ạ, nghề nào làm tử tế mà chả vất vả ạ”. Thấy tôi cương quyết thế nên ông nại với mẹ cũng thôi, chỉ nhắc nhở, đã làm thì làm cho tử tế và đàng hoàng.”
Bước ra từ một gia đình có truyền thống sư phạm là thế nhưng cô Thảo vẫn vấp phải một số khó khăn trong quá trình giảng dạy, khi mà tuổi đời lẫn tuổi nghề của cô đều rất trẻ.
Cô chia sẻ, khó khăn lớn nhất là luôn phải tìm cách truyền đạt và tiếp cận vấn đề một cách mới mẻ, gần gũi và gợi được hứng thú cho học sinh, nhưng cũng phải phối hợp với giọng nói, ngôn từ để mình nói sao cho chính xác, có âm điệu, không nói to mà vẫn có sức hút và không bị mệt.
Cô cho biết: “Thực ra thì có nhiều lúc cũng mệt lắm, cảm thấy sắp đuối đến nơi rồi. Thế mà khi bước lên bục giảng lại thấy có tinh thần hẳn, đấy có lẽ cũng là cái được của nghề giáo - đó là luôn có sẵn sáng rất nhiều ổ sạc cứ thế tự nhiên nạp năng lượng lấp đầy những lúc mình trống rỗng cạn kiệt nhất - chính là các bạn học sinh của mình đấy!”.
Người đưa đò trẻ tuổi
Trong 4 năm giảng dạy của mình, với phương pháp dạy thu hút cùng sự cố gắng, nỗ lực của mình, cô Thảo đã được ban giám hiệu trường THPT Yên Hoà phân về làm giáo viên chủ nhiệm của lớp 10A7. Khi nói đến vấn đề này, cô vui vẻ chia sẻ: “Tôi thấy khá hồi hộp vì không biết lứa đầu tiên của mình sẽ thế nào và sẽ làm gì với tụi nhỏ này, nhưng cũng rất háo hức, mong chờ vì cuối cùng cũng có một lớp của riêng mình để chăm chút, tôi là rất trông đợi thành quả đầu tay của mình trong tương lai.”
Cô Thảo đang hướng dẫn học sinh cách làm bài
Cô Thảo cũng tạo một phương pháp dạy học nhất quán, đó là phương pháp tự học. Cô luôn khuyến khích học sinh tự học, để rồi sau đó, học sinh biết được mình còn vướng mắc chỗ nào và phải giải quyết vấn đề đó ra làm sao.
Bạn Nguyễn Thuỳ Dương, học sinh lớp 10A7 rất hào hứng khi nói về cô giáo chủ nhiệm của mình: “Cô Thảo rất quan tâm đến học sinh, nếu bạn nào không hiểu bài, thì cô sẽ ra tận nơi để chỉ bài. Em rất thích học cô, từ đầu năm đến giờ em không đi học thêm, học trên lớp thôi em cũng làm được bài ấy ạ!”
Cô Thảo quan sát học sinh làm bài tập
Bên cạnh đó, cô Thảo còn là người biết nhìn nhận lỗi sai để cải thiện kỹ năng giảng dạy. Cô nhớ mãi một kỷ niệm khi làm nghề của mình. Cô tâm sự rằng, khi đó, cô vừa mới được nhận dạy chính thức, cô chưa quen đứng trên bục giảng nên giảng sai bài. Có học sinh hỏi là sao cô không giải ra giống đáp án trong sách, thì có bạn khác nói ngay: “Vì cô xịn hơn sách”. Chính vì câu nói ấy mà cô Thảo bị áy náy mãi và ngay hôm sau, cô đã lên lớp đính chính về lỗi sai của mình. Cô nói: “Thầy cô cũng có lúc sai, nên nhận để rút kinh nghiệm và có sự chuẩn bị tốt hơn, và đó cũng coi như là làm gương cho học sinh của mình!”.
Đối với phương pháp giảng dạy cũng như cái tâm trong nghề của cô giáo Trần Phương Thảo, thầy Đàm Liên Quân, phó hiệu trưởng trưởng THPT Yên Hoà cho biết: “Cô Thảo là cô giáo có ý thức nghiêm túc, giảng dạy trách nhiệm, chu đáo và được nhiều học sinh quý mến, nhưng cô Thảo cũng là giáo viên trẻ nên cô cần có thêm thời gian tích luỹ kinh nghiệm để nâng cao khả năng giảng dạy của mình”.
Trong tương lai tới, cô Thảo ấp ủ nhiều dự định trong giảng dạy, không chỉ là hoàn thiện tốt việc giảng dạy trên lớp mà cô còn muốn thử dạy một vài tiết Toán – Tiếng anh. Cô mong muốn việc dạy thử này là một cách tiếp cận mới về mặt ngôn ngữ , cách tư duy, trình bày, đặt vấn đề các nội dung Toán học của các nước phát triển.
Huyền Trang
Cùng chuyên mục
Bình luận