Tri thức xuyên biên giới bằng Skype cùng giáo viên xuất sắc toàn cầu
(Sóng trẻ) - Với quan điểm “bất cứ học sinh nào, ở bất kỳ đâu cũng có thể thừa hưởng một nền giáo dục tốt nhất”, cô giáo Hà Ánh Phượng đã tạo nên những lớp học xuyên biên giới cho học sinh nghèo ở cả 4 châu lục.
Trong thời điểm nền giáo dục Việt Nam ngày càng đổi mới và tiến bộ, tôi có cơ hội gặp gỡ và phỏng vấn cô Hà Ánh Phượng – một trong 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu năm 2020. Được nghe cô chia sẻ về những dự án cộng đồng xuyên quốc gia cùng mô hình dạy học “không visa”, tôi càng nể phục trước năng lực và phẩm chất của cô – một nhà giáo luôn nỗ lực bắt kịp xu thế thời đại, hết lòng chèo lái “con thuyền tri thức”.
Với quan điểm “bất cứ học sinh nào, ở bất kỳ đâu cũng có thể thừa hưởng một nền giáo dục tốt nhất”, cô giáo Hà Ánh Phượng đã tạo nên những lớp học xuyên biên giới cho học sinh nghèo ở cả 4 châu lục.
Tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại ưu của Trường Đại học Hà Nội, cô Hà Ánh Phượng được 1 Công ty Dược Pakistan mời về làm Giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, cô giáo người Mường đã từ chối cơ hội này rồi tiếp tục học lên Thạc sĩ ngành Sư phạm Tiếng Anh và trở về quê hương thực hiện ước mơ đứng trên bục giảng.
“Thực sự mà nói, ngay từ bé tôi đã ước mơ trở thành cô giáo rồi chứ không phải sau này lúc học Đại học Hà Nội tôi mới ước mơ như vậy. Tôi nghĩ là, mỗi người có một quan điểm riêng, ở bất cứ một môi trường nào hay bất cứ một công việc nào thì đều sẽ có những cái khó khăn và thách thức của riêng nó. Chưa chắc là các thầy cô hay là bạn bè của tôi ở thành phố hay ở các nước phát triển hơn lại có thể có cuộc sống ít áp lực bởi dù ở đâu cũng có những cái khó khăn và lợi thế riêng. Với tôi, quê hương luôn là chùm khế ngọt nên được làm những cái gì mình thích thì cả đời sẽ không bao giờ phải băn khoăn”. - Cô Phượng chia sẻ.
Sau khi được vinh danh là 1 trong 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu, cô giáo người Mường này đã nhận được vô số lời mời từ các trường chuyên cũng như đề nghị chuyển công tác. Tuy nhiên, theo quan điểm của cô, giáo dục mũi nhọn quan trọng nhưng giáo dục phổ thông lại càng quan trọng. Cô muốn tiếp tục ở đây để dẫn dắt và giúp đỡ các em học sinh chưa có cơ hội vươn mình ra thế giới.
Bên cạnh công việc dạy học thuẩn tuý, cô Hà Ánh Phượng còn là founder của nhiều dự án cộng đồng như: "Say no to plastic straw" (Nói không với ống hút nhựa), "Anti Cyberbullying project" (Phòng chống bạo lực mạng),… Trong đó, điển hình nhất buổi thuyết trình về dự án “Nói không với ống hút nhựa”. Cô giáo người Mường cùng học trò đã mang đến những sản phẩm ống hút tre do chính mình làm ra và tự tin thuyết trình dự án trước đông đảo bạn bè quốc tế với mong muốn lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường. Buổi học đã thành công kết nối và truyền tải thông điệp đến học sinh của hơn 7 quốc gia tời từ 4 châu lục.
Chia sẻ về động lực thôi thúc bản thân đề ra và thực hiện các dự án cộng đồng, Cô giáo Hà Ánh Phượng cho biết: “Bản thân mình nhận thấy rằng, phương pháp dạy học dự án được coi là một trong những phương pháp dạy học kiểu mới và hết sức tiên tiến. Khi mà mình nghiên cứu về phương pháp này, mình cảm thấy rất hay. Nó hay ở chỗ nó có thể phát triển năng lực và phẩm chất của người học, có nghĩa là nó không bó hẹp người học ở trong không gian lớp học và những bài giảng trên sách vở mà nó khiến cho người tham gia dự án có thể phát huy những năng lực, phẩm chất của mình”.
Hành trình dạy học xuyên biên giới bằng ứng dụng Skype của cô giáo tài năng
Cô Phượng nói về lớp học xuyên biên giới của mình: “Theo tâm niệm của mình, anh ngữ là sinh ngữ. Vì thế, khi lần đầu tiên mình biết đến các lớp học xuyên biên giới qua việc tham gia diễn đàn mang tên Diễn đàn Giáo viên sáng tạo Việt Nam của Microsoft thì đây đúng là bước ngoặt của cuộc đời mình. Khi mình vào đó, mình mới biết rằng, Skype không chỉ là một cái nick để nghe gọi mà trên đó nó còn có một diễn đàn giáo viên sáng tạo nữa. Ở diễn đàn này, nó bao gồm các thầy cô ở các trường khác nhau trên thế giới kết nối với nhau. Hơn nữa, Microsoft đã kiểm định rất nghiêm ngặt khâu đầu vào nên không lo vấn đề Tây Balo hay giáo viên không đạt tiêu chuẩn”.
Mô hình “lớp học không visa” từ khi xuất hiện đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc dạy học cũng như tiếp thu kiến thức của học sinh. Sau thời gian áp dụng, cô Phượng nhận thấy, học sinh mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Việt, điểm kỹ năng nghe, nói có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các em có thể chủ động trong việc sử dụng các ứng dụng dạy học hiện đại để tiếp cận tri thức.
Điều khiến cô Phượng thật sự bất ngờ là bên cạnh những ứng dụng do cô hướng dẫn, các em học sinh còn mạnh dạn đề xuất các ứng dụng nhiều tính năng hơn. Khả năng thuyết trình, khả năng làm việc nhóm, làm việc độc lập, kỹ năng giải quyết vấn đề, phát triển tư duy phê phán… Đó là những điều mà cô nhìn thấy rõ ở các em.
Không chỉ dạy học cho những học trò của mình, cô Hà Ánh Phượng còn dạy học miễn phí cho những trẻ em ở khu ổ chuột Ấn Độ Nam Phí, cho đến các lớp học trực tuyến ở California, Mỹ: "Hiện tại mình được công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft khi mình có một nhóm là các thầy cô tiếng Anh ở các quốc gia khác nhau. Chúng mình chia thành những buổi khác nhau để dạy các học sinh ở những vùng khó khăn."
Trong tương lai, cô giáo trẻ người Mường kỳ vọng sẽ phát triển một kênh Youtube chuyên dạy Tiếng Anh miễn phí cho học sinh, đồng thời chia sẻ các hoạt động phát triển chuyên môn cùng các dự án liên quan đến dạy học vì mục tiêu phát triển bền vững.