Từ những vụ bạo hành chấn động, giới hạn nào trong việc xử phạt học sinh?
(Sóng trẻ) - 2018 là một năm chao đảo của ngành giáo dục với nhiều tiêu cực gây xôn xao dư luận. Vụ việc giáo viên ở Quảng Bình phạt tát 231 cái khiến em N phải nhập viện càng xóa nhòa ranh giới giữa xử phạt và bạo hành học đường.
Khi thầy cô xử phạt không bắt nguồn từ tình thương
Tháng 4/2018, tại Hải Phòng đã xảy ra sự việc cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương phạt học sinh uống nước vắt giẻ lau bảng vì nói chuyện. Học sinh là em P.P.A, lớp 3A5, trường Tiểu học An Đồng. Không những bắt P.P.A uống hết nửa cốc nước bẩn, cô giáo Minh Hương còn cho rằng chưa đủ đặc nên đã vắt thêm nước từ giẻ lau bảng rồi bắt học trò uống.
Tháng 9/2018, tại trường THCS Thọ Xuân, Hà Nội cũng xảy ra sự việc cô Trần Thị Minh Hướng phạt học sinh tát nhau vì nói chuyện riêng và không ngừng quát mắng với từ ngữ không chuẩn mực.
Gần đây nhất, ngày 19/11, ngành giáo dục lại có thêm một vụ bạo hành học sinh nghiêm trọng xảy ta tại Quảng Bình. Cô Nguyễn Thị Phương Thủy – giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2 trường THCS Duy Ninh đã bắt cả lớp, mỗi người tát thật mạnh e N 10 cái vì hành vi nói tục. Sự dã man của cô giáo được thể hiện khi đặt ra quy định nếu ai tát không đủ mạnh sẽ bị phạt ngược lại 10 cái. Ngay sau khi trở về nhà, em N đã bị sưng má, nóng ran, khó ăn uống nên người nhà lập tức đưa vào bệnh viện. Hiện tại, em N đã xuất viện nhưng chưa đi học vì còn chấn động về tâm lý.
Ảnh 1: “Đừng dùng lò nung để uốn thẳng một mầm cây”
Bao che vì danh dự chung?
Trong những vụ việc chấn động nêu trên, chỉ duy nhất có cô Nguyễn Thị Minh Hương (Hải Phòng) phải chấm dứt hợp đồng lao dộng.
Đối với cô giáo Trần Thị Minh Hướng chỉ là “khiển trách” và có dấu hiệu bao che từ phía nhà trường. Theo dự kiến, tháng 11 này, trường THCS Thọ Xuân sẽ đón nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia và có nguy cơ bị ảnh hưởng tự việc cô Hướng phạt học sinh tát nhau.
Sự việc cô Nguyễn Thị Phương Thủy vẫn đang trong quá trình điều tra, tuy nhiên nhà trường lại mong muốn báo chí đừng lên tiếng vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II?
Ảnh 2: “Tất cả vì học sinh chứ đừng vì thành tích”
Thiếu tình thương sẽ biến xử phạt mang tính phản giáo dục
Những cách xử phạt trên đều có sự dã man, bắt nạt, khiến cho học sinh phải nhập viện hoặc chấn động tâm lý. Không nói đến việc học sinh có phải cá biệt hay không, những hình phạt áp dụng kia không chỉ làm tổn hại nghiêm trọng tới cơ thể con người mà còn khiến cho học sinh chịu cú sock tâm lý khi bị đông đảo bạn bè chứng kiến và tham gia bạo hành. Phải chăng những người thầy, cô, không phân biệt được giữa xử phạt và bạo hành đã quên đi bài học đầu tiên khi đứng lớp là dạy lễ nghĩa trước khi học trò dạy kiến thức?
Ảnh 3: Thầy cô hãy là người giải đáp, bảo vệ, đừng là người dồn nén học sinh.
Tháng 11 luôn được biết đến là thời điểm tri ân thầy cô, những người tận tụy và đáng kính trong sự nghiệp trồng người. Cô Hương hay cô Thủy chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, không thể phủ nhận được công lao và giá trị cao đẹp của người thầy trên bục giảng. Tuy nhiên, những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp như vậy cần phải xử lý nghiêm khắc để không gieo rắc mầm mống bạo lực cho thế hệ trẻ tuổi. Học trò ở lứa tuổi nào cũng cần có sự nhắc nhở, uốn nắn kịp thời thậm chí là những hình phạt để nhận ra khuyết điểm của mình. Tuy nhiên, chỉ có những hình phạt xuất phát từ lòng yêu thương học sinh, mong muốn sự thay đổi tốt đẹp mới mang tính giáo dục đúng đắn./
Nữ Huyền
Cùng chuyên mục
Bình luận