Từ thiện đúng chỗ, đúng người
(Sóng trẻ) - Thời gian qua, các hoạt động từ thiện dần xuất hiện nhiều hơn; nhiều cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tấm lòng bao dung. Trước những "ma trận" từ thiện, nhiều tấm lòng hảo tâm vô tình bị trục lợi.
Gần đây, vụ việc một nữ sinh trộm váy ở Thanh Hóa đang gây xôn xao dư luận. Theo tìm hiểu, nữ sinh M có hoàn cảnh khó khăn, bố qua đời vì tai nạn, ông bà nội bị mù lòa, một mình mẹ em phải gồng gánh nuôi cả gia đình. Vì phút chốc bồng bột, em đã thực hiện hành vi sai trái. Tuy nhiên, nhiều mạnh thường quân (MTQ) vì thương cảm cho hoàn cảnh của M đã kêu gọi hỗ trợ cho em, gây ra một làn sóng tranh cãi trong cộng đồng.
Nhiều người bày tỏ thái độ phản đối gay gắt, cho rằng không nên để lòng thương che mờ sự thật sai trái mà cô bé đã gây ra, vô tình cổ súy cho cái xấu, làm mất đi giá trị nhân văn của việc từ thiện.
Cô Đ.P.M, một người dân sinh sống tại Hà Nội chia sẻ: "Tôi không đồng tình với việc nhiều người đứng ra kêu gọi quyên góp, ủng hộ gia đình cô bé như vậy. Thay vì đến ủng hộ thì chúng ta có thể nói cho cô bé đó hiểu mình sai ở đâu, động viên, sẻ chia bằng lời nói thì sẽ tốt hơn vì bản thân cô bé cũng sai”.
Nhiều người nhận xét, câu chuyện của M cũng tương tự trường hợp của Hào Anh - một cậu bé bị ông bà chủ bạo hành dã man. Ở sự việc của Hào Anh, sau khi được giải cứu, nhận sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, cậu đã trở thành một thiếu niên ăn chơi, bất hiếu với mẹ và vào tù vì trộm cắp. Xét ở góc độ tương tự, không thể đổ lỗi rằng hoàn cảnh khó khăn đã khiến M nảy sinh lòng tham, bởi gốc rễ vấn đề nằm ở sự dạy dỗ của gia đình. Việc quyên góp cho M rất có thể sẽ vô tình biến em trở thành một Hào Anh thứ hai.
Cũng không thể không nhắc tới việc từ thiện online xuất hiện trong thời gian qua. Trước những tác động tiêu cực của COVID-19 đến đời sống, kinh tế của hàng triệu người dân Việt Nam, nhiều lời kêu gọi quyên góp, hỗ trợ từ các nhà hảo tâm tới các hoàn cảnh khó khăn được đăng tải trên mạng xã hội.
Nhân cơ hội này, lợi dụng lòng tốt của người dân sử dụng mạng xã hội, nhiều cá nhân đã tổ chức những cuộc kêu gọi ủng hộ từ thiện online nhằm chiếm đoạt tài sản. Bằng nhiều chiêu trò như lập các cộng đồng gây quỹ, sử dụng những hình ảnh thực tế trên các trang báo uy tín để chỉnh sửa, sau đó kêu gọi cộng đồng giúp đỡ nhưng không có bất kì hoạt động từ thiện nào. Bên cạnh đó, còn có những đối tượng tổ chức livestream trên mạng xã hội nhằm mục đích đánh vào lòng thương của các MTQ.
Với thủ đoạn tinh vi, khó lường và ngày càng khôn khéo, nhiều người vì nhẹ dạ cả tin đã vô tình "sa bẫy" của những kẻ lừa đảo, mất số tiền lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Dù đã có nhiều lời cảnh báo từ các tổ chức thiện nguyện uy tín, chính thống, song nếu không giữ cho mình "một cái đầu lạnh", tìm hiểu kỹ lưỡng sự việc, người dân rất dễ đặt lòng tốt sai chỗ.
Việc từ thiện là hành động đáng quý nhưng chỉ có giá trị khi cho đi đúng người. Giúp đỡ bằng tiền mặt - vật chất có thể giải quyết nhanh nhưng lại không giải quyết được những vấn đề trong tương lai. Vì thế, đừng biến việc làm tốt trở thành việc làm xấu của xã hội. Cần nâng cao cảnh giác, thận trọng tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định từ thiện cho một ai đó, từ thiện không phải điều dễ dàng, không phải cứ bỏ tiền ra giúp đỡ là việc tốt. Lòng tốt chỉ thật sự có giá trị khi đặt đúng chỗ, đúng người!