Tưng bừng khai mạc lễ hội Cổ Loa xuân Quý Mão 2023
(Sóng trẻ) - Sáng ngày 27/1, tức mùng 6 tháng Giêng âm lịch, UBND huyện Đông Anh long trọng tổ chức khai hội lễ hội xuân Cổ Loa 2023. Lễ hội là dịp để tưởng nhớ công đức của đức vua An Dương Vương – người sáng lập ra nhà nước Âu Lạc và có công xây thành Cổ Loa.
Phát biểu khai mạc lễ hội, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, cách đây hơn 2300 năm, sau khi lãnh đạo cuộc kháng chiến chống hơn 50 vạn quân Tần thắng lợi, Thục An Dương Vương đã xây dựng Loa thành tạo nên kinh đô Cổ Loa của nước Âu Lạc, một trong những di tích lịch sử vô cùng quý giá với các vòng thành độc đáo, công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, các khu di chỉ khảo cổ học quan trọng, nơi hai lần được chọn là kinh đô của nước Việt. Trở thành biểu tượng của nền văn minh Việt cổ đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.
Lễ hội xuân Cổ Loa năm 2023 gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ tổ chức theo nghi thức cổ truyền gồm có lễ dâng hương và lễ rước của Bát xã Loa thành. Phần lễ mở đầu cho lễ hội Cổ Loa mang tính tưởng niệm thiêng liêng, hướng về An Dương Vương - người có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời tiền sử. Phần hội gồm có các trò chơi dân gian như: múa rối nước, bắn nỏ, đấu vật, cờ người, đu tiên… Trước đó, trong ngày mùng 5 tết tại các khu vực quanh đền Cổ Loa cũng đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa thể thao thu hút đông đảo người xem như giải thi đấu Bóng chuyền Tranh cúp Loa Thành, hát quan họ, diễn tuồng cổ,…
Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán xuân Quý Mão 2023, tại Khu di tích Cổ Loa cũng diễn ra một số chương trình hoạt động trưng bày, triển lãm, quảng bá các giá trị của di tích, các món ăn, đặc sản truyền thống của Cổ Loa và các vùng quê Kinh Bắc. Lễ hội Cổ Loa đã thu hút hàng vạn du khách thập phương đến tham dự.
Bạn Bình Minh (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: “Mình là một người con ở Cổ Loa, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu giá trị văn hóa, lịch sử. Vì vậy, mình vô cùng tự hào vì sau ba năm lễ hội không được tổ chức do dịch bệnh, năm nay lễ hội Cổ Loa đã được mọi người tham gia cũng như đón nhận, hòa cùng vào bầu không khí tuyệt vời này”.
Theo lệ hằng năm, sau ngày chính hội mùng 6 được tổ chức tại Đền Thượng, tại các Đình thuộc Bát xã sẽ lần lượt tiến hành tổ chức các nghi thức tế lễ, rước ngai từ đền về đình để tiếp tục thờ cúng, đồng thời tổ chức các sinh hoạt văn hóa dân gian và lễ hội truyền thống đến hết ngày 16 tháng giêng âm lịch.