Vật vã vượt “ma trận” kẹt xe ở Nguyễn Xiển giờ tan tầm
(Sóng trẻ) - Khổ sở vì ùn tắc mỗi ngày vào giờ tan tầm quanh khu vực đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Người dân phải vật vã nhích từng centimet qua “ma trận” kẹt xe để trở về nhà.
Nhiều năm qua, người dân sống quanh tuyến phố Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, Hà Nội bức xúc về việc tuyến đường này thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân.
Thuý Anh (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ về hành trình gian nan của mình: “Kẹt xe ở Nguyễn Xiển thực sự là nỗi ám ảnh lớn với mình. Nhà cách trường học 15km, nên thường mình phải đi học từ rất sớm để tránh ùn tắc giao thông. Những buổi sáng vào học từ 7 giờ thì mình đã xuất phát từ lúc 6 giờ sáng rồi. Bản thân mình sợ nhất chính là giờ tan tầm, nếu tan học vào 6 giờ chiều thì có lẽ phải mất cả tiếng mới về đến nhà.”
Khi vừa qua đoạn đường Kim Giang, Thuý Anh bị cuốn vào dòng xe cộ đông nghịt, di chuyển chậm chạp, phải nhích từng centimet một. Xe máy len lỏi vào mọi khoảng trống, vượt lên vỉa hè, trong khi xe buýt và ôtô chen lấn, ép sát lề đường. Đến các ngã ba, ngã tư, dòng xe từ các hướng khác đổ ra khiến tình trạng giao thông thêm hỗn loạn.
Mất hơn 30 phút thậm chí đến cả tiếng để chen chúc qua “ma trận” Nguyễn Xiển, Thuý Anh mới thoát ra được và vào đoạn đường Khuất Duy Tiến để tiếp tục hành trình. “Ngày nào cũng thế, chưa kể khi trời mưa, đường kẹt cứng, không thể nhúc nhích nổi”; Thuý Anh chia sẻ thêm.
Nói về nguyên nhân của sự việc này, Quang Anh (Khương Đình, Hà Nội) cho biết: “Đoạn đường này khá hẹp, tuy nhiên lưu lượng phương tiện lưu thông qua đây lại đông đúc. Chỉ cần phương tiện giao thông không kịp lưu thông thì sẽ tắc ngay. Lúc đường tắc thì người dân lại cố gắng tìm đường ngang ngõ tắt để thoát ra, có khi còn đi lên vỉa hè, thậm chí vượt cả đèn đỏ.
Hầu như này nào đi làm về cũng kẹt xe. Khi đường lớn ùn tắc, mọi người lại lái xe vào cả các hẻm nhỏ tìm lối thoát nhưng cũng kẹt cứng. Công việc mỗi ngày ở công ty đã mệt mỏi, áp lực, lúc về phải chịu cảnh ùn tắc giao thông làm bản thân tôi rất chán nản”; Quang Anh chia sẻ. Theo anh, tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nay, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Vất vả mỗi ngày để di chuyển qua "nút thắt" giao thông này, Việt Hoàng (Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho biết: "Tôi xuất phát từ nhà đến công ty lúc gần 6 giờ, mà cứ đến đoạn này là tắc, thậm chí đoạn đường 2km mà mất đến cả 30 phút. Nhiều hôm bị phạt vì đi làm muộn cũng bởi bị "chôn chân" tại đây".
Được biết tuyến Đường Xa La – Nguyễn Xiển là tuyến đường rất quan trọng, kết nối các vùng phía Tây Nam Thành Phố với thủ đô. Dù không phải giờ cao điểm nhưng tuyến đường này luôn trong tình trạng quá tải, lượng người và phương tiện lưu thông qua đây rất lớn, đặc biệt là các chuyến xe buýt, xe khách xuất phát từ bến xe Yên Nghĩa, Mỹ Đình.
Dòng xe đổ về đường Nguyễn Xiển chủ yếu đến từ hai hướng chính: đường Khuất Duy Tiến và Nghiêm Xuân Yêm. Ngoài ra, lượng phương tiện từ các tuyến đường như Nguyễn Trãi cũng liên tục nhập vào, khiến tình trạng ùn tắc càng thêm nghiêm trọng. Xe cộ từ đường Nguyễn Trãi thường cắt ngang với số lượng lớn, làm phương tiện trên đường Nguyễn Xiển phải chờ đèn đỏ rất lâu tại nút giao này.
Nếu tránh đi qua đường Nguyễn Xiển, người dân có thể chọn đi theo đường trong ngõ ngách nhỏ. Tuy nhiên, việc lựa chọn “đường tắt” này không phải là lựa chọn sáng suốt bởi nó chỉ kéo dài hơn mà thậm chí cũng phải quay trở lại tuyến chính và lại rơi vào cảnh ùn tắc trong giờ cao điểm, khiến việc di chuyển vẫn chậm chạp và mất rất nhiều thời gian.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, năm 2024, trên địa bàn thành phố còn tồn tại 33 điểm ùn tắc giao thông, gồm 22 điểm chuyển tiếp từ năm 2023 và 11 điểm phát sinh mới.
Nhằm nỗ lực xóa bỏ các "ma trận" ùn tắc giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ thành lập 4 tổ công tác chuyên tiếp nhận, tham mưu đề xuất và thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục xử lý các điểm ùn tắc còn lại trong năm 2024. Tuy nhiên, về lâu dài, Hà Nội cần chú trọng phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân, giảm thiểu ùn tắc cho thành phố.
Bên cạnh sự nỗ lực của các lực lượng chức năng trong hạn chế ùn tắc, hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông cũng cần được lưu tâm. Ô tô, xe máy chen làn buýt, phương tiện đi ngược chiều, đi sai làn đường nhan nhản ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ lưu thông, đặc biệt trong giờ cao điểm.
Chính vì vậy, cần tăng cường công tác kiểm tra, mạnh tay xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về nồng độ cồn, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, dừng đỗ không đúng vị trí...gây ùn tắc giao thông.