Về bản người Thái, nghe hát Khắp xưa

                          “Ta gieo hạt cải nơi đây liệu có nên trồng*
                          Gửi câu tán tỉnh liệu người thương có đáp…”

(Sóng Trẻ) - Như vẻ đẹp dịu dàng và e ấp của người con gái nơi đây, điệu hát Khắp của đồng bào người Thái ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An cũng êm dịu và xao xuyến lòng người. 

Muốn nghe Khắp phải tìm người già.

Mùa này ở miền núi mặt trời xuống núi nhanh hơn. Buổi chiều được đánh dấu bởi cái lạnh mơn man cuối thu xen lẫn vào từng làn khói bốc lên nghi ngút từ các ngôi nhà sàn. Trẻ con và người già lùa trâu về từng đàn, tiếng nhạc treo ở cổ trâu theo từng bước đi của chúng nghe lóc cóc chậm rãi. 

Đồng bào Thái cũng như các dân tộc khác sinh sống trên đất nước Viêt Nam, thích ca hát, đặc biệt là khắp. Khắp là ngâm thơ hoặc hát theo lời thơ, có thể đệm đàn và múa. Điệu khắp nơi đây đã vắng đi rất nhiều, chỉ còn có thể nghe thấy trong các dịp sinh hoạt văn hóa đặc biệt hoặc nghe từ các cụ già trong bản.

Theo chân cán bộ văn hóa xóm, chúng tôi đến nhà bà Hà Thị Hồng. Bà Hồng năm nay đã 78 tuổi, đầu bà vấn khăn thêu, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Theo từng đốm lửa đỏ li ti bay lên cùng hơi ấm bếp lửa lan tỏa, lời kể của bà dẫn người nghe về quá khứ.

Bà kể, hồi xưa,cái ăn và cái mặc còn không đủ, không ai dạy trẻ con cách nhảy sạp, thổi pí, đáng cồng chiêng, múa lăm vông hay hát khắp cả. Lúc đó khắp như một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của dân bản, như miếng trầu miếng cau luôn ở trong túi của người già. 

Khắp có nhiều loại, chủ yếu phân chia theo hoàn cảnh sử dụng: khắp Ín sao (lời hát đối đáp của thanh niên trai -gái), khắp Kin lấu, Kin kháu: hát mời rượu, chúc tụng trong các buổi tiệc, cưới hỏi; khắp Sên: lời khắp của thầy mo trong  các nghi lễ truyền thống của người Thái như làm vía, cưới hỏi, ma chay,…; nài ra còn có điệu khắp Lú Nọong nghĩa là lời hát khắp để ru em bé ngủ.

Như nhiều đôi trai gái thời bấy giờ, bà Hồng và chồng cũng đến với nhau từ điệu khắp “Ín sao”. Bà kể hồi đó gia đình bà rất nghèo, nhà ông thì thuộc hạng giàu có, về với nhau được một nhà phải qua nhiều gian khổ. Ngày cưới, mẹ chồng bà vừa làm lễ rửa chân cho bà trước khi bước những bước đầu tiên lên nhà sàn vừa ngân nga câu khắp đón con dâu, bà rưng rưng nước mắt. 

Điệu khắp gắn với cuộc đời ông bà từ câu khắp “Ín sáo” lúc ông hát đối đắp giao duyên với bà, lấy nhau rồi, câu khắp “Kin láu”  ngân vang trong ngày cưới, qua bao gian khó kề vai, căn bệnh ung thu gan quái ác mang ông đi xa bà mãi mãi, những câu “khắp Sên” của thầy mo ngân lên trong gian nhà sàn nhỏ lên tiễn ông về nơi vĩnh hằng. Nay ông đi rồi, bà đã chục năm nay hiếm khi lại hát khắp nữa.

fa45aa6fe_5.png
Đồng bào người Thái tại xã Nghĩa Dũng tổ chức thi ném còn nhân dịp ngày 20/10

Theo lời bà Hồng chúng tôi lại đến thăm ông Hà Văn Thầm, một người nổi tiếng làm thơ và hát khắp hay trong bản. Đang điều trị căn bệnh đau dạ dày nên người ông khá gầy, duy chỉ có đôi mắt vẫn tinh anh sáng trên khuôn mặt. Ông kể điệu khắp đã theo chân ông trong suốt các chặng đường hành quân. Những lúc sinh hoạt văn nghệ, ông thường khắp cho mọi người nghe. “Có người dân tộc Tày, dân tộc Thái hiểu những lời hát vỗ tay vì lời hát, đồng đội người Kinh không hiểu lời cũng hoan hô vì giai điệu ngân nga của bài khắp”, ông Thầm vừa nói rồi kể tên từng đồng đội của mình. 

Ông nhớ lại có đợt đoàn quân của ông hành quân vào mùa đông rét căm căm, mưa phùn nhiều, ông mới nảy ra ý định nấu canh bồi- một món ăntruyền thống của dân tộc Thái cho cả tiểu đội ăn. Ông kể nấu canh bồi thì cây dọc mùng nấu là nn nhất, thêm ít gạo giã nhuyễn vào quấy đều cho sệt lại, ăn vào mùa đông rất ấm. Nhưng run rủi, ông lại hái lẫn cả cây ráy để nấu canh. Cả tiểu đội ăn xong bị khó thở, sưng và ngứa ngáy.  Ông bị nghi ngờ mưa tính hãm hại cả đoàn, suýt bị đuổi khỏi quân ngũ. “Cũng may đồng đội quý tính thật thà của ông nên tin ông, cấp trên cũng quyết định cho ông tiếp tục ở lại chiến đấu và để lại làm thơ, lại khắp cho mọi người nghe đấy”- ông Thầm cười hào sảng. 

Tuổi đã cao nhưng hiện nay ông vẫn còn nhớ nhiều bài khắp, “khắp Mớ nhàm” (khắp kể chuyện ngày xưa), “khắp Lòng tống” (khắp trên đồng ruộng lúc lao động), “khắp Sên bản, Sên mường” (khắp về bản làng)…

                            “Chuyện nối chuyện mau qua
                              Đêm tiếp đêm mặn mà
                             Đôi ta ngồi khuống tận khi gà gáy
                            Đeo mộng về nhà lúc xế vầng trăng”

Ông Thầm ngân lên điệu khắp từ lời của truyện thơ “ Xống chụ xon xao” của người Thái, giai điệu vang lên càng trầm ấm, da diết, đôi mắt của ông càng nhìn xa xăm, mông lung vấn vương.

Không còn người trẻ nào hiện nay biết hát Khắp

Khắp hiện nay không còn phổ biến trong sinh hoạt thường ngày của đồng bào dân tộc Thái giống như trước đây nữa. Duy chỉ có khắp Sên vẫn còn thường xuyên được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống, nhưng chỉ có các thầy mo mới biết các điệu khắp này. Trẻ em, thanh niên, nhiều người trung niên trong bản hiện nay không hề biết hát khắp, thậm chí không hiểu hết các từ ngữ được sử dụng trong các câu hát.

Nguyên nhân của sự mai một này có nhiều. Theo sự du nhập văn hóa hiện đại, nhiều từ ngữ Thái gốc và ngôn ngữ mà đồng bào Thái tại bản đang dùng hiện nay có nhiều sự khác biệt do sự du nhập của tiếng Kinh. Do đó lời hát khắp có nhiều từ ngữ khó hiểu đối với thế hệ trẻ. 

Thêm vào đó việc lưu giũ truyền bá lại điệu khắp chưa được chú trọng. Anh Trần Văn Thao, cán bộ văn hóa xã Nghĩa Dũng cho biết: “Hát khắp cũng như các hình thức văn nghệ dân gian luôn được khuyến khích trong các dịp sinh hoạt, giao lưu văn hóa giữa đồng bào ba bản người Thái với các xóm của đồng bào người Kinh trong xã. Tuy nhiên, việc truyền lại nét văn hóa này cho thế hệ trẻ vẫn chưa thực hiện được.” 

Việc bảo tồn hát khắp càng trở nên quan trọng và cấp bách bởi bối cảnh giao lưu văn hóa không chỉ diễn ra giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế mà ngay giữa các dân tộc cùng sinh sống trong nước. Bởi một khi các giá trị văn hóa này đã không còn hiện hữu, việc phát huy và bảo tồn đã khó lại càng khó hơn.

(*): Lời hát khắp trong truyện thơ “Xống chụ xon xao” của đồng bào dân tộc Thái.

                                                                                               Bài và ảnh: Hà Thị Lan


Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN