“Vừa phải văn minh, hiện đại, vừa phải phù hợp với cảnh quan Sa Pa”

(Sóng trẻ) - Thị trấn Sa Pa (Huyện Sa Pa, Tỉnh Lào Cai) vốn được biết đến là một địa điểm du lịch hấp dẫn, nổi tiếng với những nét văn hóa dân tộc vô cùng đặc sắc đã có từ lâu đời. Bởi vậy, việc xây dựng một trung tâm thương mại nằm trên nền chợ Sa Pa cũ sẽ phải rất cẩn trọng, kĩ lưỡng, đặc biệt là khâu thiết kế kiến trúc.

Trước thực trạng xuống cấp của chợ Sa Pa cũ, UBND tỉnh Lào Cai đã quyết định dỡ bỏ khu chợ này, xây dựng một khu chợ dân sinh mới cách đó không xa để tiếp tục phục vụ mua bán hàng ngày của người dân nơi đây, đồng thời xây dựng một trung tâm thương mại (TTTM) mới trên nền chợ Sa Pa vừa dỡ bỏ. Cuộc trò chuyện sau đây cùng ông Quản Tất Thắng – Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Phát triển và Xây dựng Thikeco (đơn vị cùng tham gia tư vấn thiết kế và lập dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm thương mại Huyện Sa Pa) sẽ giúp độc giả hiểu thêm về công tác thiết kế của công trình đặc biệt này.

Chợ Sa Pa hiện tại được rất nhiều người coi là một hình ảnh đặc trưng của Sa Pa, thể hiện nét văn hóa sinh hoạt của người dân nơi đây, vì vậy việc xây dựng TTTM trên nền chợ Sa Pa cũ về cơ bản có khác gì so với việc xây dựng một trung tâm thương mại ở đô thị, thưa ông?

Về cơ bản, TTTM Huyện Sa Pa không khác các TTTM thông thường về mặt chức năng, mục đích sử dụng. Tuy nhiên, phương án kiến trúc, hình dáng của công trình này đòi hỏi phải đáp ứng rất nhiều yếu tố, vừa phải phù hợp với cảnh quan xung quanh, mang phong cách kiến trúc của khu vực Sa Pa, vừa phải có nét hiện đại, văn minh, tiện lợi cho người mua, bán. Đặc biệt hơn nữa, chợ Sa Pa là một khu chợ đã có từ lâu đời, chứa đựng những nét văn hóa đặc sắc của một chợ vùng cao vì vậy rất thu hút khách du lịch. Giờ đây, khi đặt một TTTM vào đó, chúng tôi cần phải cân nhắc rất nhiều yếu tố để phần nào duy trì những nét đặc sắc ấy. Ví dụ như việc có hay không nên đưa hình tượng cổng chợ Sa Pa vào thiết kế…v…v…

 c248d880b_dscn0298.jpg
Cổng chợ Sa Pa hiện tại. (Nguồn ảnh: Internet)

Ông vừa nhắc đến “phong cách kiến trúc của khu vực Sa Pa”, vậy ông có thể cho biết cụ thể hiện nay thị trấn Sa Pa mang phong cách kiến trúc như thế nào?

Nài một số công trình mang phong cách kiến trúc rõ rệt như Nhà thờ đá hay một vài biệt thự cổ còn sót lại, xung quanh chợ Sa Pa hiện nay chủ yếu là những cửa hàng, quán ăn cải tạo từ nhà cũ. Mỗi hộ kinh doanh lại xây dựng cửa hàng của mình theo một phong cách riêng, phụ thuộc mặt hàng và đối tượng khách họ hướng tới, ví dụ như cửa hàng bánh ngọt, quán café, quán ăn phong cách Âu…  Vì vậy, khu vực thị trấn Sa Pa gần như không có một phong cách kiến trúc đặc trưng. 

Nếu thị trấn Sa Pa không có phong cách kiến trúc rõ ràng như vậy thì đơn vị thiết kế đã lựa chọn phong cách nào cho TTTM Huyện Sa Pa?

Tuy không có phong cách kiến trúc thực sự đặc trưng nhưng nhìn chung, nài các khách sạn tư nhân mới xây khá hoành tráng, hầu hết các công trình kiến trúc ở thị trấn Sa Pa và ở các tuyến phố giáp khu đất đều có điểm chung là độ cao vừa phải, không quá cầu kì, sang trọng và thường sử dụng mái ngói dốc để thoát nước. Chính bởi vậy, chúng tôi đã quyết định thiết kế TTTM Huyện Sa Pa với mái ngói dốc, kết hợp cùng các chi tiết kiến trúc như cửa sổ có mái che lợp ngói, các cột chống ban công, mái vòm, ô kính, đồng hồ trang trí mặt trước công trình… theo phong cách kiến trúc Pháp. Tuy nhiên, yếu tố đơn giản vẫn được đặt lên hàng đầu, đơn giản nhưng vẫn phải lịch sự và hiện đại, không hoành tráng, cầu kì hay quá sang trọng, dễ phá vỡ cảnh quan xung quanh.

Có nhiều ý kiến lo ngại rằng việc đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vào buôn bán ở một TTTM hiện đại e sẽ không phù hợp với bản sắc văn hóa vùng cao. Dưới góc độ là một người hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?

Có lẽ khi nhắc đến TTTM, nhiều người sẽ nghĩ đến những công trình hoành tráng như Vincom hay Tràng Tiền Plaza… với những gian hàng lớn, bóng bẩy. Nhưng cần phải hiểu: TTTM Huyện Sa Pa không hướng đến những mặt hàng quá cao cấp như vậy mà chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ (ở tầng 1), kết hợp với các gian hàng thời trang, điện tử hiện đại hơn (ở tầng 2). Hơn nữa, diện tích của công trình này cũng không lớn, do đó việc thiết kế, bố trí các gian hàng, nội thất cũng sẽ khác so với những TTTM thông thường ở các đô thị lớn, đơn giản hơn về vật liệu hoàn thiện, ốp lát,… phù hợp với tính chất của mặt hàng kinh doanh.

Bên cạnh yếu tố phong cách kiến trúc, công trình TTTM Huyện Sa Pa còn có những đặc điểm gì về quy mô xây dựng mà đơn vị tư vấn cần chú ý trong quá trình thiết kế?

Thứ nhất, diện tích khu đất xây dựng TTTM không lớn, chỉ khoảng gần 4000m2. Thứ hai, mặt trước công trình trải dọc theo đường Cầu Mây với độ dài khoảng 60m, nhưng do đây là con đường có độ dốc khá lớn nên giữa điểm đầu khu đất với điểm cuối khu đất (trên trục đường Cầu Mây) có chênh lệch độ cao khoảng 2m. Thứ ba, độ cao của công trình từ mặt đất không được vượt quá 14,5m theo quy chế xây dựng của thị trấn Sa Pa. Và chủ đầu tư đã thống nhất cách xác định chiều cao công trình là tính tại điểm đầu dốc của khu đất. Từ những yếu tố đó, cộng với những tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam, các kiến trúc sư cần tính toán để vừa tận dụng tối đa diện tích cho các hoạt động của TTTM và các diện tích phụ trợ khác, vừa đảm bảo được số tầng tối đa và chiều cao tối thiểu của các tầng từ 4,5m đến 4,8m. 

 eb9a8b7c7_p1020761.jpg
Do đường Cầu Mây có độ dốc khá lớn nên việc tính toán xây dựng phải thật hợp lý.
(Nguồn ảnh: Internet)

Ông có thể cho biết tiến độ thực hiện của công tác thiết kế kiến trúc tính đến thời điểm hiện tại?

Từ khi bắt đầu đến nay (Quý III năm 2013), chúng tôi đã tiến hành các chuyến đi khảo sát thực tế, họp 2 lần với Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tới dự án xây dựng TTTM Huyện Sa Pa. Tính đến thời điểm hiện tại đã có tổng cộng gần 10 phương án kiến trúc được đưa ra. Các phương án đó giống nhau về quy mô xây dựng và công năng sử dụng của các tầng, nhưng khác nhau về yếu tố hình thức, đặc biệt là kiến trúc mặt đứng của công trình. Thực sự không dễ để có thể đưa ra một thiết kế vừa hiện đại, vừa phù hợp với quang cảnh Sa Pa. Các đơn vị thiết kế và chủ đầu tư đã thống nhất được một số yếu tố về công năng sử dụng, số tầng xây dựng (1 tầng hầm và 3 tầng nổi), chiều cao công trình, hướng bố trí cửa ra, vào… Hiện tại, chúng tôi vẫn đang tiếp tục hoàn thiện để đưa ra phương án kiến trúc cuối cùng. 

Vậy trong thời gian tới những phương án kiến trúc sẽ cần cải tiến những gì để có thể đáp ứng được yêu cầu về hình thức của công trình này?

Từ phương án kiến trúc thời điểm ban đầu, nay chúng tôi đã cải tiến và hiện có 3 phương án khác nhau về các chi tiết của mặt đứng, số lượng lối ra/vào và vật liệu hoàn thiện. Phương án ban đầu do đơn vị tư vẫn thiết kế đưa ra mang hơi hướng của kiến trúc Pháp, nhưng ở các phương án mới nhất, chúng tôi đã giảm bớt phong cách Pháp mà bổ sung những chi tiết mang phong cách hiện đại và đơn giản hơn để phù hợp với cảnh quan xung quanh. Ví dụ như: “tỉa tót” lại các chi tiết như mặt kính lớn, mái che tầng 1, ban công tầng 2, cột chống, kết hợp với các vật liệu xây dựng phù hợp và bố trí các biển quảng cáo cho hợp lý… Tránh trường hợp xây dựng nên một tòa nhà hoành tráng và lộng lẫy, phá vỡ khung cảnh, hay quá sơ sài, không thực sự “ra dáng” một TTTM. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Thông tin chung về dự án:
Tên dự án: Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Huyện Sa Pa – Tỉnh Lào Cai.
Chủ đầu tư: UBND huyện Sa Pa.
Địa điểm xây dựng: Đường Cầu Mây, Phường Tuệ Tĩnh, Thị trấn Sa Pa, Tỉnh Lào Cai.
Diện tích khu đất: 3.957,3m2
Tổng diện tích sàn: 11.178m2

Minh Hạnh

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN