Vui buồn nghề gia sư

(Sóng trẻ) -  Công việc gia sư được ví như nghề “làm dâu trăm họ” bởi không dễ gì có thể làm hài lòng phụ huynh và học sinh.

Nói đến nghề đi làm gia sư, ắt hẳn nhiều người nghĩ rằng đây là công việc nhẹ nhàng, không tốn nhiều thời gian mà lại có mức thu nhập ổn định, dao động trong khoảng từ 80-200.000/buổi. Thế nhưng khi trò chuyện với những người làm trong nghề mới thấy làm gia sư cũng lắm những nỗi niềm.


Nghề gia sư không hề đơn giản như nhiều người vẫn tưởng. (Ảnh minh họa)

Nghề của những cơ hội rộng mở

Vừa “chân ướt chân ráo” bước vào năm thứ nhất, cô bạn Th. Hoa (sinh viên ĐH Thương mại) đã sốt sắng tìm công việc để kiếm thêm thu nhập. Hoa mạnh dạn đăng kí một số trung tâm gia sư gần trường. May mắn đã mỉm cười khi không lâu sau Hoa nhận được cuộc gọi từ trung tâm giới thiệu dạy kèm cho một em học sinh lớp 7. Sau giữa học kì I, kết quả học tập của học sinh tiến bộ rõ rệt, phụ huynh cảm thấy hài lòng và bắt đầu tin tưởng vào trình độ sư phạm của Hoa. Sau một thời gian, gia đình ấy lại giới thiệu thêm chỗ dạy cho Hoa, cô bạn không còn phụ thuộc “mối dạy” ở trung tâm gia sư nữa. Với mức thu nhập ổn định, Hoa hoàn toàn có đủ khả năng để xoay xở cuộc sống ở thành phố, thậm chí còn tiết kiệm được một khoản kha khá làm nền tảng cho những công việc sau này.

Khác với Th. Hoa, M. Dũng (sinh viên HV Ngân Hàng) may mắn được sinh ra trong một gia đình khá giả, được tạo điều kiện ăn học tốt nhất, mọi việc trong nhà đều không đợi đến tay cậu làm. Hết năm nhất đại học, Dũng quyết định phải thay đổi bản thân, mục tiêu trước mắt là phải làm ra tiền bằng chính sức của mình. Cầm tháng lương đầu trong tay, Dũng không khỏi bồi hồi. Công việc này đã dạy cho cậu cách quý trọng đồng tiền và công sức lao động của bản thân. Ròng rã 5 tháng trời đi dạy, Dũng tâm sự: “ Trước giờ toàn tiêu tiền của bố mẹ nên có được cơ hội trải nghề nên mình rất trân trọng. Phải nói rằng, nghề gia sư này cho mình nhiều hơn là mất. Công việc này cũng rèn luyện cho mình tính kiên nhẫn, tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh riêng”.
Hai bạn trẻ trên đây chỉ là một trong số rất nhiều những bạn sinh viên đang đi làm thêm công việc gia sư. Đối với họ, đây là cơ hội để hoàn thiện bản thân, vừa để học hỏi vừa để tôi luyện bản lĩnh trước khi bước vào đời.

Nỗi niềm gia sư

Tuy nhiên, công việc gia sư được ví như nghề “làm dâu trăm họ” bởi không dễ gì có thể làm hài lòng phụ huynh và học sinh.

Trên thực tế, đã có rất nhiều người gặp rắc rối ngay từ giai đoạn làm việc với các trung tâm gia sư. Không ít bạn sinh viên chỉ nhận được cái lắc đầu của các trung tâm khi mà họ không phải là sinh viên trường sư phạm hay non nớt về kinh nghiệm giảng dạy. Nhiều bạn trẻ còn truyền tai nhau rằng khi đi phỏng vấn phải tự nhận mình là sinh viên năm thứ hai trở lên và đã từng đi dạy ít nhất một tháng, chỉ như vậy mới có cơ hội được nhận lớp. Thậm chí, người bạn thân của Th. Hoa khi tới trung tâm đăng kí để được nhận lịch dạy đã phải đặt cọc một số tiền tương đương với nửa tháng lương gia sư. Đến khi thôi ý định đi dạy để tìm công việc khác phù hợp hơn thì năm lần bảy lượt trung tâm đều không giải quyết trả lại tiền cọc.

Hay như trường hợp của Hằng (sinh viên ĐH Nại thương) cho hay : “Lần đầu tiên đi làm nghề “gõ đầu trẻ” thông qua một trung tâm trên đường Xuân Thủy, mình đăng kí nhận dạy lớp 5 với thời lượng 3 buổi/tuần. Cuối tháng mình phải qua trung tâm nhận mức lương là 800.000 đồng và phải chi 30% hoa hồng trong tháng lương đầu.” Sẽ chẳng có gì đáng bàn khi sau đó cô bạn phát hiện ra mình bị quỵt tiền một cách trắng trợn. Hằng tiếp lời: “Có lần mình trò chuyện cùng phụ huynh, cô chú ấy cũng có đề cập đến chuyện tiền nong và nói rằng tháng nào cô cũng phải trả cho trung tâm 1 triệu đồng tổng cộng ?!”.

Bên cạnh đó, không ít gia sư khi đi dạy gặp phải những tai nạn “dở khóc dở cười” như học sinh quậy phá, không chịu hợp tác; bố mẹ học sinh xét nét, giám sát việc dạy học của gia sư hoặc tỏ thái độ không tôn trọng, cắt giảm tiền lương… Đã từng đi làm gia sư trong một thời gian dài, bạn T. Chi (sinh viên năm cuối HVBC&TT) cho biết: “Trong suốt quãng thời gian đi làm gia sư có một kỉ niệm mà mình nhớ mãi. Đó là đợt kèm cặp cho một em học sinh cá biệt lớp 12. Biết vậy nên mình đã cố gắng soạn bài cẩn thận, giảng giải một cách tỉ mỉ nhất. Khổ nỗi, cậu ấm hết lần này đến lần khác đòi nghỉ học, quậy phá… cuối cùng mình cũng phải “chào thua”.” Như được cởi tấm lòng, Chi tiếp tục chia sẻ: “Đến cuối tháng, gia đình nhà đó khăng khăng là mình dạy 7 buổi trong khi mình đi lại 9 buổi tất cả. Mình bức xúc vô cùng và mang cả lịch soạn sẵn ra để kiểm chứng nhưng không ai công nhận. Mình đành ngậm ngùi dạy 2 buổi không công”.

Câu chuyện của Hằng hay T. Chi chỉ là một lát cắt nhỏ trong vô vàn câu chuyện quanh nỗi niềm gia sư. Làm công việc này cũng có nghĩa bạn phải đối mặt với nguy cơ bị “xù” tiền lương, tiền đặt cọc; gặp phải những học sinh nghịch ngợm phá phách hay gia đình thiếu hợp tác… Đây đúng là một công việc không nhàn hạ như nhiều người vẫn tưởng mà trái lại có muôn vàn khó khăn thử thách.

Gắn bó với nghề khó hay không?

Khi được hỏi, nhiều bạn trẻ đã từng có kinh nghiệm đi làm gia sư đều cho rằng, nghề gia sư tìm được việc đã khó nhưng để bám trụ lâu dài với nghề này lại là cả một thử thách khó khăn. Với những lợi ích trước mắt, nhiều bạn trẻ coi nghề như một “chiếc cần câu cơm” nhưng khi phải đối mặt với những áp lực lại đâm ra chán nản, buông xuôi.

Để thành công trong nghề, trước hết các bạn phải có vốn kiến thức chắc chắn và phương pháp sư phạm khoa học. Bởi lẽ, thật khó lòng chấp nhận khi mà bản thân gia sư không nắm vững kiến thức, “mù mờ” về trình độ chuyên môn. Thêm vào đó, đối với những đối tượng học sinh nhỏ tuổi, các bạn gia sư cũng cần tâm lý hơn và phải có lòng yêu trẻ; chịu khó kiên nhẫn và không ngừng sáng tạo trong việc truyền tải kiến thức.

Mỗi một cấp học lại có một cách giải và cách học riêng, nên trong quá trình giảng dạy gia sư cũng cần chú ý chọn cách trình bày phù hợp. Song song với việc dạy kiến thức văn hóa, các bạn gia sư cũng nên hỏi thăm, động viên khích lệ học sinh trong quá trình học tập đồng thời tích cực kết hợp, trao đổi phương pháp học với phụ huynh để giúp học sinh mau tiến bộ.

Tóm lại, dù đến với nghề gia sư với mục đích nào đi chăng nữa, các bạn sinh viên cũng cần phải có lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm. Những vui buồn quanh nghề nghiệp này là một chuỗi những câu chuyện kéo dài không dứt. Trước những thử thách đặt ra, đòi hỏi những người làm gia sư phải đủ bản lĩnh và tự tin xử lý tình huống. Vô vàn cơ hội mới sẽ chỉ mở ra cho những người thực sự tâm huyết, tôn trọng và nhiệt tình với công việc này.

Nguyễn Khánh Linh

Báo mạng điện tử K.31


Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN