Xoay quanh “giấc mơ sáng suốt”, những câu hỏi còn bỏ ngỏ
(Sóng Trẻ) – Lucid dream, hay “giấc mơ sáng suốt”, là từ để chỉ trạng thái người mơ biết mình đang mơ. Những nghiên cứu khoa học đã chỉ ra trạng thái này đem lại những hiệu quả tích cực cho sức khỏe con người. Đặc biệt, nó giúp bạn trở thành người thật sự làm chủ giấc mơ của chính mình.
Lucid dream không còn là một khái niệm lạ. Từ năm 415, thánh Augustine thành Hippo đã đề cập tới những giấc mơ khác thường, nơi ông vẫn duy trì được ý thức của mình; giấc mơ sống động, chân thật như thực tại. Có nhiều ghi chép về lucid dream trải dài trong lịch sử, và nhiều cuốn sách đã được phát hành với đầu đề như: “Những giấc mơ và cách để dẫn dắt chúng, sự theo dõi thực tế”, “Nghiên cứu về những giấc mơ”… Nhưng phải đến năm 1968, cuốn sách đầu tiên được công nhận về tính khoa học nói về lucid dream của Celia Green mới xuất hiện. Nó tên là: “Những giấc mơ sáng suốt” (“Lucid dreams”).
(theo Wikipedia)
Trên thực tế, con người luôn hứng thú với thế giới của những giấc mơ. Trong một thời điểm bất kỳ nào đó, chúng ta hẳn đã từng có lúc mong ước mình có thể bay, có thể sử dụng phép thuật... Hay đối với một người khác, họ khát khao đủ may mắn để ở bên người mình yêu thương, hoặc đủ sức mạnh để bảo vệ cả thế giới. Những điều này thật viển vông, và có những mong ước dù giản dị cũng không thể thành hiện thực vì nhiều lý do. Nhưng tất cả những điều tưởng “chỉ là mơ” đấy lại có thể xuất hiện đầy sống động khi bạn ngủ một cách “sáng suốt”.
Lucid dream là trạng thái bạn mơ mà biết mình đang mơ. Nó cho bạn những hình ảnh bạn mong muốn. Bạn ý thức được rằng tất cả những điều này không phải là thật, nhưng nó có một ý nghĩa nào đó rất khó diễn tả. Nó là mơ mà không chỉ là mơ.
Chìm đắm trong giấc mơ không bao giờ là một ý tưởng hay. Nhưng bạn có thể một lần thử là người kiến tạo nên thế giới của chính mình, thông qua lucid dream.
Infographic trên cung cấp những thông tin cơ bản nhất về lucid dream và cách đi vào trạng thái này. Thực chất, đã có những lý thuyết khác được đưa ra về cách thực hiện “giấc mơ sáng suốt”. Nhưng nhiều nội dung trong đó có thể gây hại cho người áp dụng, đặc biệt là người có tiền sử về bệnh tim. Cách thức được đề cập trong infographic trên không thể thực hiện nhanh chóng, nhưng nó đảm bảo an toàn. Và dù có thể không đạt được cái đích cuối, đi vào lucid dream, thì ý tưởng về nhật ký ghi lại giấc mơ cũng sẽ giúp chúng ta có những trải nghiệm thú vị.
Lucid dream và những nghiên cứu về nó được công bố với mục đích tốt đẹp: giúp con người có được giấc mơ nâng đỡ tinh thần mình. Hãy tưởng tượng, bạn trải qua những ngày tồi tệ, và khi ngủ, chẳng ai muốn mình chỉ có giấc mơ là một chuỗi những đứt đoạn hình ảnh mơ hồ, thậm chí là ác mộng ám ảnh đến nhiều ngày sau. Lucid dream xuất hiện được coi như một cách giải tỏa áp lực, khiến con người thoải mái và có được những thỏa mãn về tinh thần. Về khoa học, lucid dream chỉ diễn ra trong trạng thái ngủ say, là trạng thái ngủ tốt nhất để phục hồi sức khỏe và thần kinh con người.
Nhưng điều gì cũng có hai mặt của nó. Mơ một giấc mơ đẹp để sau đó thức dậy nhận ra chẳng có gì là sự thật thì có đáng không? Nhiều khi nó làm con người càng trở nên bế tắc, tuyệt vọng hơn. Hoặc tệ nhất, người ta chìm đắm trong những giấc mơ đến nỗi quên mất cuộc sống hiện tại. Nó như một cách trốn tránh sự thật, và hoàn toàn có thể biến những người bình thường trở thành tâm thần với những biểu hiện trầm cảm, xa lánh xã hội.
Bộ phim giả tưởng nổi tiếng “Inception” kể về những người kiến tạo giấc mơ có một câu thoại đầy ám ảnh: “Giấc mơ đã trở thành thực tại của cô ấy”.
Hãy thử đặt một câu hỏi: Nếu như bạn có quyền điều khiển giấc mơ của mình, bạn sẽ dùng nó để giúp cuộc sống bản thân trở nên tốt hơn hay tệ đi?
Infographic: Lucid Dreaming Examiner
Dịch, hiệu chỉnh, tổng hợp: Hạnh Dung
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận