“Kỹ năng xanh” giúp người trẻ thích ứng với nền kinh tế "xanh"
(Sóng trẻ) - Xu hướng việc làm “xanh” - những công việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, hạn chế phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường tạo ra nhiều cơ hội công việc cho người trẻ hiện nay.
Trong nhiều năm qua, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ Việt Nam trong việc hướng nghiệp cho thanh niên và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trao đổi với Sóng Trẻ, bà Nguyễn Ngọc Duyên, Điều phối viên quốc gia về mảng phát triển kỹ năng của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) sẽ làm rõ về cơ hội việc làm "xanh" tại Việt Nam và những thách thức mà thanh niên đang đối mặt.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, bà đánh giá như thế nào về cơ hội việc làm "xanh" tại Việt Nam? Những ngành nghề nào đang có nhu cầu cao?
Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đến năm 2030, quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững trên toàn cầu có thể tạo ra 25 triệu việc làm, trong đó có 8,4 triệu việc làm cho thanh niên. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam được đánh giá năng động và có tiềm năng tạo ra nhiều việc làm "xanh". ILO ước tính, nếu các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đầu tư vào những lĩnh vực liên quan đến môi trường, chúng ta có thể được hưởng lợi từ việc tạo ra khoảng 14,2 triệu việc làm "xanh".
Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng phát triển xanh, phát triển bền vững để phù hợp với những cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết. Ví dụ như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và rất nhiều hiệp định khác yêu cầu Việt Nam phải có những quy định cao hơn về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững về xã hội, con người.
Trong xu hướng chuyển dịch đó các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, đặc biệt là trong những ngành kinh tế mới nổi như lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo thống kê cho thấy lĩnh vực năng lượng tái tạo hiện nay đang chiếm 41% hoạt động kinh tế "xanh" của nước ta. Ngoài ra, cơ hội việc làm "xanh" cũng có rất nhiều trong các lĩnh vực kinh tế truyền thống như ngành nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, du lịch sinh thái. Từ đó, tôi đánh giá Việt Nam cũng như các nước trong khu vực có một tiềm năng phát triển việc làm "xanh" rất lớn.
Nguồn lao động của nước ta đang tạo ra những thuận lợi như thế nào để phát triển việc làm "xanh"?
Đất nước chúng ta vẫn đang ở trong thời kỳ dân số "vàng", có nguồn lao động (từ 15 tuổi trở lên theo Luật lao động) dồi dào với 52,5 triệu lao động và tiếp tục tăng hằng năm. Điều này tạo ra lợi thế lớn trong việc cung cấp nhân lực cho nền kinh tế xanh đang phát triển.
Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, các công việc "xanh" có tỷ lệ lao động sở hữu kỹ năng trung bình và kỹ năng cao lớn hơn tỷ lệ này ở các công việc không "xanh". Như vậy, có vẻ như việc làm "xanh" yêu cầu trình độ giáo dục cao hơn ở người lao động. Đây là lợi thế các bạn trẻ nên nắm bắt trong quá trình chuyển đổi xanh.
Đâu là những rào cản chính mà người trẻ Việt Nam gặp phải khi tìm kiếm việc làm "xanh"?
Tôi cho rằng rào cản lớn nhất là do tính mới của xu hướng nghề nghiệp này. Khái niệm về việc làm "xanh" mới chỉ xuất hiện và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, do đó nhận thức của xã hội, đặc biệt là giới trẻ còn chưa đầy đủ.
Nhiều người cho rằng việc làm "xanh" chỉ giới hạn trong lĩnh vực môi trường như các công việc bảo vệ rừng, xử lý rác thải… với điều kiện làm việc, mức lương có thể không hấp dẫn. Tuy nhiên, việc làm "xanh" xuất hiện trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó có thể là phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ, giao thông vận tải xanh, du lịch sinh thái, và nhiều lĩnh vực khác nữa. Bất kỳ công việc nào góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến khí hậu và hướng tới một tương lai bền vững đều có thể được coi là việc làm "xanh".
Bên cạnh đó, sự phát triển của việc làm "xanh" còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chính sách của Nhà nước, sự đầu tư của doanh nghiệp và sự sẵn sàng của cơ sở hạ tầng… Ví dụ, để phát triển năng lượng tái tạo, cần có nguồn vốn lớn để đầu tư vào các dự án, đồng thời đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, mặc dù tiềm năng của việc làm xanh tại Việt Nam rất lớn, song thực tế theo thống kê hiện nay ở Việt Nam chỉ có khoảng 1,7 triệu công việc là việc làm "xanh", chiếm 3,6 % trong tổng số việc làm cả nước.
Ngoài ra, như tôi nói ở trên, việc làm "xanh" yêu cầu ở người lao động bộ kỹ năng cao hơn so với các công việc không "xanh". Để có một mức lương tốt, người lao động cần có nền tảng kiến thức vững chắc và được đào tạo bài bản.
Tuy nhiên, theo Tổng cục thống kê, hơn 70% lao động của Việt Nam chưa qua đào tạo hay có chứng chỉ sơ cấp, trong đó tất nhiên bao gồm nhiều thanh niên. Tỷ lệ lao động phi chính thức (những người có tình trạng việc làm bấp bênh, không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội) của nước ta còn cao, chiếm 65% tổng lực lượng lao động. Các con số này phản ánh chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế trong đào tạo, chính sách với người lao động. Điều này cũng là khó khăn của nhiều bạn trẻ khi chưa thể đáp ứng các yêu cầu của công việc mà họ mong muốn.
Một vấn đề đáng chú ý khác là sự mất cân bằng giới tính trong lĩnh vực STEM, vốn là nền tảng phát triển cho nhiều công việc "xanh". Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, hiện nay số lượng nam giới làm các công việc "xanh" đang vượt trội so với nữ giới khi chiếm đến 80%. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do những định kiến xã hội từ lâu đã gắn liền với vai trò của phụ nữ. Nhiều người cho rằng nữ giới không nên đi theo những ngành khoa học tự nhiên hay tham gia vào những lĩnh vực kỹ thuật vì vất vả. Vì thế, một số lượng lao động nữ có thể bỏ lỡ cơ hội để tham gia việc làm "xanh".
Nhiều chuyên gia cho rằng kỹ năng “xanh” là chìa khóa quan trọng để giúp lực lượng lao động sẵn sàng thích ứng với xu hướng nghề nghiệp mới. Vậy kỹ năng “xanh” là gì và khác gì so với các loại kỹ năng khác?
Có rất nhiều tổ chức đã đưa ra định nghĩa về kỹ năng "xanh". Trong đó, Linkedln đưa ra một khái niệm kỹ năng "xanh" khá dễ hiểu cho thanh niên. Họ định nghĩa đây là những kiến thức, khả năng, giá trị cụ thể, cần thiết để thúc đẩy tính bền vững của môi trường và làm giảm tác động tiêu cực tại nơi làm việc. Theo báo cáo toàn cầu năm LinkedIn, 10 kỹ năng "xanh" mà người lao động hiện nay cần có:
Còn đối với ILo, chúng tôi nhấn mạnh các công việc, nghề nghiệp trong nền kinh tế "xanh" đòi hỏi 2 nhóm kỹ năng chính. Nhóm thứ nhất là kỹ năng chuyên môn, bao gồm những kiến thức cụ thể cho từng ngành nghề. Nhóm kỹ năng thứ hai là các kỹ năng việc làm cốt lõi hay kỹ năng mềm. Trong nhóm này được chia thành nhiều kỹ năng nhỏ như quản lý rác thải, sống xanh…, kỹ năng về công nghệ thông tin, kỹ năng sẵn sàng học hỏi về phát triển bền vững, kỹ năng quản lý và giám sát. Kỹ năng "xanh" không tồn tại đơn lẻ mà là một bộ kỹ năng kết hợp với nhau.
Để đáp ứng những yêu cầu của công việc “xanh”, người trẻ nên rèn luyện các kỹ năng này như thế nào, thưa chuyên gia?
Các bạn trẻ cần tích cực trang bị cho mình một hành trang kiến thức vững chắc. Bên cạnh việc trau dồi chuyên sâu vào ngành học của mình, các bạn nên chủ động tìm hiểu về các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và các giải pháp phát triển bền vững.
Thế hệ trẻ hiện nay rất năng động. Các bạn có thể học tập qua trải nghiệm, ứng tuyển tham gia vào những chương trình của các tổ chức như Liên hợp quốc hoặc các tổ chức khác mà họ có thể đầu tư để chúng ta sáng tạo, xây dựng những dự án của riêng mình về môi trường, biến đổi khí hậu. Thông qua những dự án thực tế như vậy, các bạn sẽ học hỏi được rất nhiều kiến thức từ các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm hay rèn luyện tốt những kỹ năng mềm, mở rộng mối quan hệ để có thêm nhiều cơ hội việc làm "xanh".
Đặc biệt, người trẻ nên sớm xác định rõ định hướng nghề nghiệp của mình. Việc xây dựng một kế hoạch phát triển sự nghiệp rõ ràng sẽ giúp các bạn chủ động hơn trong việc lựa chọn các khóa học, kỹ năng cần thiết và các công việc "xanh" phù hợp.
Chuyên gia đánh giá như thế nào về vai trò của giáo dục Việt Nam trong việc nâng cao kỹ năng “xanh” cho các bạn trẻ hiện nay?
Hệ thống giáo dục nước ta cần bổ sung nhiều hơn các môn học liên quan đến môi trường, năng lượng tái tạo và phát triển bền vững vào chương trình đào tạo các cấp phổ thông, các ngành nghề để thế hệ trẻ sớm hình thành nhận thức về kinh tế "xanh". Đồng thời, nhà trường nên tăng cường các chương trình chia sẻ, cuộc thi về lĩnh vực này để tạo điều kiện cho các bạn trẻ phát triển sự sáng tạo trong làm việc nhằm bảo vệ môi trường và các kỹ năng mềm.
Bên cạnh đó, dù chúng ta có nhiều ngành nghề đào tạo chuyên sâu về các công việc liên quan đến môi trường nhưng chưa theo kịp nhu cầu thực tế. Khi ILo làm việc với các đối tác, họ nói rằng hiện nay ở Việt Nam thiếu rất nhiều nhân lực chất lượng cao cho các ngành mới như năng lượng tái tạo. Vì vậy, bản thân các trường đại học và các cơ sở đào tạo nghề nghiệp cần thường xuyên cập nhật thêm những kiến thức mới về những ngành nghề xanh.
Ngoài ra, đội ngũ giáo viên cũng cần được trang bị kiến thức về môi trường, việc làm "xanh" để truyền đạt kiến thức hiệu quả cho học sinh, sinh viên. Công tác hướng nghiệp cần được tăng cường để giúp các bạn thay đổi nhận thức, hiểu rõ hơn về các cơ hội việc làm "xanh" là rất lớn. Từ đó, các bạn chủ động xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp.
ILO đang triển khai những hoạt động cụ thể nào để hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực và cung cấp các kỹ năng xanh cho người trẻ?
Đối với việc làm "xanh", kỹ năng "xanh", ILO đã thực hiện nhiều dự án và đưa ra những báo cáo nghiên cứu cũng như các công cụ để hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho thanh niên về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển kỹ năng chuyên môn.
Các bạn trẻ có thể theo dõi các kênh thông tin của ILO để tiếp cận được những báo cáo về việc làm. Bởi vì khi thanh niên nắm bắt được các xu hướng mới, các bạn sẽ chủ động rèn luyện được các kỹ năng cần thiết để sẵn sàng cho công việc. Ngoài ra, ILO còn phối hợp với cả các tổ chức Liên hợp quốc khác như UNDP tổ chức những hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức cho thanh niên và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ để các bạn có thể xây dựng những cái kế hoạch hoặc các dự án liên quan đến kỹ năng "xanh".
Trân trọng cảm ơn bà vì những chia sẻ quý báu trên!