“Sang chấn tâm lý” khi học online kéo dài
(Sóng trẻ) - Tình trạng học trực tuyến kéo dài nhiều giờ mỗi ngày, khiến nhiều học sinh và sinh viên có các vấn đề về thể chất, bị tổn thương sức khỏe về tâm thần, đặc biệt là căng thẳng tâm lý.
Làn sóng COVID-19 lần thứ tư đã khiến cho học sinh, sinh viên phải trải qua kỳ học online dài nhất từ trước tới nay. Không giao tiếp trực tiếp với thầy cô, phải giam mình trong nhà, ít vận động... Đó là những lý do khiến nhiều học sinh đã và đang rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, tăng áp lực tâm lý, thậm chí nhiều em bị stress.
Tinh thần bất ổn, chán học
Chúng ta không phủ nhận những tác động tích cực của việc học trực tuyến như bố mẹ không mất thời gian đưa đón con, các em cảm thấy thoải mái khi mà tỉnh dậy chỉ cần ngồi vào bàn học thay vì phải đến trường vào các buổi sáng sớm. Tuy nhiên, việc học trực tuyến trong thời gian kéo dài mang lại rất nhiều thách thức, đặc biệt là các vấn đề tâm lý.
Em Nguyễn Hà Phương (học sinh lớp 8, THCS Nguyễn Du, TP.Hà Nội) cho biết: “Từ đầu năm lớp 8 đến nay chúng em đều học trực tuyến, thời gian học kéo dài từ sáng đến tối khiến em cảm thấy mệt mỏi và chán nản, nhiều lúc chỉ vào để điểm danh cho xong rồi treo máy để vậy và chẳng muốn làm gì” - Trong khi vốn Hà Phương là một cô gái năng động hoạt bát, thích tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng bài học.
Hay như tình trạng của em Trương Ánh Ngọc (quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội), đang là một học sinh chăm chỉ học hành thì bỗng trở nên chán học, học không tập trung, thường ngủ gục kể từ khi em chuyển sang hình thức học online. Em Ngọc chia sẻ: “Em thường xuyên dậy muộn, không ghi chép bài trong giờ học, gần đây cũng bỏ nhiều tiết học và trở nên ít giao tiếp với bố mẹ hơn so với trước. Để nói đúng hơn thì em cố né tránh giao tiếp với mọi người và chỉ thích ở trong phòng riêng một mình, khi ai hỏi gì thì em cũng chỉ miễn cưỡng để trả lời”.
Có thể thấy thay đổi phương học tập từ trực tuyến sang học online đòi hỏi nhiều ở các em sự tự giác, sự kỷ luật và động lực học tập. Những hiện tại, các em đang rơi vào trạng thái mệt mỏi, thiếu tương tác và cô lập xã hội. Việc thiếu tương tác xã hội, đặc biệt là với bạn đồng lứa, có thể khiến cho các em có cảm giác cô đơn, thiếu động lực và bị cô lập. Nhiều em cũng có thể rơi vào tình trạng tăng lo âu và căng thẳng khi học trực tuyến.
Áp lực “chồng chất”
Trường học vốn là nơi cung cấp kiến thức mới cho học sinh và sinh viên, là nơi nâng cao mối quan hệ thầy trò, mối quan hệ bạn bè - là nguồn lực cung cấp sự hỗ trợ về tinh thần cho các em. Nhưng giờ đây, hiệu quả tiếp nhận tri thức của việc học trực tuyến là rất thấp, các em thường chỉ tiếp thu được phần nhỏ kiến thức của cả bài giảng, sự tương tác trong quá trình làm việc nhóm cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Em Đinh Tiến Đạt (học sinh lớp 12, THPT Việt Đức, TP.Hà Nội) cho biết: “Em là học sinh cuối cấp và sẽ thi đại học vào năm tới. Ban ngày em phải tham gia các lớp học trực tuyến chính khóa ở trên trường từ 7h đến 11h30, sau đó thì chiều và tối sẽ tiếp tục với các lớp học thêm văn, toán, anh, hóa, lý. Thời gian học online liên tục khiến thị lực của em giảm sút đi đáng kể. Lượng kiến thức thầy cô truyền tải quá nhiều và hầu như em chỉ có thể tiếp thu được khoảng 40-50% của mỗi giờ học, em không còn thời gian làm bài tập về nhà mà các thầy cô giao từ lớp chính đến lớp học thêm và cũng không có thời gian để có thể tự học. Nhiều lúc chính bản thân em có những suy nghĩ buông bỏ việc học này. Em bị chóng mặt, đau đầu thường xuyên và phải dùng thuốc giảm đau để kìm lại cơn đau”.
“Các em cũng phàn nàn rất nhiều khi tình trạng học online kéo dài, đặc biệt là các học sinh cuối cấp sắp thi đại học, có nhiều học sinh có hành vi chống đối khi học sinh học trực tuyến như là học để đối phó, hoặc phổ biến hơn là tình trạng các em cho các bạn khác ID và mật khẩu phòng học ở Zoom để vào phá đám lớp học”. - Cô Lê Thị Thanh (giáo viên trường THPT Việt Đức, TP.Hà Nội) chia sẻ.
Học trực tuyến là một thách thức khó khăn cho thế hệ học sinh và sinh viên hiện nay, các em bị áp lực tâm lý từ quá trình không hiểu bài trong các tiết học rồi áp lực đến từ những sự kỳ vọng và trông mong của bố mẹ và thầy cô. Chính vì nhiều bố mẹ hay thầy cô không hiểu và để ý tới tâm tư của các em, gây áp lực cho các em, khiến nhiều em mất cân bằng về tâm lý và có những dấu hiệu của “trầm cảm” kéo dài.
Nhu cầu điều trị tâm lý tăng cao
Bệnh viện Tâm thần Trung ương (TP.Hà Nội) cho biết, theo thống kê vào đầu tháng 6/2021, trong số những người có biểu hiện tâm lý bất bình thường đến khám và tư vấn trong thời gian vừa qua thì có đến hơn 30% là học sinh, sinh viên.
Trong những trường hợp tiêu cực, nhiều học sinh sinh viên có suy nghĩ đến cái chết và thực tế điều này đã xảy ra. Họ chịu nhiều áp lực từ gia đình, ganh đua điểm số với bạn bè và thêm vào đó là những buổi học dày đặc khiến các em kiệt quệ về tinh thần.
Chị Hoàng Khánh (trú tại phố Lý Thái Tổ, TP.Hà Nội) cho hay: “Con tôi thường xuyên mất ngủ và ngủ không sâu giấc. Vừa rồi có bài kiểm tra Toán nhưng kết quả nhận được không như mong muốn của cháu, dù gia đình cũng không tạo áp lực nặng nề lên cháu và cũng động viên, nhưng cháu thể hiện rõ sự suy sụp khi biết kết quả. Có lần tôi thấy cháu trong nhà vệ sinh và dùng dao rạch một vết trên cổ tay, cháu nói làm vậy sẽ thấy bản thân giải tỏa được áp lực”.
Nhiều em bị căng thẳng vì phải ở nhà quá lâu, nên tình trạng bệnh đã xuất hiện nhanh và rõ hơn, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên. Bệnh hay gặp và phổ biến nhất là rối loạn tâm lí, lo âu, trầm cảm. Tình trạng bệnh lí này kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến việc học tập và tương lai lâu dài của các em.
Đặc biệt, khi bị rối loạn tâm lý lâu dài, học sinh có xu hướng tác động vật lý, tự làm đau hay hủy hoại bản thân nhằm giải tỏa áp lực khi căng thẳng. Có thể thấy được rằng, chưa bao giờ vấn đề về sức khỏe tâm lý đối với học sinh sinh viên lại đưa ra một cách cấp thiết như hiện nay, điều này là một hồi chuông “báo động” với cả xã hội.