14 ngày nghỉ lễ, Tết của người lao động trong năm 2020
(Sóng trẻ) – Năm 2020, số ngày nghỉ chính thức vào các dịp lễ Tết của người lao động là 14 ngày. Trong đó, kỳ nghỉ dài nhất là nghỉ Tết Nguyên đán 5 ngày (từ 23/1 đến 29/1).
Các ngày nghỉ lễ Tết được công bố bao gồm: một ngày nghỉ Tết Dương lịch, 7 ngày nghỉ Tết Âm lịch (Tết Nguyên đán), 1 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 4 ngày kỷ niệm Ngày Chiến thắng (Ngày Giải phóng 30/4) và Quốc tế Lao động (1/5) và một ngày nghỉ dịp lễ Quốc khánh 2/9.
Tết Dương lịch năm 2020 rơi vào giữa tuần (vào thứ tư) nên cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động được nghỉ 1 ngày duy nhất và không được nghỉ bù hoặc hoán đổi ngày nghỉ theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Cũng theo Bộ Luật Lao động, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 5 ngày trong dịp Tết Âm lịch và cộng thêm hai ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật liên kề nên tổng số ngày nghỉ là 7 ngày. Ngày nghỉ được tính từ thứ năm ngày 23/1 đến hết 29/1 (hay từ ngày 29 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng). Phương án nghỉ Tết Nguyên đán đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và thông qua.
Lịch nghỉ Tết Dương lịch và Âm lịch của người lao động năm 2020
Dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ một ngày vào 2/4 và không được nghỉ bù hay hoán đổi do ngày lễ rơi vào giữa tuần (thứ năm).
Ngày Chiến thắng (30/4) và Quốc tế Lao động (1/5), Bộ Luật Lao động quy định được nghỉ mỗi dịp một ngày. Ngày nghỉ lễ diễn ra trong 4 ngày bắt đầu từ thứ năm (ngày 30/4) đến chủ nhật (mùng 3/5) do hai ngày thứ bảy và chủ nhật liền kề.
Lịch nghỉ dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 – 1/5
Ngày lễ Quốc khánh 2/9 rơi vào thứ tư nên người lao động được nghỉ 1 ngày theo đúng quy định của bộ luật. Bên cạnh đó, Quốc hội đã tiến hành sửa đổi Bộ Luật Lao động để tăng một ngày nghỉ liền kề với ngày lễ Quốc khánh và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2021.
Lịch nghỉ dịp lễ Quốc khánh 2/9
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ trên cần lưu ý thực hiện việc bố trí, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, đảm bảo tốt công tác phục vụ tổ chức, cá nhân. Trường hợp cơ quan, đơn vị không thực hiện nghỉ cố định vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.
Phương Anh
Cùng chuyên mục
Bình luận