Âm vang rạo rực dội về từ "Những nẻo đường hành hương" đến "Ám ảnh những miền đất" của GS,TS Tạ Ngọc Tấn

(Sóng trẻ) - Cầm trên tay tập bút ký ÁM ẢNH NHỮNG MIỀN ĐẤT thầy tặng khiến tôi như được sống lại trong tình thầy trò cao quý mà nồng hậu, dịu dàng. Đó là khoảng trời bình lặng, một mảng ký ức không phai mờ, luôn trở đi, trở lại và tỏa ấm trong tôi!

Tôi là học trò của GS,TS Tạ Ngọc Tấn từ khi mới chập chững bước vào trường học nghề báo. Những điều được học và cách dạy của thầy, không ai trong chúng tôi quên được! Nhờ những kiến thức và cách dạy đó mà chúng tôi đã khám phá được bao điều mới lạ về thế giới, con người và nghề báo, như được chắp thêm đôi cánh bay vào vùng trời hiểu biết. Các thế hệ học trò luôn kính nể và cảm phục nhân cách, tài năng, tầm nhìn và tấm lòng của thầy!

Cầm trên tay tập bút ký ÁM ẢNH NHỮNG MIỀN ĐẤT thầy tặng khiến tôi như được sống lại trong tình thầy trò cao quý mà nồng hậu, dịu dàng. Đó là khoảng trời bình lặng, một mảng ký ức không phai mờ, luôn trở đi, trở lại và tỏa ấm trong tôi!

img_1800.jpg

Văn chương bao giờ cũng mang tính khuynh hướng, thể hiện rõ nhất ở cách nhà văn tiếp cận và nghiền ngẫm hiện thực! Đằng sau mỗi bức tranh đời sống bao giờ cũng thấm đẫm những suy tư, chiêm nghiệm, thổn thức, thao thiết, buồn vui, day dứt, trăn trở… rất chủ quan của người nghệ sĩ, nhất là trong tác phẩm trữ tình. Đọc bút ký văn học của thầy Tạ Ngọc Tấn, ta càng thấy rõ điều đó!

Cách đây 15 năm, tôi đã có dịp biết đến bút ký của thầy Tạ Ngọc Tấn qua cuốn NHỮNG NẺO ĐƯỜNG HÀNH HƯƠNG (Nhà xuất bản Văn học, năm 2005). Hồi đó, tôi tự mua sách chứ không được tặng như bây giờ! Cuốn sách tập hợp những bút ký viết về những vùng đất như: Côn Đảo, Tam Đảo, Điện Biên… hay phác thảo, ghi chép, cảm nhận về những phong tục tập quán, văn hóa của các quốc gia nơi thầy Tạ Ngọc Tấn đi qua, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Điển, Pháp, Mỹ. Ấn tượng về cuốn bút ký đó vẫn còn in đậm trong tôi!

 “Quê đồi” là những hành trình trải nghiệm trên mảnh đất quê hương, nơi thầy sinh ra, lớn lên, bước chân hằn in với những ấn tượng, ký ức đậm đặc tình người, tình đời, tình đất vùng trung du Bắc bộ. Ký ức đẹp, sống động về quê, về cái tên thôn Trại cá - nơi cá tôm nhiều như sắn: “Ai qua vùng đồi này vào mùa thu hoạch sắn, thấy sắn lát phơi trắng các triền đồi, khắp các lề đường, bãi sỏi, mới hiểu hết ý tứ của sự so sánh ấy. Cho đến thời chúng tôi biết mò cua bắt ốc thì tôm cá ở đầm vẫn còn nhiều và mùa nào cũng nhiều.” (tr.11) Cảnh đi bắt cá “ngược” vui sướng đến nao lòng, bởi những trận mưa đổ về, ở đâu có nước, ở đó có cá, nào chép, diếc, chày, trôi cứ theo nước mà lên. Những trận mưa ngập đồng, ngập lúa, người lớn lo mất ăn, mất ngủ, còn lũ trẻ lại vui sướng vì “được tha hồ bày trò đánh cá, tôm, cua, được đi tắm đầm, bơi lội trong nước ngập”. (tr.12) Lũ trẻ háo hức đến kỳ lạ, chúng huy động mọi cánh thức để bắt cá: úp nơm, vợt giậm, rồi câu cắm, câu ngồi, câu kéo, câu giăng, câu bẫy… Ôi chao! Vui sướng gì hơn “bõm một cái, một chú cá chuối đầu đen trũi đã đớp mồi lôi đi”… (tr.13)

Chuyện hình thành như huyền thoại trong cổ tích nhưng lại “chìm nổi ba đào, long đong lận đận” của quả đồi được tác giả tả vừa sinh động, vừa gắn bó với con người, gần gũi với quê. Những gì thân thương, yêu quý được gạn lọc từ những nét độc đáo, bộn bề đời sống và những tầng vỉa văn hóa làm cho bài bút ký vượt qua “bóng dáng” của văn thông tấn, thông tin, ghi chép hiện thực. Chính những cảm nhận rất chân thực khi thầy trực tiếp sống hòa đồng và gắn bó, đằm mình vào văn hóa, gom nhặt tư liệu và hơi thở cuộc sống trên mảnh đất quê mình, nên cảm xúc dạt dào sâu lắng. “Nó ăn nhập vào tâm linh, tình cảm, vào đến cõi vô thức của con người, trở thành một thứ tình yêu da diết, tha thiết của mỗi con người đã sinh ra ở nơi đây.” (tr.36) Những trang viết đậm chất văn, chất thơ đã truyền cho người đọc những rung cảm đậm đà tình yêu và lòng mến mộ quê hương của thầy! Chắc hẳn nhiều người muốn đến, sẽ đến quê thầy khi đọc bút ký này!

Ngược về “Điện Biên - mùa hoa ban nở”, cung đường Tuần Giáo, đèo Pha Đin hiểm trở và hùng vĩ nằm án ngự đường lên Điện Biên được tả sống động: “Là đây! Đường đèo lượn đi giữa chênh vênh sườn núi… xe đi như trôi trong một biển mây trắng đục, đặc quánh màu sữa…” (tr.181). Đến Điện Biên, thầy liên tưởng tới 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm/ mưa dầm, cơm vắt/ máu trộn bùn non…” của quân dân ta để làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”, “đánh sập một tên đế quốc to” (tr.182). Đến Điện Biên, có thể nhiều nơi chưa tới được, nhưng có một chốn thiêng liêng luôn trong tim thầy là các nghĩa trang liệt sĩ. “Như một sự thôi thúc thiêng liêng và cũng là nhu cầu tình cảm riêng”, thầy đến thắp hương ở tất cả các nghĩa trang liệt sĩ của thành phố Điện Biên Phủ để tưởng niệm, tri ân những anh hùng đã ngã xuống. (tr.188) Những người lính làm cho Điện Biên trở thành biểu tượng rực sáng của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam “là một tượng đài vĩnh cửu của tinh thần bất diệt, của chiến thắng oanh liệt” (tr.187).

“Hành hương về Côn Đảo” sau 18 năm giải phóng, những trang viết của thầy ấn tượng vô cùng. Côn Đảo thời Pháp, thời Mỹ là đảo tù, nổi tiếng về hệ thống nhà tù “chuồng cọp Pháp, chuồng cọp Mỹ, lò vôi, hầm phân chuồng bò, sân bay Cỏ Ống, nấm mộ chôn chung những người kháng chiến bị sát hại”… (tr.45) Nơi đây đã đầy ải những người tù lao dịch khổ sai, tạo nên những di tích rùng rợn, oan hồn như cầu Ma Thiên Lãnh, cầu tàu 914 (có 914 người chết khi xây dựng cầu này). “Nó đứng đó như một đài kỷ niệm về những chiến sĩ hy sinh trong lao tù vì những điều thiêng liêng mà hôm nay đã trở thành quá đỗi giản dị - Tự do, độc lập, hòa bình.” (tr.38-39) Đảo tù với “hơn hai vạn người tù nhân ngã xuống ở mảnh đất Côn đảo mà trong nghĩa trang chỉ đếm được khoảng hai ngàn ngôi mộ”. (tr.44) Như vậy, ở Côn Đảo tử tù chết chồng lên nhau, bất cứ một tấc đất nào cũng có hài cốt người tù.

Dưới ngòi bút của tác giả Tạ Ngọc Tấn, nhiều câu chuyện xương máu linh thiêng, bi thương và cảm động khiến người đọc không cầm được nước mắt. Dù vậy, “địa ngục trần gian” Côn Đảo không dập tắt được khí tiết của người con Việt Nam, người cộng sản Việt Nam. Ngược lại, cảnh lao tù nghiệt ngã chính là nơi rèn luyện khí tiết, là trường học cách mạng của các chiến sĩ cách mạng lòng son trước mọi thử thách! Viết về Côn Đảo, thầy Tạ Ngọc Tấn cũng như người đọc không khỏi “áy náy”, băn khăn, khi chứng kiến cuộc trao đổi giữa cô thuyết minh và ông Trần Công Chiêu – người tù năm xưa; chuyện dì Bảy Huấn kể về chị Biệt (cũng người tù năm xưa); chuyện “vô tư của tốp thanh niên đang cười ồn ã” (tr.46) giữa chốn linh thiêng… Để rồi thầy có lời thẳm sâu như lời hiệu triệu: “Nếu như mỗi người được sống trong hòa bình hôm nay chỉ cần dè xẻn chút ít trong vài lần đi chợ, nếu có thể bớt đi ít vụ tham nhũng, móc ngoặc, bớt đi những hoang phí, ăn tiêu… thì chốn thiêng liêng đâu phải chịu những vết chân trâu, bò dày xéo dọc  ngang suốt 18 năm qua.” (tr.44)

Bao mẩu chuyện khác như: “Rắn Lệ Mật - công phu và kỳ diệu”; “Pa-Ri dưới tầng mây mùa đông”; “Ai lên Tam Đảo - phố lưng trời”; “Chuyện đường dài nước Mỹ”; “Nhẩn nha dưới chân núi Tổ”; “Cảm nhận Thụy Điển”; “Một ngày ở tòa soạn báo Miền Tây nước Pháp”… là những bài bút ký vô cùng sống động, thấm đẫm tình người và chất văn chương, báo chí.

Thể bút ký văn học tưởng chừng dễ viết những để viết hay, hấp dẫn như thầy Tạ Ngọc Tấn là một thử thách lớn. Theo lý thuyết, bút ký là thể loại ghi lại cảnh người, sự việc, những cảm nhận, những suy nghĩ… mà tác giả đã gặp, đã thấy, đã nghe, đã trải qua với tư cách nhân chứng sau những chuyến thâm nhập thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai thực hiện những chuyến đi cũng có những bút ký thành công như thầy! Hiện thực là nguồn gốc của nhận thức, là mảnh đất dồi dào, màu mỡ của nghệ thuật. Văn chương bao giờ cũng là sự nhận thức và phản ánh hiện thực đó. Muốn phản ánh hiện thực sâu thì nhà văn phải đi vào hiện thực, thâm nhập vào đối tượng cả bề rộng lẫn bề sâu. Cuộc sống bao giờ cũng phức tạp, đa chiều và luôn chuyển biến không ngừng, thầy đã trải nghiệm để có vốn sống và hiểu sâu sắc nhiều vấn đề, góc cạnh thì mới có những trang viết thuyết phục như vậy!

Vẫn biết, thầy Tạ Ngọc Tấn nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; hiện là Phó chủ tịch Hội Đồng lý luận trung ương, bao công việc chồng chất đang gọi. Nhưng cái nghiệp văn chương, báo chí cứ vận vào thầy và buộc thầy phải đi theo sự dẫn dắt vô hình như một định mệnh, muốn dứt ra mà chẳng được. Tôi nhớ đại khái câu nói của nhà văn Nguyễn Minh Châu: Người viết văn là người rất nặng nợ với đời. Cuộc đời của anh là một cuộc đời không bao giờ được phép ngừng lăn lộn trong cuộc sống thực tế, không bao giờ ngừng nghiên cứu và quan sát. Câu nói ấy thật đúng khi vận vào thầy Tạ Ngoc Tấn!

Tập Bút ký ÁM ẢNH NHỮNG MIỀN ĐẤT vừa xuất bản tháng 6 năm 2020 là sự tiếp nối những chuyến đi, những cảm nhận, khám phá của thầy. Những cuộc đi, tìm hiểu, sáng tạo đã mang đến sự hiểu biết sâu rộng nơi thầy và tạo nên những trang viết nhiều thi vị, hơi thở thời đại, cuộc sống bộn bề xung quanh ngan ngát hương thơm. Tập sách có 19 bài bút ký, ngoài hai bài là cảm nhận của người trong cuộc về con người, đất nước Việt Nam, một bài về đảo Lý Sơn và một về huyện Mường Nhé (Điện Biên) còn lại là các xứ nơi đất người. Cái nhìn và phát hiện của thầy là cái nhìn của vị chính khách, nhìn tận đáy xã hội ở những đất nước thầy qua; đồng thời lại có cái bồi hồi xúc động, giằng xé, ưu tư của người nghệ sĩ luôn nghĩ về thân phận con người, đặc biệt là con người nghèo khổ.

Mỗi bài bút ký là một câu chuyện về sự việc, cảnh vật, thiên nhiên, cuộc đời, những vùng đất xứ người… thật sống động, thân yêu! Nơi vùng đất thầy ở, sống và đi qua là nơi in dấu bước chân của con người từng trải, suốt đời nặng nghĩa, nặng tình. Nó cũng thể hiện sự tinh tế, giàu chất suy tưởng, tài quan sát, phát hiện bởi từng trang bút ký của thầy là những cảm nhận về sự việc, con người giàu lòng nhân ái. Không phải đi du lịch, mà từ những chuyến công tác, dù công việc ngập đầu, nhưng thầy vẫn dành thời gian tìm hiểu, phát hiện, khám phá vùng đất lạ. Dù thời gian, cuộc đời làm mái tóc thầy phai màu, đượm chút phong trần nhưng sự đam mê viết và nghiên cứu chẳng khi nào nhạt phai. Mỗi vùng đất đi qua có những nét văn hóa khác nhau, có sự thấm đẫm tình người, tình đời bao la, tạo nên mỗi trang sách là một cuộc đời trong bút ký của thầy Tạ Ngọc Tấn. Dưới ngòi bút của thầy, hiện tượng, sự việc, con người… hiện lên hấp dẫn, thể hiện bút lực sáng tạo, sinh động luôn hướng về cái mới, cái đẹp, chất chứa tình người của “một đời văn” luôn trăn trở trước cuộc đời.

Đến thăm đất nước Cu Ba tươi đẹp, những trang văn của thầy Tạ Ngọc Tấn nóng hổi hơi thở cuộc sống, bao nhiêu nét đẹp, duyên dáng, đáng yêu của Cu Ba đều được thầy viết bằng một niềm tin yêu trong sáng, một cái nhìn biện chứng. “Biển trong vắt, cát trắng như pha lê, nắng ấm quanh năm, không khí trong lành không một gợn bụi. Những khách sạn xinh đẹp giữa rừng cây xanh với dịch vụ không thể chê. Nhân viên phục vụ tận tình. Môi trường xã hội trong sáng, không có hoạt động mại dâm dưới bất kỳ hình thức nào. Không chỉ Varadero mà cả Cu Ba có sức hút ghê gớm đối với khách du lịch.” (tr.12) Cách nước Mỹ không xa mà vẫn kiên cường trước “sóng dữ”, nói không ngoa đây là hòn đảo “lửa” làm lòng người say mê, thán phục. “Cũng như thiên nhiên Cu Ba hùng vĩ và hiên ngang trước muôn trùng sóng gió đại dương, nhân dân Cu Ba đã kiên cường vượt qua mọi thử thách, giương cao ngọn cờ cách mạng, giữ vững niềm tin vào những lý tưởng tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội.” (tr.16) Qua cách nhìn biện chứng lịch sử về cuộc đấu tranh anh dũng của Cu Ba khiến người đọc nao lòng, thán phục về hòn đảo tự do, từ ngọn cỏ, lá cây, thân mía… đều tự do trước mênh mông sóng biển, đất trời – sức mạnh phi thường của cách mạng Cu Ba!

Đến thăm “Sa mạc lạnh - UAE” mới thấy sự kỳ diệu của đất nước này - một đất nước luôn đấu tranh để tồn tại và phát triển! Với năng lực và trình độ quản lý ngày càng hoàn thiện, con người nơi đây đã vươn lên làm chủ thiên nhiên, đạt được những thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực trên mênh mông cát trắng sa mạc. “Hai bên đường, hàng cây chà là xanh tươi, lá như rắc phấn. Dưới gốc cây chà là, thảm cỏ xanh mướt mát. Nhưng bên ngoài hàng cây đã là sa mạc, vàng quạch, khô khốc thứ đất cát như trên mặt trăng.” (tr.78) Với bàn tay, khối óc và trái tim đầy máu nóng của con người nơi đây đã biến vùng sa mạc thành hành tinh xanh tràn ngập sự sống, “biến vùng đất chết bên bờ vịnh Arab thành một phố giàu sang, tươi đẹp”. “Khách sạn 7 sao xa hoa, lộng lẫy vàng son. Những dãy phố sang trọng với những căn biệt thự hai tầng. Những trung tâm thương mại khổng lồ, sầm uất và tràn ngập hàng hóa…” (tr.78) Thông qua những trang viết, người đọc hình dung mỗi công dân của đất nước này đều ý thức được trách nhiệm cao cả của mình trong việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị làm nên sức sống trường tồn của họ.

Viết về Ấn Độ, đất nước trên một tỷ dân, có bao điều trái ngược giữa một ít người giàu có xa hoa và đám đông nghèo khổ, cơ cực sống trong “những khu ổ chuột bẩn thỉu, hôi hám tạo thành một vành đai ôm lấy thành phố”. (tr.34) Thế mà chim chóc nhiều vô kể, đủ các loại, từ bồ câu, sáo đá, chim sẻ, chim chèo bẻo, đến vẹt, quạ, tu hú, chim cắt, diều hâu. Chim bay giữa trời, đậu ban công nhà, “sà vào giữa dòng người đi bộ… lạ nhất là những chú bò to kềnh càng thong thả, nhởn nhơ đi lại giữa phố xá”. (tr.30) Người đi bộ thì lặng lẽ đi qua, ô tô đi chậm tránh bò, không ai xua đuổi nó. Người dân có thể chịu đói, nhưng không ai giết hại chim, muông thú để ăn thịt. Một nét đẹp văn hóa! Cách nhìn nhận, phát hiện của thầy phải chăng cảnh tỉnh cho những kẻ săn trộm động vật hoang giã, bẫy chim ở ta và những cái “mồm” tham ăn, tục uống!

Ở thầy Tạ Ngọc Tấn có cái say mê của người nghệ sĩ nhưng lại đủ tỉnh táo để quan sát, soi ngắm một cách kỹ lưỡng, thấu suốt, khám phá mọi ngóc ngách, mọi giá trị hiện thực rồi từ đó khái quát, chuyển hóa cái khách quan thành cái chủ quan, đưa cái khách thể vào cái nhìn chủ thể để đạt tầm tư tưởng ở ngưỡng sâu xa. Cái phản ánh và cái được phản ánh làm nên sức sống bền vững của tác phẩm và tên tuổi của thầy!

Những trang sách dù viết về truyền thống lịch sử, địa lý, văn hóa… của các dân tộc và đất nước thầy đã đi qua nhưng đối tượng chính vẫn là con người. Những bài bút ký của thầy vừa đảm bảo tính hiện thực, tính thông tấn nhưng lại dạt dào cảm xúc; văn phong trang nhã, nhẹ nhàng, dung dị giàu tình người, tình đời. Hòa cùng dòng chảy của văn học nước nhà, bút ký đã góp phần làm nên phong cách riêng của thầy Tạ Ngọc Tấn. Từng trang văn là sự quan sát, tìm tòi, thể nghiệm, sáng tạo, thể hiện sự đi nhiều, hiểu nhiều và bên trong chan chứa một tấm lòng ngồn ngộn với cuộc đời, với con người, với thời cuộc. Ngòi bút đã khắc họa sự việc, cuộc sống, con người bằng cảm quan, bằng sự tinh tế trong từng chi tiết, tạo ra sức hút mạnh mẽ. Sức hút của tình người, tình đời, tình nhân ái thẳm sâu, nơi dòng sông cuộc đời mênh mông lặng lẽ chảy vào tâm khảm bao người yêu chuộng văn chương, đạo lý!

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN