Ba Vì khoác áo mới nhờ "khôn khéo" phát huy điểm mạnh
(Sóng trẻ) - Trong những năm vừa qua, huyện Ba Vì đã phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và đạt được nhiều khởi sắc trong công tác xây dựng nông thôn mới trong năm 2022.
Thực hiện tốt Nông thôn mới
Trong năm 2022, huyện Ba Vì đã thực hiện tương đối tốt công tác xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP. Cụ thể, công tác xây dựng nông thôn mới có 4/4 chỉ tiêu đạt, 6/9 tiêu chí đạt và 3/9 tiêu chí cơ bản đạt. Đó là kinh tế, môi trường, hệ thống chính trị, an ninh trật tự và hành chính công. Bên cạnh đó, huyện Ba Vì cũng đã hoàn thiện hồ sơ để đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời mời thành phố về để đánh giá lần 1 trong tháng 12/2022.
Phát biểu về công tác xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trong buổi thực tế chính trị, bà Ưng Thị Thu Hiền, Phó trưởng ban tuyên giáo huyện Ba Vì cho biết năm 2022 có 3 xã đạt chuẩn Xã nông thôn mới nâng cao, vượt chỉ tiêu 01 xã so với kế hoạch mà Hội đồng Nhân dân Huyện đề ra. “Diện mạo của Ba Vì đã thay đổi đáng kể trong năm nay, một phần là do sự tác động của cuộc thi 'Xây dựng là giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn' được triển khai trên địa bàn huyện”, bà Hiền nhấn mạnh.
Về chương trình OCOP, theo thống kê, năm 2022 đã có 37 sản phẩm được đánh giá phân hạng, nâng tổng sản phẩm OCOP trên điện bàn huyện là 138 sản phẩm. Trong đó có 12 sản phẩm đạt 4 sao và 25 sản phẩm đạt 3 sao.
Về công tác quản lý quy hoạch và trật tự đô thị, toàn huyện Ba Vì đang bước vào quá trình kiến tạo hết sức mạnh mẽ. Thành phố Hà Nội có sự quan tâm lớn tới việc đầu tư xây dựng và tiến độ đầu tư của các công trình. Theo báo cáo thực tế cho thấy, hầu hết các dự án, công trình xây dựng được quan tâm sát sao và triển khai một cách đồng bộ, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc triển khai, xây dựng khối các trường học và hệ thống đường giao thông ở trên địa bàn toàn huyện.
Bên cạnh công tác xây dựng chính trị - xã hội, các công tác và nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao cũng được chú trọng và phát triển. Trong năm 2022, toàn huyện đã tham gia cuộc thi “Xây dựng và giữ gìn thôn, ngõ, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” và đạt được những con số đáng kể. Báo cáo tại buổi thực tế chính trị, bà Phùng Thị Lê Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao huyện Ba Vì cho biết: “Có 80-90% trong tổng số 208 thôn của huyện đã triển khai và thực hiện cuộc thi, từ đó bộ mặt nông thôn Ba Vì đã thực sự có sự thay đổi rõ rệt”.
Tiềm năng phát triển du lịch
Trong năm 2022, du lịch Ba Vì đặt mục tiêu hướng tới trải nghiệm xanh – an toàn cho du khách mới khi đến trải nghiệm tại các địa điểm trên địa bàn huyện. Hiện tại, toàn huyện đã có 397 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng và được phân bố đều ở khắp cả 3 vùng trong huyện. Phần lớn các di tích lịch sử này có kiến trúc độc đáo, gắn liền với tên tuổi của các vị anh hùng dân tộc như đền thờ chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh núi Ba Vì, khu di tích K9 và nhiều di tích có tầm cỡ quốc gia như Đình Tây Đằng, Đình Chu Quyến.
Theo thống kê về dịch vụ thương mại và du lịch do bà Ưng Thị Thu Hiền phát biểu trong buổi thực tế chính trị, tổng doanh số bán ra nhóm ngành dịch vụ thương mại và du lịch năm 2022 ước tính đạt 11562 tỉ đồng, đạt 104,9% kế hoạch, tăng 15,4% so với năm 2021. Theo ước tính, du lịch Ba Vì đã đón khoảng 2 triệu lượt khách, tăng 34,66% so với kế hoạch, doanh thu ước tính đạt 310,7 tỉ đồng, vượt 355 kế hoạch năm.
Trong năm 2022, huyện Ba Vì đã tổ chức thành công “Khai chương Du lịch Ba Vì năm 2022”, “Festival nông sản”, “Lễ hội khinh khí cầu”,... với nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch huyện. Ngoài ra, với ưu thế về địa hình, huyện cũng đã chú trọng và phát triển thêm nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài các dịp nghỉ lễ. Theo thông tin của phòng Văn hóa và thông tin huyện Ba Vì, chỉ tính riêng 3 xã Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh, huyện Ba Vì đã có tổng số 75 cơ sở lưu trú nhà nghỉ, nhà vườn, homestay với lượng khách đáng kể.