Bàn về tác phẩm “ Văn minh Việt Nam ”
( Sóng trẻ )- Vào 18h ngày 13/12/2016, tọa đàm về tác phẩm “ Văn minh Việt Nam ” của tác giả Nguyễn Văn Huyên diễn ra tại thư viện của Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace.
Diễn giả của buổi tọa đàm: Phó giáo sư - Tiến sĩ Olivier Tessier, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Hồng Hải, nhà báo Kiều Mai Sơn
Nguyễn Văn Huyên ( 1905-1975 ) là nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ông cũng là người giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam trong thời gian dài nhất. Nguyễn Văn Huyên là người châu Á duy nhất ở Viện Viễn Đông bác cổ Pháp trong giai đoạn trước 1945 được bổ nhiệm làm "thành viên khoa học", ngang hàng với các học giả người Pháp. Trong lịch sử dân tộc học Pháp, ông Nguyễn Văn Huyên thuộc thế hệ các nhà dân tộc học chuyên nghiệp đầu tiên, thế hệ được các bậc thầy như Marcel Mauss dìu dắt. Ngày 17/2/1934, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trước một hội đồng gồm các giáo sư đầu ngành với hai luận án: luận án chính về Hát đối nam nữ ở Việt Nam và luận án phụ về Nhập môn nghiên cứu cư trú nhà sàn ở Đông Nam Á. Buổi bảo vệ được coi là một sự kiện trong lịch sử đại học Pháp, cũng như lịch sử các xứ thuộc địa Pháp, bởi cho đến thời điểm đó, rất ít người dân thuộc địa có bằng cấp cao như vậy. Sự nghiệp của Nguyễn Văn Huyên, cũng như nhiều trí thức khác, thật ra là cả một cuộc cách mạng, một “sự giải phóng về mặt văn hóa” cần thiết cho sự giải phóng về mặt chính trị với Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên
Bản thảo cuốn sách “ Văn minh Việt Nam ” được hoàn thành năm 1939 với tựa đề tiếng Pháp “La civilisation annamite” được xuất bản tại Hà Nội năm 1944, có thể được coi là phát ngôn của người Việt về văn hóa Việt Nam với cộng đồng thế giới. Công trình này được đặt viết theo nghị định ngày 23/4/1938 do Toàn quyền Đông Dương ký để dùng làm sách giáo khoa cho bộ môn văn hóa Việt Nam trong các trường trung học mới được thành lập. Đây là tác phẩm quan trọng trong tủ sách nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam. “ Văn minh Việt Nam ” của Nguyễn Văn Huyên là một trong số ít nghiên cứu đặt vấn đề tiếp cận văn hóa Việt Nam một cách tổng thể. Với kết cấu bao gồm 12 chương, tác phẩm cung cấp một lượng thông tin đồ sộ về con người, xã hội và văn hóa Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, những gì thuộc về bản sắc Việt Nam, được gọi là “ tật xấu ” hoặc “ nét đẹp ” trong văn hóa người Việt. Cuốn “ Văn minh Việt Nam ” của Nguyễn Văn Huyên là một tác phẩm của một tác giả Việt Nam, nhưng phải chờ đến hơn 50 năm sau ngày xuất bản ( 1996 ) mới được dịch ra tiếng Việt và chu du từ những tập tài liệu nghiên cứu chuyên biệt dành cho giới chuyên môn đến một toàn tập dày dặn mà thường chỉ có giới sưu tầm hay nghiên cứu tìm đến, tới một tập sách độc lập dành cho công chúng, cung cấp những tư liệu quý giá về lịch sử hình thành, vị trí địa lý cũng như các đặc điểm văn hóa nổi bật và đặc trưng của Việt Nam từ năm 1945 trở về trước.
Cuốn sách “Văn minh Việt Nam” của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên
Hồng Vân
Cùng chuyên mục
Bình luận