Bánh Trung thu - món hàng siêu lợi nhuậ
Cứ đến mùa trung thu hàng năm, hàng trăm, hàng nghìn tấn bánh trung thu được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Đây chính là thị trường màu mỡ cho các nhà sản xuất bánh trung thu, thứ bánh mà mọi người hay nói đùa là “thứ hàng siêu lợi nhuận”.
Nếu như dạo quanh một vòng các cơ sở bán bánh trung thu, chúng ta sẽ nhận được mức giá chào bán từ năm chục nghìn đồng đến năm trăm nghìn đồng cho một chiếc bánh trung thu. Tính ra, trung bình để có một hộp bánh làm quà tặng hoặc phá cỗ, bạn phải chi ra số tiền từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những nguyên liệu làm bánh quen thuộc như bột nếp, bột mỳ, đỗ, đậu xanh, trứng muối,… bạn có thể dễ dàng thấy được giá trị thực của chiếc bánh trung thu chỉ mất chi phí từ năm đến hai mươi nghìn đồng. Với tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao như vậy, sản xuất bánh trung thu là mảnh đất màu mỡ mà bất kỳ ông lớn nào cũng muốn nhảy vào.
Mức giá trên trời
Thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 âm lịch là khoảng thời gian mà bánh trung thu bán chạy nhất, tràn ngập thị trường với đủ loại mức giá cũng như chất lượng. Với vài trăm nghìn bạn có thể sở hữu một hộp bánh của các thương hiệu nội và phổ thông như Kinh Đô, Bánh mứt kẹo Hà Nội, hoặc nếu muốn sang hơn, bạn có thể chọn cho mình bánh trung thu của các khách sạn như Sofitel, Long Đình với mức giá hàng triệu đồng.
Đứng đầu về mức giá trên thị trường hiện nay là loại bánh Luxury 1 của khách sạn Deawoo có mức giá 8,6 triệu đồng một hộp 6 bánh. Tính trung bình, mỗi chiếc bánh có giá hơn một triệu đồng. Cùng mức giá như Deawoo còn phải kể đến khách sạn Hilton, sản phẩm bánh Trung thu của Hilton có nhiều lựa chọn cho khách hàng, từ những hộp phổ thông đến hộp VIP bạch kim, hộp VIP vàng, hộp VIP cao cấp với mức giá giao động quanh ngưỡng 6 triệu đồng.
Bánh Trung thu Long Đình Nguyệt Quý có giá 1.388.000 đồng. Ảnh: Longdinh.com.vn.
Đến những hãng bánh bình dân hơn như Bánh mứt kẹo Hà Nội, Kinh Đô cũng có mức giá khá cao, trung bình từ ba trăm nghìn đồng đến gần hai triệu đồng cho 1 hộp 4 bánh. Hãng Kinh Đô quảng bá một loạt sản phẩm như: Kim Cương Trường Khang, Bạch Kim Đắc Lộc, Hoàng Kim Vinh Hiển… giá từ 1,1- 3 triệu đồng/hộp. Bánh Thăng Long Đế Nguyệt hay Nguyệt Vương Tri Ngộ của hãng Hữu Nghị từ 1 triệu đồng đến gần 2,7 triệu đồng/hộp.
Kinh doanh siêu lợi nhuận
Để biết bánh Trung Thu có giá trị thực chất là bao nhiêu, chúng tôi đã liên hệ với anh H.V. Khánh, chủ hãng bánh Trung Thu có trụ sở tại La Phù, Anh cho biết: “Thực chất tiền nguyên liệu, nhân công để làm ra một chiếc bánh trung thu nhân thập cẩm bình thường chỉ rơi vào khoảng từ ba mươi đến bốn mươi nghìn cho một cân, tương đương với khoảng tám nghìn cho một chiếc bánh. Còn các loại bánh có thêm trứng muối, hạt sen,… thì có giá thành phẩm khoảng mười hai nghìn một chiếc. Cao cấp nhất là các loại bánh được làm thủ công của các khách sạn lớn giá cũng chỉ rơi vào tầm hai mươi nghìn”.
Đồng ý kiến với anh Khánh là chị Thanh Hoa, chủ tiệm bánh handmade Cô chủ nhỏ cho biết: “Nguyên liệu làm ra một chiếc bánh chiếm giá thành rất ít, như những chiếc bánh handmade ở cửa hàng chúng tôi chỉ từ khoảng mười nghìn đồng, đấy là làm với số lượng ít, còn nếu làm thành dây chuyền số lượng lớn như các nhà máy thì giá thành còn rẻ hơn.”
Có thể thấy, chỉ từ tám đến hai mươi nghìn đồng để sản xuất một chiếc bánh đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, hãng sản xuất có thể bán ra thị trường với mức giá gấp từ năm đến hàng chục lần giá sản xuất. Đây quả thực là một nghành hàng siêu lợi nhuận. Thế nên, các doanh nghiệp đua nhau sản xuất và tăng sản lượng bánh trung thu, ví dụ như Kinh Đô (KDC) có mức tăng từ 2000 tấn năm 2011 lên 3000 tấn năm 2013, hay như công ty cổ phẩn Bánh mứt kẹo Hà Nội đã tăng thêm 15% trong năm 2016 lên mức 3.200 tấn.
Tuy nhiên, cũng chính vì mức siêu lợi nhuận này mà nhiều “thượng đế” tỏ ra rất bức xúc, chị Thanh Hà, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “thực chất, mình cũng biết là giá thành làm ra bánh Trung thu rất rẻ, nhưng không biết tại sao mà nó có giá đắt như vậy ? không biết là nhân bên trong có thêm vi cá hay yến xào không? Tôi cảm thấy như bị ‘móc túi’ ”.
Đồng quan điểm, chị Nhi Đặng, giáo viên trường tiểu học Quang Trung, Hà Nội cho biết: "vì giá thành bánh quá cao so với giá trị thực, chất lượng thì không biết thế nào nên từ nhiều năm nay, tôi đã không sử dụng bánh trung thu nữa". Nhiều người bức xúc, tuy nhiên có những vị khách lại có những ý kiến khác: “Mua bánh Trung thu là mua thương hiệu tặng nhau, mua quà biếu sếp chứ nếu muốn rẻ thì có thể mua những loại bánh trung thu cổ truyền với giá cực rẻ”.
Có thể thấy, với mức siêu lợi nhuận mà bánh trung thu mang lại, đây chắc chắn là thị trường màu mỡ cho các nhà sản xuất bánh trung thu. Tuy nhiên, cũng chính vì mức lợi nhuận đó, quyền lợi của người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng quá nhiều.
Hoàng Phong- Báo đa phương tiện 33